Theo Tổng thống Nga, ngày càng nhiều quốc gia trên thế giới mong muốn và sẽ theo đuổi chính sách độc lập. “Không có ‘cảnh sát quốc tế’ nào có thể ngăn chặn quá trình toàn cầu tự nhiên này. Không ai mạnh mẽ đến vậy.” – ông khẳng định.
“Họ phải đối mặt với những thách thức trong nước và tôi hy vọng họ nhận ra chính sách này hoàn toàn không có triển vọng” – nhà lãnh đạo Nga đề cập đến Mỹ và các đồng minh phương Tây.
Nga đã trở thành quốc gia bị trừng phạt nhiều nhất trên thế giới sau khi phương Tây trả đũa vì đã tấn công Ukraine vào tháng 2. Các hạn chế được các quan chức phương Tây coi là một cách để gây tổn thất, làm mất ổn định nền kinh tế Nga, buộc Moscow phải rút lui. Tuy nhiên, nhiều quốc gia đã từ chối tham gia lệnh trừng phạt, bao gồm cả thành viên NATO là Thổ Nhĩ Kỳ.
Các thị trường toàn cầu, vốn đã chịu nhiều áp lực do đại dịch Covid-19 và sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng, lại càng thêm bất ổn do tình trạng bế tắc. Nhiều nước phương Tây phải trải qua mức lạm phát chưa từng có trong nhiều thập kỷ do giá năng lượng và lương thực tăng cao.
Trong bài phát biểu của mình, Tổng thống Nga giải thích về việc đất nước ông không có ý định đóng cửa nền kinh tế với thế giới. Ông cũng báo cáo cách Nga đối phó với các lệnh trừng phạt, bao gồm việc thay thế các sản phẩm nhập khẩu quan trọng bằng sản phẩm được sản xuất trong nước.
Trong một diễn biến khác, theo hãng tin Reuters, Ủy viên Tư pháp của Liên minh châu Âu (EU) Didier Reynders cho biết khối này đã phong tỏa tài sản trị giá khoảng 24,5 tỷ USD của Ngân hàng Trung ương Nga. Tuy nhiên, số tiền này nhỏ hơn rất nhiều so với dự đoán 300 tỷ USD mà Mỹ và đồng minh được cho là đã đóng băng để đáp trả Nga tấn công Ukraine.
Đây là lần đầu tiên EU tiết lộ số tiền mà khối này đóng băng Nga liên quan đến cuộc xung đột Ukraine.