Tổng thống Joe Biden trấn an Kiev

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Theo Tổng thống Mỹ Joe Biden, chính phủ Mỹ có thể hỗ trợ cả Israel và Ukraine cùng lúc.

Javelin - một trong những vũ khí được Mỹ cung cấp nhiều nhất cho Ukraine.
Javelin - một trong những vũ khí được Mỹ cung cấp nhiều nhất cho Ukraine.

Cam kết

Tuyên bố được ông chủ Nhà Trắng đưa ra hôm 15/10 khi nói về việc thực hiện cam kết với Ukraine và hỗ trợ Israel trong xung đột với Hamas.

"Chúng ta là Mỹ, quốc gia hùng mạnh nhất trong lịch sử nhân loại. Chúng ta có thể hỗ trợ cả hai quốc gia: Ukraine và Israel, đồng thời duy trì khả năng phòng thủ của mình trên biên giới quốc tế", ông Biden nói.

Tổng thống Mỹ còn nhấn mạnh thêm rằng: "Mỹ có đủ khả năng làm điều này và chúng tôi có nghĩa vụ với đồng minh, đối tác của mình".

Tuyên bố được Tổng thống Mỹ đưa ra ngay sau khi Bộ trưởng Tài chính Ukraine Serhiy Marchenko bày tỏ lo ngại nguồn hỗ trợ quân sự và tài chính từ phương Tây suy giảm.

"Tôi thấy các đối tác đang ngày càng mệt mỏi và rệu rã. Họ muốn quên đi xung đột này, nhưng nó đang tiếp diễn khốc liệt", ông Serhiy Marchenko cho biết hôm 14/10 bên lề cuộc họp của Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới tại Marrakech, Morocco.

Ông Marchenko nói "thay đổi địa chính trị và bối cảnh chính trị nội bộ ở nhiều quốc gia" đang làm suy giảm mong muốn hỗ trợ Ukraine, đề cập tới cuộc bầu cử năm tới ở Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Điều này khiến Ukraine gặp khó khăn nhiều hơn trong đảm bảo hỗ trợ.

Bộ trưởng cho biết Ukraine đang phải nỗ lực hơn rất nhiều so với các cuộc họp hồi tháng 4 để thuyết phục đối tác hỗ trợ.

"Chúng tôi có một số cam kết như khoản 5,4 tỷ USD từ chương trình của IMF. Chúng tôi mong đợi thêm các cam kết từ Nhật Bản, Anh và tất nhiên cần dựa vào các đối tác, đồng minh chính là Mỹ và EU", ông nói.

Trong hơn năm rưỡi qua, Tổng thống Joe Biden đã giữ lập trường vững chắc về viện trợ của Mỹ. Quốc hội Mỹ tới nay đã phê duyệt 110 tỷ USD viện trợ cho Ukraine. Mỹ đã giải ngân gần 80 tỷ USD tính tới tháng 8.

Các tổ chức EU tính tới tháng 8 đã hỗ trợ hơn 80 tỷ USD cho Ukraine. EU đang cân nhắc gói hỗ trợ trị giá hơn 52 tỷ USD cho Ukraine giai đoạn 2024-2027. Ông Marchenko nói Ukraine hy vọng nhận gần 19 tỷ USD trong số đó vào năm 2024.

Bộ trưởng Ukraine cũng hoan nghênh những nỗ lực khai thác tài khoản đóng băng của Nga để hỗ trợ Kiev.

Thế khó của Mỹ

Bất chấp lập trường kiên định của chính quyền Mỹ về viện trợ bổ sung cho Ukraine, ngày càng nhiều chính trị gia Cộng hòa thể hiện thái độ gay gắt với hoạt động này.

"Chúng ta không có lợi ích quốc gia ở Ukraine. Ngay cả khi có, nó cũng bị lấn át bởi thực tế rằng chúng ta không có tiền", thượng nghị sĩ Rand Paul tuyên bố.

Thượng nghị sĩ Josh Hawley cũng nói rằng ông quá mệt mỏi với các yêu cầu bổ sung ngân sách viện trợ từ Nhà Trắng. "Đó không phải là tiền của chúng tôi. Đó là tiền của người dân Mỹ", ông nói.

Quan điểm phổ biến của ngày càng nhiều đảng viên Cộng hòa là ngân sách Mỹ nên được tập trung cho các ưu tiên khác, đặc biệt là cho vấn đề trong nước như an ninh biên giới, cứu trợ thiên tai và kiểm soát tội phạm, thay vì chi cho Ukraine.

Tờ Washington Post vừa công bố kết quả một cuộc khảo sát cho thấy, có gần 50% người được hỏi nói Mỹ đang làm quá nhiều để hỗ trợ Ukraine, tăng từ mức 33% vào tháng 2 và 14% vào tháng 4/2022.

Alyssa Demus, nhà nghiên cứu quốc phòng quốc tế tại tổ chức RAND Corporation, nói rằng nếu không có viện trợ bổ sung, chiến dịch phản công của Ukraine có thể bị đình trệ trong nhiều tuần.

Khi mùa đông đến, Ukraine sẽ phải cắt giảm hoạt động quân sự bất kể viện trợ của Mỹ có hay không, theo Demus. Song chuyên gia này cho rằng một gói viện trợ mới của Mỹ sẽ tác động lớn hơn.

"Mỹ có xu hướng trở thành hình mẫu cho các nước khác trong hỗ trợ Ukraine. Nếu Mỹ không hành động, các đồng minh và đối tác châu Âu có thể cân nhắc lại khả năng viện trợ của họ cho Kiev", bà nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ