Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol bắt đầu chuyến thăm chính thức Mỹ kéo dài 6 ngày từ ngày 25/4. Nhà lãnh đạo Hàn Quốc có cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Joe Biden vào ngày 26/4 (giờ Mỹ) và văn kiện chung sẽ được công bố sau đó.
Theo các quan chức cấp cao Hàn Quốc tiết lộ với Reuters, văn kiện sau cuộc họp chung sẽ đề cập rõ ràng phương án Mỹ bảo vệ đồng minh Hàn Quốc như thế nào.
Cụ thể, Mỹ không có kế hoạch bố trí vũ khí hạt nhân của Mỹ ở Hàn Quốc. Seoul cũng sẽ không tự phát triển vũ khí hạt nhân để đối phó Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, liên minh sẽ thể hiện sức mạnh quân sự rõ ràng hơn trong thời gian tới, đặc biệt là trong bối cảnh Triều Tiên đang ngày càng có các động thái thể hiện sự phô trương uy lực hạt nhân.
Việc thể hiện sức mạnh quân sự Mỹ - Hàn sẽ thông qua các hoạt động thăm viếng của tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo, máy bay ném bom chiến lược và tàu sân bay của phía Mỹ.
Động thái điều binh lực hạt nhân của Mỹ đến Hàn Quốc có thể coi là lịch sử. Lần cuối cùng tàu ngầm hạt nhân Mỹ đến Hàn Quốc là vào những năm 1980.
Tuy vậy, các khí tài chiến lược của Mỹ sẽ chỉ thăm viếng mà không đồn trú ở Hàn Quốc.
Theo nhận định của ông Moon Seong-mook, Giám đốc Trung tâm Chiến lược Thống nhất của Hàn Quốc, trong bối cảnh đang diễn ra các mối đe dọa về hạt nhân và tên lửa từ Triều Tiên, quan hệ đồng minh giữa Hàn Quốc và Mỹ cần được củng cố và nâng cao trên mọi mặt, kể cả việc mở rộng liên minh răn đe hạt nhân.
Chuyến thăm của Tổng thống Hàn Quốc đến Mỹ cũng được đánh giá là thành công với các hợp tác trong lĩnh vực công nghệ tiên tiến.
Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc cho biết đã ký 23 thỏa thuận với phía Mỹ về hợp tác trong ngành công nghiệp tiên tiến và lĩnh vực năng lượng, như pin, robot và sản xuất điện hạt nhân.
Trong đó có 10 thỏa thuận về pin, sinh học, hàng không, robot, xe tự hành và các lĩnh vực thế hệ tiếp theo khác, và 13 biên bản ghi nhớ (MOU) kêu gọi tăng cường quan hệ song phương trong các ngành năng lượng, bao gồm hydro, sản xuất điện hạt nhân và trung hòa carbon.
Không những vậy, phía Hàn Quốc cũng thúc đẩy sự hợp tác giữa Cơ quan quản lý hàng không vũ trụ Hàn Quốc (KASA) và Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) về hợp tác thám hiểm vũ trụ và khoa học vũ trụ.
Ông kỳ vọng xây dựng một "liên minh không gian" để tiến hành các chương trình nghiên cứu và phát triển chung.
Đồng thời, xây dựng một nền tảng truyền thông để tích cực thúc đẩy giao lưu nhân dân, cũng như trao đổi thông tin và kiến thức.