Hải quân Hàn Quốc đã nhận được chiếc tàu ngầm diesel-điện thứ hai thuộc lớp KSS-III do Daewoo Shipbuilding & Marine Engineering chế tạo, con tàu được đặt tên là "An Mu" để vinh danh người chiến sĩ đã chiến đấu trong cuộc chiến giành độc lập chống lại Nhật Bản.
Chiếc "An Mu" được khởi đóng vào năm 2016 và hạ thủy ngày 10 tháng 11 năm 2020.
Theo kế hoạch của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, tàu ngầm này sẽ thực hiện hoạt động quân sự đầu tiên từ năm 2024.
Tàu ngầm diesel-điện mới thuộc dự án KSS-III do các chuyên gia Hàn Quốc phát triển toàn diện. Việc nghiên cứu lớp chiến hạm này khởi động vào đầu những năm 2010. Chiếc dẫn đầu mang tên Dosan An Changho được hạ thủy vào tháng 9/2018 và chính thức hoạt động từ tháng 8/2021.
Tổng cộng, Hải quân Hàn Quốc có kế hoạch biên chế 9 chiếc KSS-III. Những con tàu nói trên sẽ thay thế các tàu ngầm diesel-điện Type 209/1200 của Đức, được chế tạo trong những năm 1980 - 1990 hiện đang phục vụ trong hạm đội.
Tàu ngầm KSS-III được đóng theo loạt ba chiếc. Dòng thứ hai sẽ có một số khác biệt về thiết kế, đặc biệt là pin lithium-ion thay vì pin tiêu chuẩn. Trong loạt thứ ba, các kỹ sư đã lên kế hoạch áp dụng "những công nghệ tiên tiến".
Tàu ngầm tấn công diesel-điện KSS-III của Hàn Quốc có tính năng kỹ chiến thuật rất tiên tiến. |
Theo dữ liệu được công bố, lượng choán nước khi nổi của tàu ngầm diesel-điện KSS-III là 3.358 tấn, và lên tới 3.705 tấn khi lặn, chiều dài - 83,3 m, chiều rộng - 9,6 mét. Tàu ngầm sử dụng động cơ đẩy độc lập với không khí (AIP), chi tiết về nó chưa được tiết lộ.
Nhờ động cơ AIP, tàu ngầm KSS-III có thể ở dưới nước tới 20 ngày. Tốc độ khi lặn hoàn toàn dưới nước - 20 hải lý. Phạm vi hành trình được tuyên bố - 10.000 hải lý. Thủy thủ đoàn - 50 người.
Đáng chú ý là ngoài ống phóng ngư lôi có thể triển khai tên lửa chống hạm, tàu ngầm KSS-III còn có 6 ống phóng thẳng đứng dành cho tên lửa đạn đạo phi hạt nhân. Đây được xem là câu trả lời của Hàn Quốc trước Triều Tiên sau những căng thẳng vừa qua.