Ngày 14/9, tiếp tục chương trình làm việc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về các báo cáo công tác của Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng Viện KSND Tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, thi hành án và PCTN năm 2018.
Tham nhũng có chiều hướng thuyên giảm
Trình bày báo cáo, theo Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái, công tác PCTN năm 2018 đã có bước tiến mạnh, đạt được nhiều kết quả toàn diện, rõ rệt, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, được nhân dân đồng tình đánh giá cao, được các tổ chức quốc tế ghi nhận.
PCTN đã gắn với công tác cán bộ, xử lý nghiêm sai phạm theo quy định về kỷ luật của Đảng, Nhà nước và xử lý hình sự; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, kỷ luật nghiêm minh nhiều cán bộ, đảng viên.
“Nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, dư luận quan tâm được phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh, đúng pháp luật, không có vùng cấm”, ông Lê Minh Khái nói.
Từ những kết quả đã đạt, dự báo thời gian tới, công tác PCTN sẽ tiếp tục đạt được nhiều kết quả toàn diện, tích cực, rõ rệt; tham nhũng từng bước được kiềm chế và thuyên giảm, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước.
Tuy nhiên, Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế. Theo Tổng Thanh tra, vẫn còn một số bộ, ngành, địa phương có tình trạng bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo quản lý thiếu điều kiện, tiêu chuẩn, phẩm chất, năng lực; bố trí người thân vào vị trí việc làm hoặc để người thân kinh doanh trong phạm vi quản lý, vi phạm quy định pháp luật về PCTN.
“Chưa có quy định và thiếu kiên quyết điều chuyển, thay thế cán bộ khi có dư luận hoặc có biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, uy tín thấp”, ông Lê Minh Khái thông tin.
Các biện pháp phòng ngừa tham nhũng chưa phát huy toàn diện. Việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, chuyển đổi vị trí công tác, kiểm soát tài sản, thu nhập, tặng quà, nhận quà còn nhiều hạn chế, vướng mắc.
“Tham nhũng vặt” chưa được ngăn chặn có hiệu quả. Số vụ việc, vụ án được phát hiện, xử lý chưa phản ánh đúng thực trạng tham nhũng, nhất là công tác phát hiện, xử lý ở địa phương.
Chất lượng và tiến độ điều tra, truy tố, xét xử một số vụ án tham nhũng, kinh tế chưa đạt yêu cầu; tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng có tiến bộ đáng kể nhưng còn thấp hơn nhiều giá trị tài sản bị chiếm đoạt, gây thiệt hại.
Thậm chí, vẫn còn xảy ra sai phạm, tham nhũng trong các cơ quan bảo vệ pháp luật.
Loại cán bộ hư hỏng, trước hết ở cơ quan PCTN
Để công tác PCTN hiệu quả hơn, năm 2019, Chính phủ đề ra một loạt giải pháp, nhiệm vụ cụ thể.
Theo đó, sẽ tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các dự án luật để phòng ngừa tham nhũng; đẩy mạnh cải cách hành chính; tập trung xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc.
“Kiên quyết loại bỏ những cán bộ hư hỏng, tham nhũng ra khỏi bộ máy của Đảng và Nhà nước, trước hết là trong các cơ quan PCTN”, Tổng Thanh tra nhấn mạnh và cho biết, Chính phủ sẽ kiểm tra công tác quy hoạch, luân chuyển, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ trong phạm vi cả nước; kiên quyết hủy bỏ, thu hồi các quyết định không đúng về công tác cán bộ, xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân sai phạm.
Cùng với đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra, đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc tham nhũng, kinh tế đã phát hiện…
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga lưu ý, tình trạng bổ nhiệm nhiều cán bộ trước khi nghỉ hưu, bổ nhiệm cán bộ không đủ tiêu chuẩn theo quy định gây hoài nghi trong dư luận. |
Ở góc độ cơ quan thẩm tra, Ủy ban Tư pháp nhận định, báo cáo của Chính phủ được chuẩn bị nghiêm túc, phản ánh kết quả đạt được, nêu ra những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong công tác PCTN và đề ra các giải pháp khắc phục.
“Tuy nhiên, báo cáo mới chỉ nêu ra một số cơ quan, đơn vị, địa phương làm tốt mà chưa chỉ ra được cơ quan, đơn vị, địa phương nào chưa làm tốt công tác PCTN”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày và cho hay, còn một số hạn chế tồn tại qua nhiều năm nhưng chưa có giải pháp khắc phục triệt để.
Đề nghị thanh tra mua bán đất công trên phạm vi cả nước
Theo bà Nga, hiện vẫn chưa có giải pháp để tháo gỡ, chấn chỉnh triệt để tình trạng dư thừa cấp phó. Trong khi, cả nước có tới 81.492 lãnh đạo cấp phó; cứ 5 cán bộ công chức lại có 1 lãnh đạo cấp phó mà tại hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII đã công bố.
Tình trạng bổ nhiệm nhiều cán bộ trước khi nghỉ hưu, bổ nhiệm cán bộ không đủ tiêu chuẩn theo quy định gây hoài nghi trong dư luận.
Thực hiện, xác minh kê khai tài sản, thu nhập còn hình thức; xử lý trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng vẫn còn một số hạn chế, chưa tương xứng với các vụ việc, vụ án tham nhũng bị phát hiện, xử lý.
“Có dấu hiệu bỏ lọt việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu”, bà Nga lưu ý.
Với công tác thanh tra, kiểm toán, giải quyết khiếu nại, tố cáo, theo Ủy ban Tư pháp đã được tăng cường, tập trung vào các lĩnh vực có nhiều dư luận về tiêu cực, tham nhũng.
“Thanh tra Chính phủ đã tiến hành thanh tra và công khai kết luận thanh tra vụ Mobifone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG); kiểm tra và công khai kết luận kiểm tra vụ việc liên quan đến khiếu nại của công dân về Khu đô thị mới Thủ Thiêm… đã nhận được sự đồng tình, đánh giá cao của dư luận”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nêu.
Tuy nhiên, theo bà Nga, hoạt động thanh tra, kiểm toán vẫn còn trường hợp chồng chéo. Cơ quan thanh tra kiến nghị xử lý hành chính, kỷ luật nhiều, nhưng kiến nghị xử lý hình sự còn ít…
Ủy ban Tư pháp kiến nghị, Quốc hội, Chính phủ cần xây dựng và hoàn thiện cơ chế giám sát, kiểm soát việc thực thi quyền lực.
“Đề nghị Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước chỉ đạo tập trung kiểm tra, thanh tra, kiểm toán toàn diện việc mua bán, chuyển nhượng tài sản công là đất đai, nhà tại các tỉnh, TP trên phạm vi cả nước; kiểm tra, thanh tra, kiểm toán việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước”, bà Nga nêu.
Ủy ban Tư pháp cũng đề nghị Tổng Thanh tra Chính phủ, Tổng Kiểm toán nhà nước, Bộ trưởng Bộ Công an, Viện trưởng VKSND Tối cao, Chánh án TAND Tối cao chỉ đạo hoạt động thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, tập trung phát hiện và xử lý tham nhũng dưới hình thức “nhóm lợi ích”, “sân sau”… để sát với tình hình tham nhũng đang diễn ra trong thực tế.
- Hơn 1,1 triệu người kê khai tài sản; có 44 người được xác minh tài sản, thu nhập, phát hiện 6 trường hợp vi phạm.
- Có 24 trường hợp nộp lại quà tặng với tổng giá trị là 421 triệu đồng.
- Qua kiểm tra việc thực hiện quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp tại 4.599 cơ quan, tổ chức, đơn vị, đã xử lý 92 cán bộ, công chức vi phạm.
- Phát hiện 132 trường hợp tuyển dụng không đúng quy định, 938 trường hợp bổ nhiệm, bổ nhiệm lại chưa đáp ứng đầy đủ điều kiện tiêu chuẩn và 79 trường hợp bổ nhiệm, bổ nhiệm lại chưa đáp ứng đầy đủ trình tự, thủ tục theo quy định.
- Có 29 người đứng đầu đã bị xử lý hoặc đang được xem xét để xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng.
- Qua tự kiểm tra nội bộ phát hiện 19 vụ, 21 đối tượng (tăng 26,7% số vụ) liên quan đến tham nhũng.
- Qua hoạt động thanh tra đã phát hiện 67 vụ, 76 đối tượng tham nhũng và liên quan đến tham nhũng (tăng tăng 52,2% số vụ).
- Qua công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo phát hiện 34 vụ, 63 đối tượng có hành vi liên quan đến tham nhũng (tăng 100% số vụ).
- Cơ quan điều tra đã thụ lý điều tra 378 vụ án, 770 bị can phạm tội về tham nhũng; đã kết luận điều tra 186 vụ, 432 bị can.
- Viện kiểm sát các cấp thụ lý giải quyết 233 vụ/553 bị can; đã giải quyết 215 vụ/510 bị can.
- TAND các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 313 vụ với 774 bị cáo; đã xét xử sơ thẩm 157 vụ, 398 bị cáo về các tội danh tham nhũng, trong đó tỷ lệ tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng chiếm 49,5%.
- Thiệt hại trong các vụ án đang thụ lý là hơn 8.800 tỷ đồng, trên 12.000m2 đất, đã thu hồi trên 2.200 tỷ đồng và nhiều tài sản.