Hội nghị này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nhằm đánh giá một cách sâu sắc, toàn diện những kết quả đạt được, cũng như chỉ rõ những tồn tại, hạn chế về công tác phòng, chống tham nhũng sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; xác định phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm từ nay đến hết nhiệm kỳ và cho cả nhiệm kỳ tới.
Nói về kết quả công tác phòng, chống tham nhũng từ sau Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2014, đặc biệt là từ đầu nhiệm kỳ Đại hội lần thứ XII của Đảng đến nay, ông Võ Văn Dũng cho biết công tác phòng, chống tham nhũng được chỉ đạo ráo riết, quyết liệt, có một bước tiến mạnh, đạt được nhiều kết quả toàn diện, tích cực, rõ rệt, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định “Công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực đã trở thành phong trào, xu thế”, được nhân dân đồng tình, đánh giá cao, được các tổ chức quốc tế ghi nhận.
Các quan điểm, chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp về phòng, chống tham nhũng theo Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2014 và Nghị quyết Đại hội XII của Đảng được cấp ủy, tổ chức Đảng triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, có hiệu quả, cụ thể là nhiều quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước được ban hành nhằm tăng cường công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và phòng, chống tham nhũng, vừa để phòng ngừa, cảnh báo, răn đe, ngăn chặn, vừa là căn cứ để phát hiện, xử lý sai phạm; gắn phòng, chống tham nhũng với công tác cán bộ, xử lý nghiêm sai phạm theo quy định về kỷ luật của Đảng, Nhà nước và xử lý hình sự; siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy Nhà nước, kỷ luật nghiêm minh nhiều cán bộ, đảng viên, tổ chức Đảng vi phạm, cả đương chức và nghỉ hưu, cả cán bộ cấp cao, cả trong lực lượng vũ trang nhân dân.
Nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm được phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh, đúng pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai.
Theo Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương, các cơ quan chức năng đã chủ động, công khai cung cấp thông tin, định hướng dư luận trong hoạt động phòng, chống tham nhũng, phát huy vai trò tích cực của các cơ quan truyền thông, báo chí trong phòng, chống tham nhũng. Vai trò, trách nhiệm của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội và người dân trong phòng chống tham nhũng ngày càng được phát huy tốt hơn.
Trong thời gian qua, hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng được mở rộng, bước đầu mở rộng phòng, chống tham nhũng ra ngoài khu vực Nhà nước.
Ông Võ Văn Dũng nêu rõ những kết quả đạt được về công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian qua đã có tác động mạnh mẽ, có tính cảnh tỉnh, răn đe, ngăn chặn tiêu cực, tham nhũng, góp phần làm trong sạch bộ máy Đảng, Nhà nước nói riêng và hệ thống chính trị nói chung.
Cùng với những kết quả về phát triển kinh tế - xã hội, công tác phòng chống tham nhũng góp phần tăng cường, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo động lực mới, khí thế mới để toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.
Những kết quả đạt được trong công tác phòng, chống tham nhũng thời gian qua đã khẳng định rõ quyết tâm của Đảng, Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, làm cho mọi người thấy rõ việc đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, xây dựng, chỉnh đốn Đảng, kiên quyết xử lý nghiêm khắc nhiều cán bộ, đảng viên sai phạm không làm hạn chế sức sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của những người tâm huyết, vì sự nghiệp đổi mới của Đảng, với động cơ trong sáng, lành mạnh, không “làm chậm” sự phát triển, mà ngược lại làm trong sạch, tạo sức mạnh thật sự của bộ máy và đội ngũ cán bộ, củng cố và tăng cường lòng tin của nhân dân, tạo động lực mới, khí thế mới để thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ, thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới đất nước.
Qua thực tiễn đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng thời gian qua, ông Võ Văn Dũng nhận định khi đã xảy ra tham nhũng thì phải xử lý kiên quyết, nghiêm minh, kịp thời, đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, không có vùng cấm, không có đặc quyền, không có ngoại lệ, xử lý nghiêm cả những người bao che, dung túng, tiếp tay cho tham nhũng, can thiệp, ngăn cản việc chống tham nhũng. Tuy nhiên, phải xem xét, đánh giá thật khách quan, biện chứng, cân nhắc kỹ bối cảnh lịch sử cụ thể về tình hình thực tế và sự phù hợp của pháp luật với thực tiễn cuộc sống để xử lý cho phù hợp, động viên, khuyến khích, bảo vệ những người dân đổi mới, sáng tạo vì sự nghiệp chung./.