Tổng kết, rút kinh nghiệm quá trình xã hội hóa biên soạn SGK lớp 1

GD&TĐ - Cử tri thành phố Hà Nội đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ GD&ĐT rà soát các nội dung trong sách giáo khoa (SGK) và sách tham khảo cho phù hợp với học sinh tiểu học, đặc biệt là học sinh lớp 1.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Về vấn đề này, Bộ GD&ĐT cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội và Quyết định số 404/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông (GDPT), Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 32/2018/TT-BGD&ĐT ban hành Chương trình GDPT 2018. Khi xây dựng chương trình, Bộ GD&ĐT đã đặc biệt chú ý thực hiện việc giảm tải để tăng tính trải nghiệm thực hành, cụ thể:

Về môn học: Chương trình GDPT mới cấp tiểu học lớp 1 và lớp 2 có 7 môn học; lớp 3 có 9 môn học; lớp 4 và lớp 5 có 10 môn học. So với Chương trình 2006: Lớp 1, lớp 2 và lớp 3 có 10 môn học; lớp 4 và lớp 5 có 11 môn học. 

Về số giờ học: Chương trình GDPT mới ở cấp tiểu học, học sinh học 2.838 giờ, so với Chương trình 2006 ở cấp tiểu học học sinh học 2.353 giờ. 

Mặt khác, Chương trình GDPT mới học 2 buổi/ngày (9 buổi/tuần). Tính trung bình, học sinh học 1,8 giờ/lớp/buổi học, nhà trường có điều kiện tổ chức các hoạt động vui chơi, trải nghiệm nhiều hơn. Chương trình 2006 yêu cầu học 1 buổi/ngày (5 buổi/tuần), tính trung bình học sinh học 2,7 giờ/lớp/buổi học.

Triển khai thực hiện Chương trình GDPT mới, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã phê duyệt 5 bộ SGK của 9 môn học ở lớp 1; số lượng các đầu sách SGK là 9 đầu sách/bộ/9 môn học. Trước những phản ánh từ đội ngũ giáo viên, phụ huynh học sinh và dư luận xã hội về việc SGK môn Tiếng Việt lớp 1 còn gặp một số khó khăn trong quá trình tổ chức dạy và học; một số ngữ liệu trong SGK môn Tiếng Việt lớp 1 chưa phù hợp, Bộ GD&ĐT đã ban hành Công văn số 4090/BGD&ĐT-TH yêu cầu Hội đồng quốc gia thẩm định SGK và các nhà xuất bản có SGK môn Tiếng Việt lớp 1 thực hiện rà soát, kiểm tra các nội dung dư luận phản ánh và báo cáo về Bộ GD&ĐT. Các Hội đồng thẩm định, tác giả, nhà xuất bản đã và đang tiếp tục triển khai các bước, gửi báo cáo về Bộ GD&ĐT những nội dung theo quy định để thực hiện điều chỉnh, bổ sung trong lần tái bản.

Theo quy định, SGK được sử dụng chính thức để tổ chức dạy và học trong nhà trường. Ngoài ra, các nhà xuất bản còn xuất bản, phát hành sách tham khảo để giáo viên, học sinh tham khảo, sử dụng (không bắt buộc). Để quản lý, sử dụng sách tham khảo đúng mục tiêu giáo dục, bảo đảm hiệu quả, không gây áp lực, quá tải với học sinh, Bộ GD&ĐT đã có quy định giáo viên không được sử dụng sách tham khảo để dạy học và kiểm tra, đánh giá vượt quá yêu cầu của chương trình; không được “ép” học sinh mua sách tham khảo dưới bất kỳ hình thức nào.

Tiếp thu kiến nghị của cử tri, Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức tổng kết, rút kinh nghiệm quá trình xã hội hóa việc biên soạn, phát hành SGK lớp 1 theo quy định tại Nghị quyết số 122/2020/QH14 của Quốc hội; tiếp tục chỉ đạo việc biên soạn, thẩm định SGK từ lớp 2 - 12, bảo đảm thực hiện Chương trình GDPT mới theo lộ trình quy định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ