Hướng tới nền Giáo dục Asean phát triển bền vững

Hướng tới nền Giáo dục Asean phát triển bền vững
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: N.N
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: N.N

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Trần Công Phong, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã thể hiện niềm vinh dự khi Công đoàn Giáo dục Việt Nam được đăng cai tổ chức Hội nghị Hội đồng giáo giới Asean lần thứ 25 này. Chủ đề Hội nghị lần này là “Hội đồng giáo giới Asean ứng phó với suy thoái kinh tế toàn cầu nhằm đảm bảo phát triển bền vững giáo dục” được Hội nghị trù bị các trưởng đoàn Công đoàn giáo giới các nước Asean tháng 7/2009 thống nhất lựa chọn, hoàn toàn phù hợp với hoàn cảnh hiện nay.

Ông Trần Công Phong cũng nhấn mạnh: Hội nghị này diễn ra trong bối cảnh kinh tế khu vực và thế giới có những dấu hiệu phục hồi và Hội nghị cấp cao Asean lần thứ 15 vừa tổ chức thành công tại Thái Lan. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính thế giới cùng với thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh đã làm cho đời sống nhân dân nhiều nước gặp khó khăn, tác động tiêu cực nhiều mặt đến sự nghiệp Giáo dục – Đào tạo mỗi nước. Những vấn đề vốn có trước đây của giáo dục như học sinh bỏ học và bất bình đẳng trong hưởng thụ nền giáo dục cơ bản; chất lượng giáo dục đào tạo hạn chế chưa đáp ứng nhu cầu xã hội; chất lượng đội ngũ nhà giáo chưa cao và đời sống còn gặp nhiều khó khăn… tiếp tục gia tăng. Những vấn đề trên, mức độ ở mỗi nước có khác nhau nhưng trở thành những thách thức không nhỏ đối với việc đảm bảo phát triển sự nghiệp phát triển giáo dục bền vững và cũng là những vấn đề đặt ra cần có sự giải quyết của đội ngũ nhà giáo và tổ chức công đoàn giáo dục ở mỗi nước…

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: N.N
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: N.N
Bên cạnh những thành tựu cũng như những chính sách ưu tiên cho giáo dục, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân trong bài phát biểu của mình đã đưa ra 8 thách thức trong hệ thống giáo dục Việt Nam hiện nay, đó là: Vấn đề học sinh bỏ học; vấn đề kinh phí phục vụ cho việc thay đổi phương pháp giảng dạy bao gồm cả việc ứng dụng CNTT; vẫn tồn tại phương pháp giảng dạy kiểu đọc chép ở nhiều trường học; vấn đề chất lượng quản lý các trường đại học; chất lượng xây dựng các trường học; việc phân bổ ngân sách được sử dụng không có hiệu quả; chất lượng giáo dục đại học và cuối cùng là làm sao để trẻ em Việt Nam chuẩn bị sẵn sàng cho hội nhập mà vẫn tiếp tục duy trì được nền văn hóa truyền thống.

Trước những khó khăn, thách thức đó, đã có nhiều biện pháp được triển khai thực hiện như: Thực hiện “3 đủ” để trẻ em đủ ăn, đủ quần áo, sách vở để đến trường; thực hiện phong trào mỗi giáo viên là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo; phong trào trường học thân thiện – học sinh tích cực; đào tạo để nâng cao năng lực cho các hiệu trưởng; thực hiện “3 công khai”; tham gia chương trình kiểm định chất lượng đại học và thực hiện đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội…

Riêng với Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Phó Thủ tướng đề nghị cần tiếp tục huy động sự tham  gia của toàn xã hội để quyên góp quần áo, sách vở hỗ trợ các vùng khó khăn; khuyến khích phong trào mỗi giáo viên là một tấm gương sáng cho học sinh noi theo; cải tổ phương pháp giảng dạy của giáo viên; đưa những tấm gương tiêu biểu của các giáo viên trên các website; tổ chức triển lãm các phần mềm giảng dạy, các công cụ đồ dùng học tập ở các tỉnh thành…

Đại diện học sinh Thủ đô chào mừng Hội nghị. Ảnh: N.N
Đại diện học sinh Thủ đô chào mừng Hội nghị. Ảnh: N.N

Bà Nguyễn Thị Thu Hồng, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam bày tỏ sự tin tưởng Hội nghị lần này sẽ là cơ hội tốt để giáo giới các nước Asean tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, cùng nhau hợp tác, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm vì lợi ích chung của giáo giới, vì sự ổn định, phát triển của giáo dục và tiến bộ xã hội, cùng nhau vượt qua những khó khăn của suy thoái kinh tế toàn cầu, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đội ngũ nhà giáo, phát triển nền giáo dục của mỗi quốc gia và của các nước trong khu vực.

Đoàn chủ tọa Hội nghị. Ảnh: N.N
Đoàn chủ tọa Hội nghị. Ảnh: N.N

Sau khai mạc, đại diện đoàn đại biểu Công đoàn giáo giới các nước sẽ trình bày các báo cáo, tham luận, cung cấp tới các đại biểu các thông tin, những đề xuất, sáng kiến góp phần giải quyết những vấn đề đã và đang đặt ra của giáo dục – đào tạo ở mỗi nước và khu vực. Từ đó, căn cứ vào điều kiện cụ thể của nước mình, Công đoàn giáo giới ở mỗi nước nghiên cứu, lựa chọn và vận dụng những giải pháp thích hợp, góp phần thúc đẩy sự nghiệp giáo dục – đào tạo phát triển.

Cùng với các báo cáo sẽ có các tham luận tập trung vào các vấn đề: chất lượng dạy và học ở PTTH, ĐH; đời sống, chất lượng đội ngũ nhà giáo và CBQL giáo dục… Cũng trong khuôn khổ Hội nghị, chiều ngày 12/12, các đại biểu nước ngoài sẽ tham quan, trao đổi kinh nghiệm với một số trường đại học và THPT ở Hà Nội.

Một số hình ảnh các tiết mục văn nghệ chào mừng tại Hội nghị:

Hiếu Nguyễn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bên trong căn hầm tái hiện hoạt động in ấn tài liệu, truyền đơn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn trong những năm kháng chiến.

Hầm in tài liệu bí mật giữa lòng Sài Gòn

GD&TĐ - Nằm trong con hẻm nhỏ ở đường Ngô Gia Tự, Quận 10, TPHCM, cơ sở in ấn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn năm 1954 là nơi in cả nghìn ấn bản phục vụ cách mạng.