Hội nghị dưới sự đồng chủ trì của PGS.TS Trần Quang Quý - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, GS.TS Phan Văn Kha - Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, PGS.TS Tạ Đức Thịnh – Vụ trưởng Vụ KH&CN Bộ GD&ĐT.
Tham dự Hội nghị có đông đảo các nhà khoa học đến từ các cơ quan quản lý giáo dục.
Tính thực tiễn cao
Báo cáo tổng kết do GS.TS Phan Văn Kha – Chủ nhiệm Chương trình -cho biết: Quản lý giáo dục đóng một vai trò hết sức quan trọng trong sự nghiệp phát triển giáo dục.
Trong những năm qua, mặc dù đã đạt được một số kết quả nhất định, góp phần vào sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo, nhưng quản lí giáo dục vẫn bộc lộ nhiều bất cập.
Để phát huy các mặt mạnh và đặc biệt là khắc phục các yếu kém của quản lý giáo dục Việt Nam, đáp ứng với những yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn giáo dục, Bộ GD&ĐT đã giao Viện Khoa học giáo dục Việt Nam chủ trì Chương trình nghiên cứu khoa học giáo dục cấp Bộ: “Đổi mới quản lý giáo dục trong quá trình hội nhập quốc tế“, nhằm phát triển cơ sở khoa học và đề xuất giải pháp đổi mới quản lí giáo dục Việt Nam, đáp ứng nhu cầu xã hội trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.
Chương trình được triển khai với hệ thống các đề tài KH&CN cấp Bộ, cung cấp những căn cứ lí luận và thực tiễn cơ bản về quản lí giáo dục Việt Nam trong những thập niên đầu của thế kỉ XXI;
Trên cơ sở đó tập trung vào các vấn đề quản lí vĩ mô, bao gồm: Cơ cấu khung và phân cấp quản lý nhà nước về hệ thống GD quốc dân; Phân luồng và liên thông trong hệ thống GD quốc dân; Phát triển đội ngũ lãnh đạo và quản lý nhà nước về GD các cấp trong cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Đồng thời triển khai vấn đề quản lí vi mô, nhằm đề xuất mô hình và các giải pháp đổi mới quản lí các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, đại học, nghề nghiệp.
Kết quả nghiên cứu các đề tài đã được nghiệm thu tại các Hội đồng đánh giá cấp Bộ.
Trong quá trình triển khai Chương trình, nhiều đề xuất và một số ý tưởng của Chương trình đã góp phần cung cấp cơ sở khoa học cho việc xây dựng Chiến lược phát triển giáo dục 2011 - 2020 và Đề án Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục Việt Nam;
Nhiều giải pháp, khuyến nghị của các đề tài đã được chấp nhận và triển khai trong thực tiễn quản lý, chỉ đạo; nhiều mô hình đổi mới quản lí được nghiên cứu đã góp phần tạo cơ sở cho việc biên soạn các giáo trình về quản lí giáo dục, đào tạo SĐH.
Cần có sự chuyển giao, tiếp nối
Các đại biểu tham dự Hội nghị |
Tại Hội nghị tổng kết, các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý đã cùng đánh giá lại quá trình triển khai Chương trình, trao đổi về những kết quả nổi bật của Chương trình, đặc biệt là khả năng và phương thức ứng dụng, chuyển giao để các kết quả nghiên cứu tiếp tục được triển khai trong thực tiễn, đáp ứng những yêu cầu của công cuộc đổi mới quản lý giáo dục Việt Nam.
Đồng thời, trao đổi về việc xây dựng và triển khai những chương trình KH&CN để phục vụ công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT Việt Nam trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Thứ trưởng Trần Quang Quý cho rằng: Việc triển khai Chương trình nghiên cứu KH-CN cấp Bộ về Quản lí giáo dục là hết sức cấp thiết và đúng lúc.
Ban chủ nhiệm Chương trình đã nghiêm túc trong thiết kế hệ thống đề tài, tuyển chọn các đơn vị và đội ngũ chuyên gia thực hiện các đề tài nghiên cứu, giám sát và chỉ đạo các hoạt động nghiên cứu của các đề tài để đảm bảo chất lượng và hiệu quả.
Thông qua kết quả đánh giá nghiệm thu 7 đề tài nhánh của chương trình (5 đề tài được đánh giá xếp loại tốt và 2 đề tài được đánh giá xếp loại khá), qua các báo cáo tại hội nghị có thể thấy rằng chương trình hoàn thành tốt mục tiêu dặt ra.
Các giải pháp đề xuất đổi mới quản lí giáo dục của các đề tài đều có cơ sở khoa học rõ ràng, gắn tới thực tiễn giáo dục Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước, đồng thời đãnhấn mạnh tới yêu cầu hội nhập quốc tế.
Nhiều kết quả nghiên cứu đã có đóng góp trực tiếp, kịp thời cho việc xác định một số tư tưởng, chủ trương đổi mới giáo dụctrong xây dựng chiến lược giáo dục giai đoạn 2011- 2020, trong thiết kế những ý tưởng trong đổi mới căn bản, toàn diện GD Việt Nam, trong xây dựng đề án “Xây dựng chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau 2015”, trong chỉ đạo quản lí của một số vụ chức năng.
Kết quả nghiên cứu của các đề tài về đổi mới quản lí các cơ sở GD Mầm non ngoài công lập, Phổ thông, GD chuyên nghiệp và GD đại học cung cấp những giải pháp, ý tưởng quan trọng giúp cho các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân vận dụng trong đổi mới quản lí trong cơ sở GD của mình. Sản phẩm nghiên cứu đa dạng, phong phú và có chất lượng.
Thứ trưởng nhấn mạnh: Tôi đánh giá cao những tham góp, tham luận của các đại biểu. Một số chủ đề được thảo luận tập trung vào các trọng tâm sau đây:
Những giải pháp về cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân sau 2020 trong một hệ thống giáo dục mở, có tính linh hoạt cao; Hiện trạng phân luồng và liên thông trong hệ thống giáo dục, những nguyên nhân của việc phân luồng và liên thông chưa tốt trong bối cảnh kinh tế - xã hội Việt Nam hiện nay;
Giải pháp đổi mới quản lí ở các cơ sở giáo dục các cấp học, bậc học và trình độ đào tạo. Các vấn đề này cần được tiếp tục thảo luận trong giới khoa học cũng như ngoài xã hội.
Thứ trưởng đề xuất những vấn đề đặt ra với Chương trình:Cần nhanh chóng chuyển giao tiếp kết quả nghiên cứu cho các cơ quan quản lí, các đơn vị, cơ sở đào tạo cũng như các đơn vị nghiên cứu KH giáo dục.
Vụ KHCN & MT cùng Viện KHGD Việt Nam cần tổ chức hội thảo về kết quả nghiên cứu của Chương trình. Đồng thời, đề xuất những vấn đề cần nghiên cứu tiếp cho Vụ KH,CN&MT.
Bộ có thể xem xét và sẽ đưa vào chương trình nghiên cứu Quốc gia về KHGD hoặc vào các đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu trong giai đoạn tiếp theo.