Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hướng tới giai đoạn phát triển mới

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải làm một cách kiên trì, nhân văn, có lý, có tình, bài bản và thuyết phục.

Ngày 23/6, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các thành viên Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, đơn vị bầu cử số 1, tiến hành tiếp xúc cử tri các quận Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng báo cáo kết quả Kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa XV và lắng nghe các ý kiến, kiến nghị của cử tri. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng cùng tham dự.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri ở quận Ba Đình. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri ở quận Ba Đình. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN

Hội nghị được thực hiện bằng hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến từ trụ sở Hội đồng nhân dân - Ủy ban nhân dân quận Ba Đình đến quận Đống Đa, quận Hai Bà Trưng và 55 phường của ba quận với 1.225 cử tri đại diện cho cử tri của các quận Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng tại các điểm cầu.

Hoạt động ngày càng công khai, minh bạch, gần gũi với cử tri và nhân dân

Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội thông báo kết quả nội dung Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.

Sau khi nghe thông báo, đa số cử tri cho rằng, Quốc hội đã linh hoạt điều chỉnh, bổ sung nội dung và chương trình kỳ họp; đảm bảo các hoạt động của Quốc hội ngày càng công khai minh bạch hơn, gần gũi với cử tri và nhân dân, qua đó cũng tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân và cử tri giám sát các hoạt động của Quốc hội. Các ý kiến phát biểu ngắn gọn, súc tích, có chất lượng, thể hiện sự tâm huyết, tinh thần trách nhiệm cao với sự nghiên cứu chuyên sâu, kỹ lưỡng của các vị đại biểu Quốc hội.

Cử tri đánh giá cao việc Quốc hội, các cơ quan tổ chức có liên quan luôn lắng nghe ý kiến của cử tri và nhân dân, chủ động tích cực phối hợp để kịp thời đưa ra những quyết sách quan trọng, giải quyết hiệu quả các vấn đề thực tiễn đặt ra, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, góp phần phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, thể hiện Quốc hội luôn đại diện cho trí tuệ toàn dân, không ngừng đổi mới, cống hiến và hành động vì lợi ích của cử tri, nhân dân và đất nước.

Cử tri đồng tình cho rằng, Trung ương đã nhìn nhận vấn đề quản lý đất đai một cách toàn diện, nhất là thẳng thắn trong công tác đánh giá tồn tại, hạn chế, với nhiều giải pháp về kỷ luật, kỷ cương, phòng, chống tham nhũng tiêu cực trong quản lý đất đai. Song, cử tri còn băn khoăn về quá trình hội nhập quốc tế của các sản phẩm nông nghiệp, rất mong Trung ương tiếp tục chỉ đạo sâu sát, có nhiều giải pháp để nông nghiệp nước ta nhanh chóng hội nhập với thế giới.

Về công tác giáo dục và đào tạo, cử tri hoan nghênh, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV đã lắng nghe ý kiến nguyện vọng của cử tri, sáng suốt quyết định môn học Lịch sử là môn học chính thức bắt buộc. Các cử tri cho rằng, thông qua giáo dục lịch sử, đồng thời giáo dục cả về truyền thống, nhân cách, niềm tự hào, tư tôn dân tộc cho mỗi công dân, nhất là đối với thế hệ trẻ. Bên cạnh việc giáo dục lịch sử, các nhà trường cần quan tâm giáo dục về chính trị, đạo đức, lối sống, văn hóa giao tiếp, ứng xử, giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng vượt qua khó khăn, áp lực trong cuộc sống cho học sinh.

Cử tri lên án mạnh mẽ những hành vi trục lợi trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, mua sắm trang thiết bị, vật tư tiêu hao, có sự tiếp tay, bao che của một số cán bộ, đảng viên, làm giảm sút lòng tin của nhân dân. Bên cạnh việc đổi mới cơ chế quản lý bệnh viện công, cử tri mong muốn các cơ quan chức năng tiếp tục mở rộng điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm minh những cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật.

Cử tri bày tỏ, trong những năm qua, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng đã hoạt động rất hiệu quả, đạt được một số kết quả nhất định song vẫn còn một số hạn chế. Các đối tượng vi phạm hầu hết nằm ở các vị trí rất khó phát hiện sớm để ngăn ngừa.

Để phát huy được hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực như Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, cử tri kiến nghị cần có quyết tâm chính trị mạnh mẽ; quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác, phương tiện, điều kiện làm việc cho Ban Chỉ đạo phù hợp, tương xứng với vị thế, vai trò của Ban Chỉ đạo, thực sự phát huy hết sức mạnh của từng thành viên Ban Chỉ đạo và sức mạnh tổng hợp của tập thể Ban Chỉ đạo tại địa phương đủ mạnh, có thực quyền, trở thành “cánh tay nối dài” của Ban Chỉ đạo Trung ương, phục vụ đắc lực cho hoạt động phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương. Đồng thời, cử tri rất mong muốn Trung ương có các giải pháp hữu hiệu để Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh không bị vô hiệu hóa.

Các cử tri đề nghị Quốc hội tăng cường hơn nữa chất lượng công tác giám sát; kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành có các giải pháp cụ thể điều hành nền kinh tế, nhanh chóng khắc phục các hạn chế yếu kém, kiềm chế lạm phát; bình ổn giá xăng dầu, giá vàng trong nước, phát triển kinh tế, xã hội, giữ được ổn định cuộc sống cho các tầng lớp nhân dân, nhất là người dân lao động trực tiếp và về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Cử tri mong muốn Quốc hội tiếp tục đẩy mạnh công tác giám sát, không chỉ là giám sát tối cao mà nên có các cuộc giám sát theo chuyên đề để có thể đánh giá được thực chất các quyết sách của Quốc hội được thực thi trong thực tiễn như thế nào, trên cơ sở đó có các điều chỉnh kịp thời, sát với nhu cầu của người dân và sự thay đổi nhanh chóng của xã hội. Cụ thể, hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển đồng bào dân tộc thiểu số đang thực hiện trong năm đầu tiên, đây là một chính sách rất kịp thời để giúp làm ngắn lại khoảng cách giữa người dân ở vùng đồng bằng và vùng cao, giữa các dân tộc của Việt Nam. Với chính sách này, Quốc hội nên quan tâm để có các nội dung giám sát việc thực hiện vì trong thực tế để người đồng bào, nhất là phụ nữ dân tộc thiểu số thụ hưởng được các chính sách này là một thách thức đối cán bộ chính quyền các cấp. 

Hướng tới giai đoạn phát triển mới về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Với tư cách là thành viên Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trân trọng tiếp thu các ý kiến sâu sắc, đề cập nhiều vấn đề, ngắn gọn, thiết thực, xác đáng, thể hiện trách nhiệm của cử tri, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội.

Về kết quả kỳ họp thứ 3,Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, sau 19 ngày làm việc sôi nổi, khẩn trương, khoa học, dân chủ và trách nhiệm cao, Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra và thành công tốt đẹp. Tại kỳ họp này, Quốc hội đã xem xét một khối lượng công việc lớn, quyết định nhiều nội dung quan trọng không chỉ cho năm 2022 mà cho cả giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo: Thông qua 5 luật, 17 nghị quyết; cho ý kiến về 6 dự án luật khác và quyết định nhiều nội dung quan trọng khác. Sau kỳ họp, Quốc hội đã để lại dư âm, dư luận tốt.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri ở quận Ba Đình. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri ở quận Ba Đình. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN

Liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mà cử tri nêu ra, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải làm một cách kiên trì, nhân văn, có lý, có tình, bài bản và thuyết phục. Quy trình xử lý cán bộ vi phạm được thực hiện chặt chẽ từ xử lý về mặt Đảng, đến xử lý hành chính và xử lý hình sự theo quy định của pháp luật.

Các bước thực hiện đều được cân nhắc một cách dân chủ, công bằng, công khai theo nguyên tắc của Đảng và các quy định pháp luật, để người vi phạm cũng nhận ra sai sót, khuyết điểm. Xử lý nghiêm cán bộ sai phạm là bài học răn đe, cảnh tỉnh, cảnh báo để những người khác không vi phạm. “Chứ không phải thích thú gì khi kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình, thậm chí rất đau xót, nhưng buộc phải làm. Như Bác Hồ từng dạy cắt một vài cành sâu, mọt để cứu cả cây”, Tổng Bí thư nói.

Trao đổi với cử tri về ý kiến cho rằng “kỷ luật nhiều cán bộ như vậy thì lấy ai để làm việc”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, quan trọng là phải chọn đúng cán bộ, phải làm thật chính xác, không được vội vàng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, hiện nhiều địa phương đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Sắp tới, Trung ương sẽ tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, chính là bồi dưỡng cho Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh, làm theo cách thống nhất từ Trung ương đến địa phương, bảo đảm ở đâu cũng “đúng vai, thuộc bài", hướng tới giai đoạn phát triển mới về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tiến bộ hơn để cán bộ “không thể tham nhũng” “không dám tham nhũng”, “không cần tham nhũng” và “không muốn tham nhũng”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mong muốn cử tri và nhân dân Thủ đô tiếp tục phát huy truyền thống văn hiến nghìn năm của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội, Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người.

Theo TTXVN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.