Theo báo cáo của Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh, từ năm 2011-2014, toàn ngành đã triển khai hơn 34.500 cuộc thanh tra hành chính và gần 477.000 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; phát hiện nhiều vi phạm về kinh tế, trong đó đã kiến nghị thu hồi gần 111.800 tỷ đồng, trên 18.700 ha đất, xử phạt hành chính gần 27.500 tỷ đồng, đã kiến nghị xử lý kỷ luật nhiều tập thể, cá nhân, chuyển cơ quan điều tra 269 vụ.
Kiến nghị thu hồi gần 111.800 tỷ đồng
Công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo có tiến bộ rõ rệt. Ngành đã giúp các cơ quan hành chính tiếp trên 1.568.000 lượt công dân, tiếp nhận gần 455.900 đơn khiếu nại, tố cáo, giải quyết gần 191.500 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền.
Qua giải quyết đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước, trả lại cho công dân 1.985 tỷ đồng, gần 900 ha đất, kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính gần 2.400 người, chuyển cơ quan điều tra 41 vụ.
Công tác PCTN từng bước tạo được niềm tin trong nhân dân, công tác xây dựng thể chế được chú trọng hơn, công tác xây dựng Đảng, xây dựng nội bộ được tập trung thực hiện bài bản, chặt chẽ, đúng nguyên tắc, kỷ luật, kỷ cương được nâng lên.
Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần được tập trung khắc phục trong thời gian tới như: Việc thực hiện Luật Thanh tra có lúc chưa toàn diện, thời gian kết luận thanh tra một số cuộc còn kéo dài, chất lượng một số cuộc thanh tra chưa đáp ứng yêu cầu, số vụ việc chuyển cơ quan điều tra còn ít so với số vụ vi phạm, tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản chưa cao, hiệu quả thanh tra trách nhiệm còn thấp.
Củng cố niềm tin của nhân dân
Kết luận buổi làm việc, đề cập công tác PCTN, theo Tổng Bí thư, đây là lĩnh vực quan trọng nhưng vô cùng khó khăn phức tạp, là cuộc chiến đấu lâu dài, kiên trì, đang là nỗi bức xúc trong dân.
Thời gian qua chúng ta đã cố gắng rất nhiều, nhưng kết quả chưa đạt như mong muốn, cho nên phải có giải pháp đồng bộ và quyết liệt hơn nữa để tạo chuyển biến rõ rệt, tiếp tục củng cố, tăng thêm niềm tin của nhân dân.
Tổng Bí thư chỉ đạo, ngành thanh tra cần đẩy mạnh hơn việc phát hiện tham nhũng, chủ động thanh tra, khi đã phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì phải chuyển ngay cho cơ quan điều tra, nếu vướng luật, vướng cơ chế thì phải sửa; có biện pháp thu hồi được nhiều hơn tài sản do tham nhũng mà có.
Ngành thanh tra cần mở nhiều kênh tiếp nhận thông tin về tham nhũng, coi trọng đơn thư, phát hiện của báo chí... đây là kênh rất quan trọng để phát hiện, xử lý kịp thời và kiên quyết các hiện tượng tiêu cực, tham nhũng.
Trong công tác giải quyết khiếu nại tố cáo, cần thực hiện đồng bộ các quy định của pháp luật, đặc biệt chú trọng giải quyết các vụ việc phức tạp, đông người, kéo dài.
Năm 2015 là năm tiến hành Đại hội Đảng bộ các cấp, ngành cần xem xét, giải quyết các đơn, thư tố cáo một cách hợp lý, đúng quy định, phân biệt rõ thật – giả.
Tổng Bí thư nhấn mạnh, phải chú trọng giải quyết dứt điểm những vụ việc tồn đọng, những khuyết điểm đã chỉ ra sau kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 và tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 một cách thường xuyên, kiên trì, bao gồm cả 3 nhóm vấn đề, 4 nhóm giải pháp.
Ngành thanh tra cần chú trọng củng cố tổ chức bộ máy, kiện toàn đội ngũ cán bộ, chấn chỉnh khắc phục những nền nếp tác phong công tác, tăng cường đoàn kết thống nhất nội bộ, kiên quyết làm trong sạch lành mạnh đội ngũ, nâng cao phẩm chất đạo đức, dũng khí, trình độ năng lực của những người làm công tác thanh tra, phải thực sự thanh sạch, ngay ngắn, có bản lĩnh, dám đương đầu, dám hy sinh vì lợi ích của đất nước, của dân tộc.
Tổng Bí thư mong muốn ngành thanh tra tiếp tục phát huy những thành tích, kinh nghiệm đã có, khắc phục mọi khó khăn, tồn tại hạn chế, tiếp tục thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, nhân dân giao phó.