Tôn trọng sự khác biệt

GD&TĐ - Mỗi học sinh có cá tính riêng, không ai giống ai. Vì thế không thể yêu cầu các em thực hiện theo một “công thức” chung. Do đó, vấn đề tôn trọng

Cô – trò Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội). Ảnh: NTCC
Cô – trò Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội). Ảnh: NTCC

Mỗi học sinh có cá tính riêng, không ai giống ai. Vì thế không thể yêu cầu các em thực hiện theo một “công thức” chung. Do đó, vấn đề tôn trọng sự khác biệt của học sinh cần được nhìn nhận một cách thấu đáo.

Tôn trọng và lắng nghe học trò

Trong chuyên đề giáo dục kỹ năng sống “Điều em muốn nói” của Trường THCS Lê Quý Đôn (Long Biên, Hà Nội), nhiều học sinh của trường đã viết những dòng tin nhắn gửi đến thầy, cô giáo, phụ huynh. Trong “tâm thư”, các em đề nghị được tôn trọng sự khác biệt và mong chuyên gia phân tích, có lời khuyên để thầy, cô và bố mẹ chấp nhận điều đó.

Cô Nguyễn Thị Minh Thúy - Hiệu trưởng Trường THCS Lê Quý Đôn (Long Biên, Hà Nội) cho rằng, học sinh THCS bắt đầu có những thay đổi về tâm sinh lý. Các em thích thể hiện bản thân và ý thức sâu hơn về quyền riêng tư. Nhiều em có sự khác biệt về tính cách, ăn mặc... Vì thế, ngoài tôn trọng sự khác biệt của học trò, giáo viên, phụ huynh cần chia sẻ nhiều hơn để các em hiểu đúng về sự khác biệt, không bị lệch chuẩn.

Hơn 20 năm công tác tại Trường THCS & THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, từ những ngày bắt đầu làm công tác chủ nhiệm đến nay, cô Nguyễn Bích Hạnh không ít lần rơi vào tình huống dở khóc, dở cười. Mỗi lần đón nhận học sinh, cô lại có thêm nhiều câu chuyện và kỷ niệm đáng nhớ. Cô kể, có một học sinh tinh nghịch, ham chơi và có hoàn cảnh éo le. Tình cảnh này đã tác động mạnh đến tâm lý, khiến em càng thêm “nổi loạn”, gây không ít phiền toái cho cô giáo và các bạn trong lớp.

Cô Hạnh đã tìm hiểu các mối quan hệ, coi trò như con của mình để lắng nghe và đưa ra giải pháp. Có lúc, cô chia sẻ, khích lệ trò như một người đàn ông. Trong câu chuyện, cô luôn tôn trọng, kể cả những điều khác biệt của học sinh. Từ đó, khoảng cách giữa cô – trò đã xích lại gần hơn. Em không còn “nổi loạn”, dù vẫn còn những điểm khác biệt không lẫn với ai.

“Đón nhận mỗi khóa học sinh là một lần tôi tiếp tục phát hiện những điều tươi mới” – cô Hạnh bộ bạch và tâm niệm: Trước khi trở thành người truyền lửa, cô tình nguyện là người nhóm lửa và giữ lửa. Năm học mới, cũng là một mùa cô lại gieo hạt, gieo mầm khát vọng và chắp cánh ước mơ cho học sinh – những đứa con của mình.

Theo TS Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), mỗi học sinh có phong cách, cá tính và sự khác biệt riêng nên người lớn không thể “gò” các em theo một “công thức” chung. Tôn trọng và lắng nghe học sinh cũng chính là tôn trọng sự khác biệt. “Năm học mới có nhiều niềm vui mới, nhưng cũng có những thử thách mới đòi hỏi thầy - trò phải vượt qua. Song hơn bao giờ hết, cần coi học sinh là nhân vật trung tâm của đổi mới và sự thay đổi.

Học sinh Trường THCS Lê Quý Đôn (Long Biên, Hà Nội) tham gia chuyên đề giáo dục kỹ năng sống “Điều em muốn nói”. Ảnh: NTCC

Học sinh Trường THCS Lê Quý Đôn (Long Biên, Hà Nội) tham gia chuyên đề giáo dục kỹ năng sống “Điều em muốn nói”. Ảnh: NTCC

Đừng vì thành tích mà làm tổn thương trẻ

Nhắc lại những chuyện không hay về bạo lực học đường, TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, có một phần nguyên nhân từ lối giáo dục quyền uy, áp đặt của người thầy. Có không ít thầy, cô giáo luôn cho mình đúng. Có người còn khó chịu với những thắc mắc, tranh luận của học sinh nên dễ mắc sai lầm về phương pháp giáo dục. “Cần thay đổi cách giáo dục đó. Thầy, cô giáo chỉ là người chịu trách nhiệm dẫn dắt học trò chứ không phải là chân lý. Vì thế, cần tôn trọng, biết lắng nghe để thấu hiểu học trò hơn, tránh lối giáo dục áp đặt” – TS Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh.

TS Nguyễn Văn Hòa – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hệ thống giáo dục Nguyễn Bỉnh Khiêm cho hay: Từ năm 2014, nhà trường đã thực hiện chương trình thầy cô chúng ta thay đổi. Các thầy cô đã thay đổi về cách nhìn học trò và nhìn nhận lại vai trò của mình. Theo đó, thầy, cô không chỉ là người dạy kiến thức, mà phải là nhà tâm lý, giáo dục và trở thành người mẹ thứ hai để giúp từng học trò thay đổi. “Nói cách khác, thầy cô giáo phải là người truyền cảm hứng cho học sinh” – TS Nguyễn Văn Hòa chốt lại.

Theo TS Nguyễn Văn Hòa, khi thay đổi thì người hạnh phúc đầu tiên chính là thầy cô. Thầy cô hạnh phúc thì học sinh, phụ huynh cũng hạnh phúc; đồng thời tạo ra không khí hạnh phúc cho các gia đình, nhà trường. “Tôi hy vọng, nếu điều này lan tỏa thì xã hội cũng sẽ hạnh phúc, giáo dục thay đổi” - thầy Hòa bày tỏ và viện dẫn: Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm đem hạnh phúc cho học sinh bằng cách giảm áp lực, tạo hứng thú trong học tập; luôn tôn trọng, lắng nghe và chia sẻ với các em.

Thể dục, Giáo dục công dân, Nghệ thuật... vốn bị coi là môn phụ ở không ít trường học, nhưng ở Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm luôn có vị trí xứng đáng. Giáo dục công dân không phải là giờ triết lý khô khan mà là câu chuyện trong cuộc sống được chính học sinh tái hiện để trải nghiệm. Thể dục không còn nhàm chán khi trở thành các giờ thể thao tự chọn nhằm phát huy hết năng lực thể chất của mỗi em qua nội dung bơi lội, bóng đá, bóng rổ, cầu lông...

Tại lễ khai giảng năm học mới của Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (Nam Từ Liêm, Hà Nội), Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh đến phương châm: “Nhà trường là nền tảng, học sinh là trung tâm, thầy cô là động lực”, “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”. Thủ tướng mong muốn, các trường đừng vì bệnh thành tích, áp đặt mà làm tổn thương con trẻ. “Chúng ta dạy học sinh hình thành nhân cách về tình yêu thương, trung thực, lòng nhân ái, sự nỗ lực, sống có lý tưởng, học cách vươn lên từ khó khăn, gian khổ, tự lực, tự cường… trên nguyên tắc tôn trọng sự khác biệt của mỗi em, khuyến khích sự sáng tạo, tìm hiểu, tiếp thu tri thức dân tộc và nhân loại, tư duy phản biện, khát vọng cống hiến…” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng cũng mong các bậc phụ huynh phối hợp chặt chẽ, chia sẻ với nhà trường, thầy cô để dạy dỗ và chăm sóc trẻ. Sự kết nối bằng tình yêu thương, khuyến khích là phương pháp dạy học quan trọng. “Mỗi trẻ sinh ra đã là một sự khác biệt, hàng tỷ người trên Trái đất không ai giống ai. Vẫn còn hiện tượng, nhiều phụ huynh gò ép, áp đặt việc học hành, so bì với các bạn… đôi khi sẽ làm tổn thương và ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất và tinh thần của các cháu” – Thủ tướng nhìn nhận.

Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, muốn tôn trọng, hiểu được học trò, thầy cô phải có năng lực, nghiệp vụ sư phạm tốt. Muốn vậy, không có cách nào khác là chịu khó tự bồi dưỡng, học tập để rèn luyện, rút kinh nghiệm hằng ngày. Cùng với đó, không ngừng cải tiến phương pháp dạy... Người thầy tốt là người thầy biết truyền cảm hứng tích cực cho học trò, tạo động lực tốt để các em tiến bộ. Thầy, cô giáo phải đo được hiệu quả giáo dục của mình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.