Tôn trọng quyền tự chủ

GD&TĐ - Chủ đề về tuyển sinh ĐH, CĐ tuy không mới nhưng là vấn đề thời sự luôn được dư luận quan tâm. Ở đó, câu chuyện về “đầu vào, đầu ra” được nhắc đến nhiều hơn cả.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Vẫn câu chuyện “biết rồi, khổ lắm nói mãi”, thế nhưng, mỗi mùa tuyển sinh lại “lùm xùm” các ý kiến bàn luận về vấn đề “mở đầu vào, siết đầu ra”. Không bàn đến chuyện đúng – sai, nhưng nếu nhìn theo hướng hội nhập thì việc mở rộng đầu vào và tập trung “lọc” trong quá trình đào tạo, kiểm định chất lượng và “siết chặt” chuẩn đầu ra đang là xu thế của nhiều trường ĐH uy tín trên thế giới.

Ngay như Trung Quốc, các trường ĐH đang quản lý chặt chẽ tiêu chuẩn đầu ra. Nghĩa là, để tốt nghiệp và được nhận bằng, sinh viên phải đáp ứng nghiêm ngặt các yêu cầu về tín chỉ trong quá trình đào tạo. Hay như ở Đức, để đỗ vào ĐH không phải là chuyện khó, nếu không muốn nói là đơn giản. Tuy nhiên, để tốt nghiệp và nhận tấm bằng ĐH thì sinh viên phải thực sự nỗ lực trong học tập và phải đáp ứng yêu cầu về chuẩn đầu ra.

Trở lại câu chuyện ban đầu, ai cũng biết, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH đã có hiệu lực. Điểm nhấn của luật này là cơ chế tự chủ ĐH; trong đó có tự chủ về tuyển sinh. Điều này được hướng dẫn chi tiết tại Nghị định số 99/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ. Khi đã trao quyền tự chủ cho các trường ĐH, đồng nghĩa với việc các trường có quyền xác định phương thức tuyển sinh cho mình. Cơ hội song hành cùng thách thức, vì thế khi đã bước vào cuộc đua, đồng nghĩa với việc các trường sẽ tự quyết định vận mệnh của mình. 

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Suy cho cùng, việc “mở đầu vào, siết chặt đầu ra” hay “siết đầu vào, rào đầu ra” đều thuộc quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục ĐH. Tuy nhiên, các trường sẽ có trách nhiệm giải trình với người học, với xã hội, trên hết là uy tín, là thương hiệu và là sự tồn tại để phát triển hay tự đào thải chính mình trong hệ thống.

Tạo cơ hội cho thí sinh được tiếp cận với giáo dục ĐH, rộng hơn là để người học được học ĐH là xu hướng tuyển sinh chung. Quan điểm của Bộ GD&ĐT là tôn trọng quyền tự chủ của các trường. Vì thế, dù là hình thức tuyển sinh nào đi chăng nữa thì nhà trường vẫn phải trách nhiệm trước xã hội và xã hội cũng như thị trường lao động luôn giám sát, đánh giá công bằng sản phẩm đầu ra của các cơ sở đào tạo.

Hơn nữa, tự chủ không có nghĩa là muốn làm gì thì làm. Nếu bản thân các trường cố tình tuyển không đúng, hoặc tuyển chất lượng quá thấp so với yêu cầu của ngành nghề đào tạo, thì sản phẩm đầu ra sẽ không đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Và đương nhiên, uy tín thương hiệu của nhà trường sẽ bị ảnh hưởng. Khi đó, liệu các trường còn cơ hội để bàn chuyện “đầu ra, đầu vào” hay không? “Bóc ngắn, cắn dài”, “vơ vét” cho đủ chỉ tiêu có thể “cứu” các cơ sở giáo dục ĐH trong trước mắt, nhưng về lâu dài, hậu quả ra sao, không riêng các trường mà cả xã hội đều nhận thấy. Bởi việc tuyển sinh chắc chắn sẽ gặp khó khăn, thậm chí là dừng hẳn.

Về mặt pháp lý, nếu cơ sở giáo dục đại học nào vi phạm quy định về đối tượng, điều kiện, chỉ tiêu tuyển sinh sẽ bị xử lý theo hướng trừ chỉ tiêu năm sau, xử phạt hành chính, không được tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh trong 5 năm tiếp theo. Ngoài ra, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết, Bộ sẽ tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác tuyển sinh của các trường và các bên liên quan tham gia công tác tuyển sinh theo các quy định hiện hành, nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bên trong căn hầm tái hiện hoạt động in ấn tài liệu, truyền đơn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn trong những năm kháng chiến.

Hầm in tài liệu bí mật giữa lòng Sài Gòn

GD&TĐ - Nằm trong con hẻm nhỏ ở đường Ngô Gia Tự, Quận 10, TPHCM, cơ sở in ấn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn năm 1954 là nơi in cả nghìn ấn bản phục vụ cách mạng.