Tổn thương sức khỏe, tinh thần vì bạo lực gia đình

GD&TĐ - Bạo lực gia đình là vấn đề nóng và nan giải ở nhiều quốc gia. Những năm qua, cơ quan bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ đã không ngừng tổ chức các hoạt động, chiến dịch để phòng chống bạo lực gia đình, đem lại quyền bình đẳng cho chị em.   

Tổn thương sức khỏe, tinh thần vì bạo lực gia đình

Ở Việt Nam, bình đẳng giới, nói không với bạo lực được nhắc đến nhiều nhưng hiệu quả chưa được như mong muốn, một phần do nhiều chị em không biết mình bị bạo lực, người khác lại chấp nhận làm bịch bông để chồng trút giận miễn là giữ được gia đình.

70% phụ nữ, trẻ em gái bị bạo lực

Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái diễn ra dưới nhiều hình thức như bạo lực thể chất, tình dục, tinh thần và kinh tế. Trong đó nhóm bị bạo lực tình dục và tinh thần thường không dám lên tiếng, khó được cơ quan nhà nước tiếp cận, giúp đỡ. Không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần phụ nữ, trẻ em gái, bạo lực gia đình còn dẫn tới thiệt hại lớn về kinh tế cho gia đình và xã hội. 

Theo kết quả nghiên cứu của Liên Hợp Quốc, những chi phí và thiệt hại về kinh tế do bạo lực gây ra chiếm gần 1,5% GDP năm 2012 của Việt Nam. Song chi phí xã hội còn cao hơn do bạo lực đối với phụ nữ ảnh hưởng lớn đến sự gắn kết xã hội và khả năng phục hồi của cộng đồng. Bạo lực gia đình kìm hãm tăng trưởng kinh tế và gia tăng đói nghèo của quốc gia.

Bạo lực gia đình có nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến sự cam chịu, tình nguyện chịu đựng của người phụ nữ trong gia đình. Chị N.T. L (Phúc Thọ, Hà Nội) lấy chồng được 7 năm và đây cũng là khoảng thời gian chị sống trong bạo lực. Chị cho biết: Ngay đêm tân hôn đã bị chồng bạo hành, lúc đầu cứ nghĩ do anh say rượu nên như vậy nhưng những ngày sau đó tình trạng bạo lực vẫn diễn ra khiến mình nhìn thấy chồng là sợ.

 Thấy vợ không mặn mà, chồng lại càng có cớ để hành hạ vợ. Sau 7 năm, bạo lực không chỉ diễn ra trong phòng ngủ mà chị có thể bị chồng đánh bất cứ lúc nào. “Chịu đựng mãi thành quen, chỉ hy vọng chồng vẫn yêu thương, chăm lo cho các con’, chị N.T.L tâm sự. Cũng có quan niệm cố chịu đựng để giữ cho gia đình được yên ấm, chị H.T.G (Văn Giang, Hưng Yên) không có sự phán kháng nào mỗi khi bị chồng bạo hành. “Lúc bình thường anh ấy hiền lành, chăm chỉ, yêu thương các con nhưng khi có ít men vào người mới vậy. Thôi thì để con có bố, tôi cô gắng chịu đựng”, chị H.T.G chia sẻ.

Bạo lực gia đình không chỉ xảy ra ở các vùng quê mà không ít phụ nữ ở thành thị cũng chịu chung hoàn cảnh trên. Chị D.H.M (Thanh Xuân, Hà Nội) là trí thức, giữ chức vụ cao ở cơ quan nhưng về lại chịu trận để chồng đánh. Sự việc vẫn tiếp tục diễn ra nếu không có ngày chị bị đánh tới mức phải nhập viện cấp cứu. Kết quả kiểm tra cho thấy chị bị tổn thương nhiều bộ phận trên cơ thể, lúc này chị mới thú nhận với bác sĩ mình bị chồng đánh. Tại nhà lánh dành cho phụ nữ bị ngược đãi, có rất nhiều trí thức rơi vào hoàn cảnh như chị D.H.M. Chỉ vì sĩ diện, vì muốn giữ gia đình, muốn con có bố, nhiều chịu đã âm thầm chịu đựng, chấp nhận bị chồng coi thường, đánh đập…

Làm sao để xóa bỏ bạo lực

Lâu nay, mọi người vẫn cho rằng nam giới là đối tượng gây ra bạo lực nên mọi biện pháp tuyên truyền đều tập trung vào đối tượng này mà không biết rằng sự chịu đựng của phụ nữ cũng là nguyên nhân khiến bạo lực gia đình tồn tại dai dẳng đến hôm nay.

Phụ nữ chấp nhận sống chung với bạo lực đồng nghĩa với việc không nói ra nới bất kỳ ai những tổn thương về tinh thần, sức khỏe mà hàng ngày họ phải chịu đựng. Thậm chí có người bị bạo hành tới mức hàng xóm thấy xót, đi báo chính quyền nhưng khi đoàn thể tới nơi chính người bị bạo hành lại can ngăn hoặc không thừa nhận. Cũng có người biết chồng bạo hành mình là sai, là vi phạm pháp luật nhưng khi được hỏi lại cho rằng mình xứng đáng bị như vậy… 

Cái vòng luẩn quẩn đó khiến cho nhiều chị em bị bạo hành không thể tự "cởi trói" cho bản thân và vô tình trở thành thủ phạm gián tiếp làm gia tăng nạn bạo lực gia đình. Bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam cho rằng, chúng ta cần đưa nam giới, phụ nữ, trẻ em trai và trẻ em gái tham gia vào các hoạt động xã hội theo những cách khác nhau để mỗi người có điều kiện tiếp cận với kiến thức về giới và giới tính, những việc được và không được làm với các thành viên trong gia đình cũng như ngoài xã hội.

Thống kê tình trạng bạo hành gia đình vài năm qua cho thấy 71,44% nạn nhân là phụ nữ và trẻ em gái. Cứ hai phụ nữ kết hôn thì có một người phải chịu ít nhất một hình thức bạo lực trong đời.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ