Theo tuyên bố của Văn phòng năng lực tấn công nhanh và công nghệ quan trọng Lục quân Mỹ (RCCTO), tính ưu việt của bệ phóng tên lửa Typhon thế hệ mới trên mặt đất đã được chứng minh khi phóng thành công tên lửa Tomahawk và SM-6 trong cuộc thử nghiệm hôm 28/6.
"Cuộc thử nghiệm Tomahawk diễn ra sau vụ phóng thành công tên lửa SM-6 từ hệ thống Typhon đã xác nhận khả năng hoạt động đầy đủ của hệ thống với khả năng phóng tên lửa tầm trung cùng với tên lửa đánh chặn tầm xa", tuyên bố của RCCTO cho biết.
Về cấu tạo, mỗi bệ phóng Typhon được thiết kế với bốn ống phóng, được gắn trên giá đỡ xe kéo và có thể được vận chuyển ở chế độ xếp theo chiều ngang. Điều này giống với cấu hình tổng thể của bệ phóng từng được thử nghiệm trên tàu mặt nước không người lái của Hải quân Mỹ.
Hồi năm 2019, một hệ thống phóng xe kéo tương tự cũng đã thử nghiệm với tên lửa Tomahawk. Còn bệ phóng tên lửa Typhon vào năm 2020, Quân đội Mỹ đã thông báo đã chọn các phiên bản phóng từ đất liền của tên lửa hành trình Tomahawk và SM-6 của Hải quân làm vũ khí ban đầu.
Ngay trước khi xác nhận phóng thành công Tomahawk và SM-6 từ bệ phóng Typhon, quân đội Mỹ cho biết, Thủy quân lục chiến nước này đã chính thức kích hoạt đơn vị đầu tiên được trang bị tên lửa hành trình Tomahawk phóng từ mặt đất.
Khẩu đội Tên lửa tầm xa (LMSL) đầu tiên được tiết lộ là Khẩu đội A, Trung đoàn 11 Thủy quân lục chiến và hiện đang đóng tại Trại Pendleton ở California.
Tờ War Zone cho biết, với sự xuất hiện của Tomahawk, Mỹ sẽ có trong tay dòng tên lửa có tính năng tương tự 9M729 trên tổ hợp Iskander-M của Nga. Để chính thức được tái trang bị, Mỹ đã phải nâng cấp và thử nghiệm nhiều lần với phiên bản đặc biệt này của Tomahawk kể từ khi Hiệp ước INF đổ vỡ.
Đạn tên lửa Tomahawk phiên bản trên cạn có chiều dài 6,4m, đường kính thân 0,52m và trọng lượng khi phóng 1.470 kg. Tên lửa được trang bị đầu đạn thông thường và có thể lắp đầu đạn hạt nhân đơn khối W-84 vốn dựa trên bom hạt nhân chiến thuật B61-12.
Tên lửa sử dụng động cơ đẩy bằng nhiên liệu rắn MK 106, có tốc độ cận âm 880 km/h và phạm vi tác chiến 2.500 km. Mỗi hệ thống phóng tự hành trang bị 4 ống phóng mang theo 4 quả tên lửa tên lửa Tomahawk hoặc SM-6 tùy theo yêu cầu của nhiệm vụ.
Giới quân sự Mỹ tin rằng, khi dòng tên lửa này chính thức được trang bị, Iskander-M - vũ khí chiến thuật vốn được coi là công cụ răn đe đối phương của Nga không còn nhiều ý nghĩa bởi tầm bắn của tên lửa Mỹ lên tới 2.500 km.
Tuy nhiên, điều bất ngờ trong hệ thống Iskander chính là 9M729 - dòng tên lửa hành trình phóng từ mặt đất được Nga phát triển và thử nghiệm trong nhiều năm qua. Đây là phiên bản trên cạn của Kalibr-NK.
Đạn tên lửa 9M729 được thiết kế để có thể dễ dàng vượt qua hệ thống phòng thủ đối phương bằng hành trình bay phức tạp với nhiều lần chuyển hướng ở độ cao rất thấp. Tên lửa 9M729 có thể tấn công mục tiêu ở khoảng cách lên đến trên 5.400km.
Tình báo phương Tây cho rằng, 9M729 còn được Nga phát triển với khả năng mang được đầu đạn hạt nhân. Và đây chính là một trong những nguyên nhân khiến Mỹ và đồng minh đứng ngồi không yên vì tên lửa này.