Tôm hùm đất: Tái diễn kịch bản “đại dịch ốc bươu vàng”?

GD&TĐ - Tôm hùm đất, hay còn gọi là tôm hùm nước ngọt, có tên khoa học là Procambarus clarki. Thời gian gần đây, loại tôm này xuất hiện nhiều trên thị trường, thu hút không ít người tiêu dùng. 

Việc mua bán tôm hùm đất diễn ra khá sôi động trên mạng xã hội (ảnh chụp thông tin quảng cáo về tôm hùm đất trên mạng)
Việc mua bán tôm hùm đất diễn ra khá sôi động trên mạng xã hội (ảnh chụp thông tin quảng cáo về tôm hùm đất trên mạng)

Tuy nhiên, theo cảnh báo, loại tôm này là sinh vật xâm lấn điển hình có thể phá hoại lúa, tiêu diệt tôm bản địa và có nguy cơ gây hại lớn cho môi trường như ốc bươu vàng trước đây.

Cấm vẫn có hàng

Chỉ cần gõ cụm từ “tôm hùm đất” trên Google trong khoảng 50 giây đã cho 3,4 triệu kết quả. Trên các trang mạng xã hội việc rao bán mặt hàng này khá sôi động.

Theo đó 1kg tôm hùm đất có giá dao động từ 250.000 đến 350.000 đồng. Với những loại tôm hùm đông lạnh nhập khẩu từ Mỹ sẽ có giá khoảng 400.000 - 500.000 đồng/kg.

Theo những người bán hải sản tươi sống, do nguồn nhập loại tôm này từ Trung Quốc nên có giá thành rẻ hơn, việc chế biến cũng dễ nên được nhiều bà nội trợ ưa chuộng.

Loại tôm này có càng giống như càng cua, thịt chắc, dai nên nhiều nhà hàng đã chọn mua để chế biến các món ăn và thu hút khá đông thực khách. Đó cũng là nguyên nhân khiến thị trường tôm hùm đất sôi động.

Mặc dù Bộ NN&PTNT vừa có công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan chức năng tăng cường tổ chức kiểm tra và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật về việc kiểm soát chặt chẽ loại sinh vật ngoại lai này, song trên các trang mạng mặt hàng này vẫn được rao bán ngang nhiên.

Chiều 20/5, khi gọi tới một shop online, nhân viên cửa hàng cho biết: “Nếu mua 10 kg sẽ có giá 300.000 đồng”. Chủ hàng cũng giãi bày, mấy ngày gần đây mặt hàng này có vẻ khan hiếm hơn nên muốn mua với số lượng nhiều khách hàng phải đặt trước một ngày. Nhân viên còn cam đoan đây là hàng tươi sống và không phải hàng Trung Quốc.

Tăng cường kiểm soát

Trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Nguyễn Quang Huy - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I cho biết: Tôm hùm đất là loại xâm lấn điển hình có tính ăn tạp rất mạnh. Thậm chí chúng ăn cả động vật và thực vật sống. Chúng có đặc tính đào hang và có thể đào sâu tới 2m, vì vậy sẽ gây hại đến các công trình thủy lợi, nông nghiệp và đê điều.

Nếu loài sinh vật này thoát ra khỏi môi trường, chúng sẽ nhanh chóng thiết lập được một quần thể, cạnh tranh nơi sống, cạnh tranh thức ăn với các loại tôm càng bản địa khác. Không những vậy, chúng có thể lan truyền dịch bệnh đến nhiều loài giáp xác. Cho nên, nếu không quản lý loại sinh vật này, chúng sẽ trở thành một “vấn nạn” trong môi trường sinh thái, đồng thời ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sản xuất nông nghiệp và thủy sản.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT vừa kí công văn hoả tốc về việc tăng cường kiểm soát loài tôm hùm đất tại Việt Nam. Loài tôm càng đỏ này không có tên trong Danh mục loài thuỷ sản được phép kinh doanh tại Việt Nam và được xác định là sinh vật ngoại lai xâm hại. Theo đó, việc kinh doanh, tiêu thụ loài tôm này là vi phạm quy định của pháp luật về đa dạng sinh học và thuỷ sản. Nhằm bảo vệ môi trường và tránh tác động xấu đến sản xuất nông nghiệp, Bộ NN&PTNT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Tổng cục Hải quan, Tổng cục Quản lý thị trường tăng cường tổ chức kiểm tra và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với trường hợp vi phạm. 

Theo ông Nguyễn Quang Huy, khi nhận ra tác hại của loài sinh vật này Bộ NN&PTNT đã ra công văn về vấn đề tăng cường kiểm soát tôm hùm đất tại Việt Nam đối với việc nuôi trồng, mua bán và sử dụng. Trong đó, có việc xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán tôm hùm đất theo đúng pháp luật, ở mọi tỉnh thành.

Trong trường hợp chúng thoát ra khỏi môi trường thì phải khoanh vùng cô lập và tiêu diệt. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng cần tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức của người dân đối với tác hại của loài tôm hùm đất. Từ đó sẽ không nhập, không tiêu dùng loại sinh vật này.

Chia sẻ thêm về giá trị kinh tế, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I cũng cho rằng, hàm lượng thịt của loại tôm này ít, trọng lượng vỏ nhiều, nên hiệu quả kinh tế thấp.

Trước đó, viện cũng đã thử nghiệm, nuôi và sản xuất giống để đánh giá tác động của loại tôm này với môi trường cũng như về hiệu quả kinh tế.

“Những năm trước đây, Bộ TN&MT và Bộ NN&PTNT cũng đã có khuyến cáo về điều này. Cụ thể là tôm hùm nước ngọt hay còn gọi là tôm đất đã bị xếp vào danh sách những loại sinh vật có nguy cơ xâm hại và khuyến cáo không được phát triển nuôi. Sinh vật này cũng không nằm trong danh mục được phép sản xuất và kinh doanh của Tổng cục Thủy sản”, ông Nguyễn Quang Huy nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Khơi nước gần dập lửa xa

GD&TĐ - Iran đã bước vào giai đoạn xung khắc mang bản chất mới với Mỹ và Israel nên càng cần yên bình ở phía biên giới chung với Pakistan.
Minh họa/INT

Khai mở động lực tăng trưởng mới

GD&TĐ - Về tổng thể, kết thúc quý I/2024, kinh tế Việt Nam được đánh giá là có nhiều điểm sáng nhưng thực tế, các doanh nghiệp vẫn đang gặp khá nhiều khó khăn.