Tăng tuổi nghỉ hưu để ứng phó với già hóa dân số và quỹ hưu trí?

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu nhằm tận dụng cơ hội dân số vàng và đối mặt với già hóa dân số, cũng như nguy cơ vỡ quỹ hưu trí.

Tăng tuổi nghỉ hưu để ứng phó với già hóa dân số và quỹ hưu trí?

Một trong những nội dung sửa đổi, bổ sung của Bộ luật Lao động năm 2012 được Bộ LĐTB&XH đang lấy ý kiến là nghiên cứu, đề xuất lộ trình điều chỉnh tuổi nghỉ hưu. Dự kiến có 2 phương án, tăng từ 60 lên 62 đối với nam và tăng từ 55 lên 58 hoặc từ 55 lên 60 đối với nữ.

Điều dư luận hết sức quan tâm là điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo hướng nào? Khi điều chỉnh, có làm mất cơ hội việc làm của giới trẻ? Lộ trình xây dựng, triển khai điều chỉnh tuổi nghỉ hưu?

Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Minh Huân trả lời phóng viên về vấn đề này.

Xin Thứ trưởng cho biết vì sao Bộ LĐTB&XH đưa ra nghiên cứu và lấy ý kiến độ tuổi nghỉ hưu vào thời điểm này?

Tăng tuổi nghỉ hưu không phải là vấn đề mới. Trước đây, Chính phủ đã 2 lần đưa vấn đề này ra Quốc hội nhưng chưa được sự đồng thuận. ILO cũng đã khuyến cáo Việt Nam nên tăng tuổi nghỉ hưu lên. Vấn đề này lại tiếp tục được đặt ra trong quá trình thảo luận sửa đổi Bộ luật Lao động năm 2012, với hướng cần phải cân nhắc tăng tuổi nghỉ hưu.

Có 5 yếu tố mà chúng ta phải đặt vấn đề này để nghiên cứu sửa đổi lần này. Thứ nhất, cảnh báo của các nhà nghiên cứu, tốc độ già hóa dân số ở nước ta đang tăng rất nhanh, tức tuổi thọ ngày nay tăng lên rất nhiều. Cho nên cần có chính sách để tận dụng cơ hội dân số vàng và đối mặt với tình trạng dân số già.

Thứ hai, đối với nguồn lao động của chúng ta, phụ nữ trên 55 tuổi, nam giới trên 60 tuổi có rất nhiều người có trình độ, năng lực, kinh nghiệm và có thể cống hiến tốt ở các công việc cụ thể. Cho nên cần có chính sách tận dụng lực lượng này.

Thứ ba, đối với quỹ hưu trí, thời gian đóng quá ngắn, thời gian hưởng quá dài đã dẫn đến mất cân đối. Về mặt chính sách, chúng ta hoặc phải tăng mức đóng lên, hoặc phải giảm mức hưởng đi. Do vậy, nghiên cứu việc tăng đóng bằng cách kéo dài thời gian đóng cũng là vấn đề cần lưu ý.

Thứ tư, hiện Việt Nam đã tham gia Công ước CEDAW (Công ước về Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ). Nam và nữ có sự cách biệt về tuổi nghỉ hưu là 5 năm. Tôi nghĩ, chúng ta cần thực hiện những công ước này. Phụ nữ cần phải tiếp cận tuổi nghỉ hưu theo hướng quyền bình đẳng.

Thứ năm, nhìn vào các nước trên thế giới, các nước đều theo xu hướng do tuổi thọ tăng, đều phải kéo dài thời gian làm việc nhiều hơn, họ cũng phải thay đổi tuổi nghỉ hưu để làm sao sử dụng hiệu quả được lực lượng lao động, đặc biệt ở lực lượng lao động có trình độ chuyên môn cao.

Tăng tuổi nghỉ hưu nhưng thực tế số lượng lớn lao động trẻ được đào tạo bài bản đang thất nghiệp. Đánh giá của ông về vấn đề này như thế nào?

Một vấn đề bao giờ cũng có 2 mặt. Chúng ta có thể sử dụng tốt hơn những người lao động có kinh nghiệm, nhưng mặt khác, phải tính đến yếu tố sức khỏe.

Khi tuổi tác nhiều hơn, vấn đề năng suất lao động và đặc biệt là tính đến sự ảnh hưởng đến thị trường lao động, khi có nhiều người đến độ tuổi lao động. Đây là những thách thức trong quá trình xây dựng, chúng tôi đều phải tính toán kỹ để lựa chọn phương án hợp lý.

Lần đề xuất mới này có gì khác và lộ trình thực hiện như thế nào, thưa ông?

Đây là một trong những phương án đang được xem xét. Lần trước, trong Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, chúng tôi đã từng nghiên cứu, tính toán nhưng khi trình Quốc hội thì chưa nhận được đồng tình. Bây giờ chúng tôi cũng phải cập nhật để tính toán lại.

Tuy Việt Nam đang trong quá trình già hóa dân số nhưng cũng không vì thế mà nóng vội. Thông thường, các nước khác tăng tuổi hưu để tránh tác động thì họ sẽ tăng dần. Tôi cho rằng phải có lộ trình tăng dần, tất nhiên cũng phải phân loại các ngành nghề cụ thể.

Đối với các nước, việc tăng tuổi nghỉ hưu là phải theo lộ trình. Ví dụ, ở ta, hôm nay tuổi nghỉ hưu là nữ 55 tuổi, nam 60 tuổi mà mai ta quy định đến 2017, nữ 60 tuổi, nam 62 tuổi chẳng hạn thì không phải. Phải có lộ trình, mỗi năm tăng dần vài tháng để đỡ bị ảnh hưởng.

Hiện Bộ đang cân nhắc các phương án tăng tuổi nghỉ hưu của cán bộ, công chức, viên chức, trước khi đưa vào dự thảo sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động. Dự kiến có 2 phương án, tăng từ 60 lên 62 đối với nam và từ 55 lên 58 hoặc từ 55 lên 60 đối với nữ.

Nếu năm 2017, Quốc hội thông qua phương án này thì bắt đầu thực hiện từ năm 2020, để có quá trình đánh giá tất cả các tác động về việc làm, thị trường lao động, sức khỏe, năng suất lao động cũng như tâm lý của người lao động và doanh nghiệp.

Thông thường, các nước mỗi năm tăng thêm khoảng 3 – 4 tháng, thậm chí có nước mỗi năm chỉ tăng 2 tháng. Đây là quá trình tính toán phải kết hợp cả khoa học, thực tiễn để làm sao đưa ra các phương án thích hợp trình Quốc hội”.

Trong bối cảnh nước ta hiện nay, tôi cho rằng phải có lộ trình, mỗi năm tăng dần vài tháng để đỡ bị ảnh hưởng. Các Bộ, ngành liên quan sẽ phải tính toán thật kỹ bài toán này.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Theo VOV

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.