Toát mồ hôi với mục tiêu “chọn trường”

GD&TĐ - Kỳ tuyển sinh đầu cấp năm 2019 đang tới gần, phụ huynh và HS đứng trước mục tiêu “nóng” từng ngày, khi mà nhiều điều kiện tuyển sinh còn chờ thi xong mới chốt, đặc biệt là điểm chuẩn (vào lớp 10), điều kiện xét tuyển hay điểm kiểm tra đánh giá năng lực (vào lớp 6). 

Năm nay, nhiều trường tổ chức kiểm tra đánh giá năng lực 3 môn Tiếng Anh, Toán, Tiếng Việt trong tuyển sinh đầu cấp vào lớp 6
Năm nay, nhiều trường tổ chức kiểm tra đánh giá năng lực 3 môn Tiếng Anh, Toán, Tiếng Việt trong tuyển sinh đầu cấp vào lớp 6

Thậm chí, đến lúc đăng ký nguyện vọng thi vào 10, năm nào cũng có những HS xin đổi vì cân nhắc tỷ lệ “chọi”... Còn thi vào lớp 6 thì nguyện vọng chính ở trường này, nhưng nhiều HS vẫn dự tuyển ở các trường khác để tìm kiếm cơ hội.

Chọn theo mong muốn của trẻ hay kỳ vọng của bố mẹ?

Năm nào cũng vậy, vào thời điểm này, phụ huynh có con chuẩn bị tham gia kỳ tuyển sinh lớp 10 THPT đang mong ngóng chỉ tiêu, tỷ lệ “chọi” vào từng trường. Lo xa hơn nữa, dù dự tuyển vào lớp 10 THPT HS có thể đăng ký nguyện vọng 1 và nguyện vọng 2 vào 2 trường THPT công lập, song nhiều ông bố bà mẹ vẫn phải tính toán nâng lên đặt xuống trước kỳ tuyển sinh, “nếu trượt” phải có phương án 2, phương án 3... cân đong đo đếm, chi li cộng điểm, ước chừng khả năng của con, thậm chí đoán già đoán non điểm chuẩn dù thi chưa diễn ra. Đã cân nhắc khả năng nguyện vọng 1 hay 2 ở công lập, nhưng nhiều phụ huynh thậm chí vẫn lo “dạm” trước một chỗ học trường tư thục nào có “thương hiệu tốt” để phòng xa.

Có con đang học lớp 9 một trường tư thục ở quận Hai Bà Trưng (Hà Nội), với học lực giỏi, chị Nguyễn Ngọc Phương (Minh Khai, Hà Nội) đặc biệt mong muốn con thi đỗ vào lớp 10 một trường THPT trong quận Hoàn Kiếm. “Gần trường Trần Phú có trường Việt Đức, hai trường này điểm đầu vào thường xấp xỉ nhau. Nhưng nhiều năm rồi tôi vẫn thích trường Trần Phú. Con thì nói thi trường nào cũng được, vì con học tư thục không biết gì về 2 trường công lập này”, chị cho biết mình là người quyết định việc chọn trường cho con thi.

Tuy đặt ra mục tiêu số 1 thi vào trường Trần Phú, nhưng chị Nguyễn Ngọc Phương vẫn tìm hiểu xem có trường tư thục nào chất lượng tốt hơn trường con chị đang học. “Phải phòng xa, dù bản thân con tự tin sẽ đạt được tầm 52 - 54 điểm. Nhưng thi cử biết làm sao được. 4 năm HS giỏi, nhưng đậu hay rớt còn tùy thuộc con làm bài thi có hết được khả năng không. Hay bất cẩn lại mất điểm ở những bài dễ, như thầy cô trên lớp đã nhắc nhở”, chị Phương chia sẻ.

“Tôi đang nghe ngóng và tìm hiểu mấy trường tư thục để chuẩn bị phương án nếu con trượt hết cả hai nguyện vọng trường công thì chạy thẳng đến trường tư... Nhiều phụ huynh trong lớp con tôi cũng tính toán đề phòng như thế. Phương án cuối cùng, nếu điểm thi không như dự tính thì vẫn tiếp tục cho con vào lớp 10 ở trường tư đang học”. Từ năm lớp 8 con chị Nguyễn Ngọc Phương đã dốc sức ôn thi để có thể giành một suất vào lớp 10 ở ngôi trường mà mẹ mong muốn.

Trượt dự tuyển từ vòng “hồ sơ”?

Trong tuyển sinh đầu cấp, nếu phụ huynh chọn lệch năng lực, không đúng mong muốn của con, rất có thể sẽ không thu được kết quả như kỳ vọng
Trong tuyển sinh đầu cấp, nếu phụ huynh chọn lệch năng lực, không đúng mong muốn của con, rất có thể sẽ không thu được kết quả như kỳ vọng

Ngay cả những phụ huynh có con học giỏi cũng không hoàn toàn chủ động được mong muốn “chọn trường cho con”. Tháng 4, khi Sở GD&ĐT Hà Nội thông báo quy định về tuyển sinh lớp 6 vào Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam, nhiều phụ huynh đã đặc biệt quan tâm khi nhà trường thông tin sẽ kết hợp sơ tuyển và kiểm tra đánh giá năng lực. HS muốn vào trường sau khi vượt qua vòng sơ tuyển hồ sơ, sẽ phải làm 3 bài kiểm tra.

Chỉ riêng vòng sơ tuyển của Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam hẳn đã có những phụ huynh và HS từ bỏ mong muốn vào trường bởi “không đủ tiêu chuẩn”. Theo đó, tổng điểm bài kiểm tra định kỳ cuối năm môn Toán, Tiếng Việt trong 2 năm học lớp 1 và lớp 2 phải đạt từ 39 điểm trở lên. Như vậy, với 4 bài kiểm tra như quy định chung ở 2 lớp đầu cấp tiểu học này, thí sinh muốn dự tuyển chỉ được phép có 1 bài điểm 9, còn lại tất cả phải đạt điểm 10. Thêm nữa, năm lớp 3 tổng số điểm các bài kiểm tra định kỳ cuối năm 2 môn Toán, Tiếng Việt phải đạt 20 điểm (môn nào cũng điểm 10).

Lớp 4, 5 còn phải đạt điểm 10 tất cả 4 bài kiểm tra các môn Toán, Tiếng Việt, Khoa học, Địa lý, Lịch sử. Ngoài quy định về điểm số, để qua được vòng sơ tuyển, các thí sinh còn phải “hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập và rèn luyện” từ năm lớp 3 - 5. Sau vòng sơ tuyển, những thí sinh đạt 139 điểm trở lên mới được tiếp tục tham gia vòng 2 kiểm tra đánh giá năng lực 3 môn Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh (mỗi bài làm trong 45 phút, tính thang điểm 10).

Tâm lý chung của nhà trường, GV và nhất là phụ huynh và HS mong muốn được biết các quyết định của Sở GD&ĐT, của trường về tuyển sinh đầu cấp hàng năm càng sớm càng tốt. Lâu nay, câu hỏi thi tuyển hay xét tuyển đầu vào các lớp đầu cấp vẫn có nhiều phương án tính toán khác nhau. Mỗi địa phương, mỗi trường có những cách thức riêng, có cái lý riêng trong quy định chung của ngành.

Để thi được vào trường chuyên, nhiều phụ huynh cho con đi học ôn luyện từ rất sớm, thậm chí có không ít trường hợp tìm thầy cho con theo luyện từ lớp 2, lớp 3. Song với yêu cầu sơ tuyển thiếu 1 điểm nữa thì toàn điểm 10 tuyệt đối suốt cả bậc tiểu học, đến thời điểm công bố điều kiện sơ tuyển, không biết có bao nhiêu phụ huynh đã phải ngậm ngùi ngừng cuộc chạy đua.

Cô Nguyễn Thị Nhị (từng nhiều năm dạy học và quản lý trường chuyên công lập ở Hải Dương và trường tư thục ở Hà Nội) cho biết đã chứng kiến nhiều phụ huynh lo con vào lớp đầu cấp “mướt mồ hôi”. Cô Nhị cũng được không ít phụ huynh gửi gắm để ôn luyện cho con thi vào lớp 6 trường chuyên ở Hà Nội. Điều cô Nhị băn khoăn là mục tiêu của các ông bố bà mẹ có phải là mong muốn của những đứa trẻ hay không. “Không phải đứa trẻ nào cũng có năng lực học tốt, ít phụ huynh quan tâm đến chọn trường phù hợp với mong muốn của con, chủ yếu chọn trường theo mục tiêu và kỳ vọng của bố mẹ” - Cô Nhị cho biết. Theo cô Nhị học chuyên rất vất vả, nếu phụ huynh chọn lệch năng lực, không đúng mong muốn của con, rất có thể sẽ không thu được kết quả như kỳ vọng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ