Toàn TPHCM có 39 hộ không có nhà ở: Con số gây tranh cãi

GD&TĐ - Số liệu được công bố dựa theo kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 trên địa bàn TPHCM đã gây nhiều tranh cãi. Theo đó, trong tổng số hơn 2,5 triệu hộ dân cư trú tại TPHCM thì chỉ có 39 hộ không có nhà ở.

Một người sống trên xích lô tại TPHCM. Ảnh: IT
Một người sống trên xích lô tại TPHCM. Ảnh: IT

Không tính người lang thang, cơ nhỡ?

Chia sẻ với báo chí, ông Võ Thanh Sang - Phó Cục trưởng Cục Thống kê TPHCM, cho biết đơn vị điều tra dân số là hộ. Hộ bao gồm một người ăn riêng, ở riêng hoặc một nhóm người ăn chung và ở chung. Theo khái niệm về hộ cư dân, những người giúp việc gia đình, người ở trọ và những người không có quan hệ họ hàng cũng được coi là thành viên hộ nếu họ thường xuyên ăn chung và ngủ trong ngôi nhà/căn hộ/ nơi ở của hộ từ 6 tháng trở lên tính đến thời điểm điều tra.

Riêng về khái niệm đơn vị nhà ở, ông Sang giải thích: Nhà ở là một công trình xây dựng bao gồm 3 bộ phận: Sàn, mái, tường và được dùng để ở. Đơn vị nhà ở là nơi ở có cấu trúc riêng biệt và độc lập, theo đó nó được xây dựng, biến đổi hoặc sắp xếp, được dùng làm nơi ở cho 1 hoặc nhiều hộ. Nó có thể là 1 khu nhà, ngôi nhà, căn hộ hoặc phòng ở. Hộ không có nhà ở - ở đây là những hộ sống ở lều, lán trại, vỉa hè.

“Để có con số thống kê này, chúng tôi không chỉ dựa vào lời khai của người dân mà có tổ chức đi thực tế xác minh xem có đúng là họ đang sinh sống ở lều, lán, trại tạm bợ hay không. Cá biệt, TPHCM cũng có không ít trường hợp người dân sống ở gầm cầu thang nhưng có dựng vách, làm cửa ra vào riêng biệt thì chúng tôi cũng tính đó là hộ có nơi ở”, ông Võ Thanh Sang chia sẻ.

Trường hợp nhà bè ở trên sông, hồ có đầy đủ 3 bộ phận: Sàn, mái, tường như định nghĩa trên được tính là nhà ở. Một phần của một ngôi nhà (phòng hoặc nhóm phòng) cũng có thể là đơn vị nhà ở nếu thỏa mãn 2 điều kiện: Riêng biệt (một phần của ngôi nhà phải có tiện nghi để ngủ, nấu ăn và những người cư trú trong đó phải tách biệt với các hộ khác trong ngôi nhà bằng bức tường hoặc vách ngăn), lối vào trực tiếp (có thể vào trực tiếp một phần của ngôi nhà từ bên ngoài ngôi nhà. Tức là những người cư trú có thể đi vào trong hoặc ra ngoài ngôi nhà mà không phải đi qua nơi ở của bất kỳ ai).

Theo đó, toàn TPHCM có 39 hộ không có nhà ở, trong đó gồm: 1 hộ ở quận 1, 1 hộ ở quận 4, và 37 hộ ở huyện Cần Giờ. Còn những người lang thang, cơ nhỡ ngủ vỉa hè nay đây mai đó không được tính vào nhóm không có nhà ở, mà thuộc nhóm người lang thang.

Thuê nhà cũng được tính là có nhà ở

Theo cách lý giải của Cục Thống kê TPHCM thì người lang thang, cơ nhỡ ngủ vỉa hè không được tính vào nhóm không có nhà ở. Ảnh: IT
 Theo cách lý giải của Cục Thống kê TPHCM thì người lang thang, cơ nhỡ ngủ vỉa hè  không được tính vào nhóm không có nhà ở.
Ảnh: IT

Theo cách lý giải của Cục Thống kê TPHCM thì, nhân khẩu thực tế thường trú (NKTTTT) tại hộ là những người thực tế thường xuyên ăn ở tại hộ tính đến thời điểm điều tra đã được từ 6 tháng trở lên và những người mới chuyển đến dưới 6 tháng nhưng xác định sẽ ăn, ở ổn định tại hộ, trẻ em mới sinh trước thời điểm điều tra và những người tạm vắng, không phân biệt họ có hay không có hộ khẩu thường trú.

Một số trường hợp đã sống tại hộ từ 6 tháng trở lên tính đến thời điểm điều tra nhưng không được tính là NKTTTT tại hộ gồm: Biên chế ngành công an, quân đội, học sinh phổ thông đến trọ học, ở nhờ, những người đến thăm đến chơi, chữa bệnh… đào tạo ngắn hạn dưới 1 năm.

Do đó, theo cách tính của Cục Thống kê TPHCM, những sinh viên đến TPHCM học tập ở KTX, công nhân, người lao động vào TP thuê nhà trọ ở đi làm… cũng đều được tính là có nhà ở. Không có nhà ở là những người không đáp ứng được điều kiện về nhà ở như phân tích ở trên. Nơi ở của họ có thể là lều, lán, trại được dựng tạm bên đường hoặc bãi đất bỏ hoang...

Con số chưa thực tế

Trong khi cơ quan chức năng thống kê theo định nghĩa, thì với số đông người dân căn cứ theo thực tế cảm thấy con số điều tra vừa công bố là không ổn.

Chị Nguyệt Lam - đang thuê nhà ở quận Phú Nhuận cho rằng, lập luận của Cục Thống kê TPHCM thật hài hước. Những người lang thang… sao lại không tính vào? “Cái định nghĩa nhà ở thật buồn cười. Vin vào cái định nghĩa nên suy ra những người ở trọ, làm lều lán trại để ở đều là có nhà ở... Định nghĩa như vậy thật kỳ cục! Nhắm mắt cũng biết có ai không đáp ứng đúng cái định nghĩa ấy. Thực tế thì còn nhiều người không có nhà ở…”, chị Lam nêu ý kiến.

Anh Vũ Trọng Quân - một doanh nghiệp tại TPHCM cho rằng, các tiêu chí thống kê chưa thực tế và hợp lý nên đã đưa ra một con số rất khó có thể chấp nhận ở một TP đông dân nhất Việt Nam “39 hộ không có nhà ở”? Vậy con số 39 như phía Cục Thống kê TP giải thích mang ý nghĩa gì? Nó có mang được lợi ích cho người dân hay không? Hay chỉ mang tính chất tượng trưng để có số liệu báo cáo? Thiết nghĩ, Cục Thống kê TP cần nghiên cứu một giải pháp thực tiễn hơn, cụ thể hơn, rõ ràng hơn. Vốn dĩ tiếng Việt rất phong phú về ngữ nghĩa, vậy nên cần dùng từ và cách giải thích sát nghĩa hơn để tránh gây nhầm lẫn: (1) Có nhà ở cố định (chính chủ); (2) Có nhà ở tạm thời (thuê nhà); (3) Không có nhà ở (vô gia cư)...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.