Hòa bình là khát vọng chưa bao giờ ngơi nghỉ
Trong những năm qua, người dân của thế giới Hồi giáo tại Syria và Iraq đang phải rên xiết trước bóng ma của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Sự kiện IS tuyên bố thành lập vào vào ngày 29-6-2014, tại thành phố Mosul ở miền bắc Iraq đã làm cho toàn thế giới rung chuyển.
Nước Mỹ của Tổng thống Barack Obama và đồng minh cùng với nước Nga của Tổng thống V.Putin bắt đầu quay trở lại Trung Đông kết hợp với Liên minh của các nước Hồi giáo thực hiện nhiều chiến dịch nhằm đẩy lùi IS. Trung Đông trở thành nơi tập hợp lực lượng đầy rối ren và phức tạp.
Cuộc chiến này trong nhiều giai đoạn từng bị xao nhãng vì mỗi một liệt cường ủng hộ một lực lượng bản địa khác nhau như người Kurd và các tổ chức nổi dậy ở Syria, bên cạnh những chính thể tại Bagdad và Damascus. Tuy nhiên, năm 2017 vẫn là năm thế giới chứng kiến sự sụp đổ từng phần của IS.
Đầu năm 2015, các chiến binh người Kurd đã đánh bật IS ra khỏi thị trấn quan trọng Kobani ở vùng biên Syria sau 4 tháng giao tranh. Sự kiện này có tính chất mở đầu cho những thắng lợi liên tiếp.
Giữa năm 2016, quân đội Iraq tuyên bố giải phóng hoàn toàn Fallujah. Sang năm 2017, quân đội Syria đã đạt được bước tiến quan trọng khi đánh bật những phiến quân tử thủ cuối cùng ra khỏi Đông Aleppo, chính thức giải phóng thành phố lớn nhất Syria.
Mười tháng sau, quân chính phủ Syria tiếp tục tái chiếm Raqqa, nơi được xem là “thủ đô” của IS. Tại chiến trường Iraq, IS ở thành phố Mosul cũng bị đẩy lùi trong tháng 7/2017.
Năm 2018, “Vương quốc IS” có thể tiến đến bờ vực cáo chung nhưng thế giới sẽ bước vào một cuộc chiến mới khi tổ chức khủng bố này phát triển chân rết sang các nước Trung Đông khác (ngoài Iraq và Syria), ở châu Phi, Trung Á và vùng Kavkaz, ở châu Âu, và thậm chí ở cả khu vực Đông Nam Á.
Bằng chứng là súng đã nổ và máu đã đổ tại thành phố Marawi (Philipines) sau khi Tổng thống Duterte ngồi chưa nóng ghế. Hòa bình thế giới, giờ đây sẽ là trận tuyến mới giữa các cơ quan an ninh, tình báo và cảnh sát với những âm mưu khủng bố đơn độc.
Mặc dù IS bị đẩy lùi nhưng Trung Đông chưa bao giờ bình yên. Syria sẽ rơi vào cuộc đấu tranh chính trị phân chia quyền lực không khoan nhượng giữa các lực lượng dân chủ (SDF) và chính phủ Assad đang tại vị. Các cường quốc bên ngoài đang ra sức gây ảnh hưởng ngoại giao lên tình hình chính trị của quốc gia này.
Cũng ngay tại khu vực Trung Đông, chảo lửa Yemen đang nóng dần lên khi tình hình chiến sự ở Syria – Iraq chỉ vừa mới nguôi ngoai. Cuộc tranh chấp đẫm máu ở Yemen lên đến đỉnh điểm sau cái chết của cựu tổng thống Ali Abdullah Saleh ngày 4/12/2017, do một nhóm Houthi thực hiện.
Ông Saleh bị nhóm Houthi sát hại sáng 4-12 sau khi tuyên bố “đổi phe” sang liên minh do Saudi Arabia hậu thuẫn, khiến giao tranh bùng nổ trên khắp Yemen và thủ đô Sanaa.
Diễn biến tiếp theo là giao tranh ác liệt tại Sanaa, nơi liên minh của Houthi và phe cựu tổng thống Saleh kiểm soát, sau khi ông Saleh tuyên bố chấm dứt liên minh với Houthi ngày 3-12.
Có thể nói, triển vọng hòa bình ở Trung Đông hiện nay là rất mong manh, khi những tranh chấp quyền lực cùng những mâu thuẫn sắc tộc và tôn giáo đang trở thành một mớ hỗn độn tại khu vực địa chính trị này.
Năm 2018 của thế giới được dự đoán là năm mà khát vọng hòa bình của mọi người dân đang sinh sống tại nhiều điểm nóng xung đột như Yemen, Syria, Palestine-Irael, Ukraine và những giới tuyến hạt nhân như Iran,Triều Tiên sẽ không bao giờ ngơi nghỉ.
Tình hình chính trị của các siêu cường
Năm 2018, thế giới cũng chứng kiến sự tái định hình của cơ cấu quyền lực và hạt nhân lãnh đạo tại các cường quốc.
Đại hội lần thứ 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc diễn ra ngày 18/10/2017, được đánh giá là hết sức quan trọng trong việc khẳng định vị thế mới của ông Tập Cận Bình qua những nỗ lực xây dựng và chỉnh đốn Đảng.
Các văn kiện của Đảng Cộng sản Trung Quốc thời điểm này đều nhất quán khẳng định ông Tập Cận Bình chính là “hạt nhân lãnh đạo”. Điều này phản ánh việc ông Tập có quyền quyết định tối cao đối với các vấn đề về chính sách và nhân sự trong Đảng.
Một điểm đáng chú ý của Đại hội 19 là thành phần Uỷ viên Thường vụ Bộ Chính trị có sự góp mặt của những nhân vật được đánh giá là cấp tiến (Uông Dương) và có trình độ lý luận hàng đầu của Đảng (Vương Hỗ Ninh).
Điều này cho thấy ông Tập Cận Bình quyết tâm tạo dựng đường lối lãnh đạo trong 5 năm tới dựa trên nền tảng của lực lượng tinh hoa, những bộ óc có khả năng giao tiếp và đối đầu trực diện với những thách thức ngoại giao và chính trị đến từ bên ngoài khi giải quyết các vấn đề giữa một siêu cường đang lên với phần còn lại của thế giới.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên thệ nhậm chức |
Tổng thống Nga V. Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong một buổi ký kết thỏa thuận |
Ở nước Nga, Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 7/12 đã chính thức tuyên bố tiếp tục tranh cử Tổng thống nhiệm kỳ 4 trong cuộc bầu cử năm 2018.
Theo giới quan sát, triển vọng tái đắc cử của Tổng thống Putin là rất lớn và ông sẽ tiếp tục phục vụ nhiệm kì thêm 6 năm nữa, cho đến năm 2024.
Các khảo sát gần đây cho thấy, tỉ lệ ủng hộ Tổng thống Putin đang ở mức cao, khoảng 80%. Trong nhiệm kì hiện tại, dưới bàn tay lèo lái của người đứng đầu Điện Kremlin, con thuyền nước Nga đã gần như đã vượt qua các cơn bão khủng hoảng cấm vận, giá dầu giảm mạnh… đưa kinh tế nước Nga ổn định trở lại, lạm phát được kiểm soát và tỷ lệ thất nghiệp được khống chế...
Việc tổng thống V.Putin tái tranh cử Tổng thống cũng nằm trong dự đoán của nhiều chuyên gia, nhất là sau khi nhiệm kỳ của Tổng thống nước này được kéo dài thành 6 năm kể từ thời điểm ông Putin nắm quyền Tổng thống trở lại hồi năm 2012.
Tỷ phú Donald Trump, nhân vật gây ra sóng gió tranh cãi trên chính trường nước Mỹ và quốc tế, trở thành chủ nhân của Nhà Trắng đã gần một năm.
Với tinh thần nước Mỹ trên hết, vị tổng thống tỷ phú này chủ trương đảo ngược tất cả chính sách của người tiền nhiệm như siết chặt nhập cư, xét lại Obamacare và rút lui khỏi TPP.
Không dừng lại ở đó, ông Trump còn đem đến nhiều “quả đắng” cho cả đồng minh lẫn kẻ thù. Khi vừa đắc cử Tổng thống, ông Trump liền phát đi thông điệp kêu gọi Nhật Bản, Hàn Quốc cùng chia sẻ trách nhiệm trong việc giữ gìn an ninh khu vực.
Vào những ngày cuối năm 2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã làm điều mà những người tiền nhiệm không thể làm được trong 22 năm qua: công bố Jerusalem là thủ đô của Israel và nhận hàng loạt tuyên bố cảnh báo lẫn chỉ trích từ thế giới Hồi giáo (có cả đồng minh và kẻ thù).
Sau những hành động chính trị vượt ra ngoài quỹ đạo dự báo, thì trong năm 2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng phải đối mặt với tiến trình bầu cử lại một nửa số ghế của Quốc hội lưỡng viện vào giữa nhiệm kỳ. Lúc đó, những hành động chính trị của ông sẽ được đánh giá lại và niềm tin của cử tri sẽ được phản ánh thông qua tỷ lệ của hai Đảng ở Lưỡng viện.
Kinh tế toàn cầu khởi sắc
Gần 11 tháng kể từ ngày tỷ phú Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, dù Nhà Trắng vẫn chưa hết xáo trộn do những thay đổi trong chính sách đối ngoại và nhân sự cấp cao, nhưng nền kinh tế Mỹ đã có những bước tiến ấn tượng.
Cụ thể, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ đã tăng gấp đôi so với thời điểm diễn ra cuộc tranh cử Tổng thống, tỷ lệ lạm phát thấp, trong khi chỉ số Dow Jones liên tục lập các kỷ lục mới, phản ánh niềm tin của doanh nghiệp và giới đầu tư.
Tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức thấp nhất trong 17 năm qua khi chỉ còn 4,1% hồi cuối tháng 10 năm nay. Tỷ lệ này được dự báo sẽ giảm xuống còn 3,5% vào cuối năm 2018.
Theo giới chuyên gia, mọi sự chú ý sẽ đổ dồn về “sức khỏe” nền kinh tế Mỹ vào năm 2018 khi đây được coi là năm bản lề đối với nền kinh tế số một thế giới. Năm 2018 cũng là năm hứa hẹn sẽ có nhiều điều bất ngờ, từ sự thay đổi trong ban lãnh đạo Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho đến những cải cách thuế.
Quá trình sản xuất dầu mỏ |
Còn theo IMF, kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 3,5% trong năm 2017 và 3,6% năm 2018 - giữ nguyên mức dự báo trong báo cáo Triển vọng Kinh tế toàn cầu đưa ra hồi tháng 4/2017, nhờ thành quả thương mại và sản xuất tại khu vực châu Âu, Nhật Bản và Trung Quốc.
IMF đã điều chỉnh giảm mức dự báo tăng trưởng của Mỹ xuống 2,1% trong năm nay và năm 2018, so với mức dự báo tăng trưởng lần lượt 2,3% và 2,5% trước đó, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 3,5% của Chính phủ Donald Trump.
IMF cũng điều chỉnh tăng mức dự báo tăng trưởng đối với một số quốc gia khu vực châu Âu, do tăng trưởng trong quý đầu năm 2017 vượt mong đợi nhờ nhu cầu trong nước tăng cao, trong đó có Đức, Tây Ban Nha, Pháp và Italy.
Đối với Trung Quốc, dự báo tăng trưởng năm nay đạt 6,7% (điều chỉnh tăng 0,1%) và năm 2018 đạt 6,4% (điều chỉnh tăng 0,2%). Đối với các nước khác như Ấn Độ lần lượt là 7,2% và 7,7%, Nga là 1,4% trong năm 2017 và 2018.
Dự báo nhu cầu dầu mỏ thế giới năm 2017 tăng 1,5 triệu thùng/ngày; năm 2018 tăng 1,4 triệu thùng/ngày, nhờ triển vọng kinh tế thế giới đang được cải thiện, do đó thị trường dầu mỏ đang dần cân bằng trở lại.