Các cuộc khủng hoảng nối tiếp nhau, căng thẳng leo thang, thiên tai tiếp tục hoành hành… là những nét chấm phá trong bức tranh toàn cảnh thế giới trong năm nay. Sau đây là 10 sự kiện quốc tế nổi bật năm 2015:
1. Căng thẳng ở biển Đông tiếp tục gia tăng
Năm 2015, biển Đông tiếp tục là điểm nóng của thế giới. Bất chấp phản ứng dữ dội từ phía Việt Nam và cộng đồng quốc tế, Trung Quốc vẫn tiếp tục gia tăng bồi đắp các bãi đá, rạn san hô và xây dựng các đường băng, ngọn hải đăng, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế. Mỹ cáo buộc Trung Quốc “quân sự hóa” biển Đông và để đảm bảo an toàn hàng hải, Mỹ điều máy bay, tàu chiến đến thị sát các đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp đồng thời tăng cường hợp tác quân sự với Philippines, Singapore, Malaysia…
2. Khủng hoảng di dân ở châu Âu
Theo thống kê của Tổ chức Di cư quốc tế (IOM), năm 2015 số người di cư vào châu Âu (chủ yếu từ Trung Đông và Bắc Phi) đã vượt ngưỡng 1 triệu người. Đây được coi là cuộc di cư lớn nhất kể từ sau Thế chiến thứ II. Khủng hoảng di cư khiến châu Âu lao đao. Trong bối cảnh vẫn phải chống chọi với khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng di cư đã thực sự chia rẽ châu Âu, nhất là việc áp dụng hạn ngạch đối với từng quốc gia thành viên EU. Theo các nhà phân tích, cuộc khủng hoảng di dân đang là thách thức lớn lao đối với những giá trị và lợi ích mà châu Âu đặt ra trong hơn 60 năm qua.
3. Thảm họa động đất ở Nepal
Ngày 25/4, trận động đất mạnh tới 7,8 độ richter đã tàn phá đất nước Nepal. Từ Chautara (ở phía Bắc Kathmandu) đến biên giới Tây Tạng khoảng 70 - 80% nhà cửa bị đổ nát, tổng cộng hơn nửa triệu tòa nhà bị phá hủy. Theo con số thống kê, số người thiệt mạng lên tới hơn 6.200 người, số người bị thương là hơn 13.000 người. Hơn 20 quốc gia đã tham gia cứu hộ, giúp Nepal ổn định tạm thời sau trận động đất kinh hoàng này. Chính phủ Nepal ước tính phải mất 10 tỷ USD (tương đương với 1/3 GDP của nước này) để tái thiết và tái định cư sau trận động đất.
4. Thỏa thuận lịch sử về chương trình hạt nhân của Iran
Ngày 14/7 được coi là cái mốc lịch sử trong hoạt động ngoại giao của thế giới khi Iran và nhóm P5+1 (Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) chính thức đặt bút ký thỏa thuận chấm dứt chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran trong hơn chục năm qua.
Theo đó, Iran đồng ý chỉ sở hữu không quá 300 kg uranium làm giàu ở mức 3,67% trong vòng 15 năm tới, trong khi lệnh cấm vận vũ khí của Liên Hiệp Quốc với Iran vẫn được giữ nguyên trong 5 năm nữa. Việc ký kết thỏa thuận hạt nhân cùng với nới lỏng cấm vận đã mở đường cho Tehran thu hút đầu tư, gia tăng xuất khẩu dầu mỏ, phát triển kinh tế của đất nước. Theo các nhà phân tích, việc “tái xuất” của Iran trong lĩnh vực xuất khẩu dầu mỏ là một trong những nguyên nhân khiến giá dầu thế giới lao dốc.
5. Nga can thiệp quân sự vào Syria
Cuộc nội chiến căng thẳng ở Syria đã bước sang gia đoạn mới khi Nga quyết định can thiệp quân sự vào nước này. Nga đã điều đến sân bay Latakia (Syria) 44 máy bay (Su-24M, Su-25, Su-30SM, Su-34) và 16 trực thăng (Mi-17, Mi-24). Kể từ ngày 30/9/2015, lực lượng không quân Nga đã thực hiện 4.201 phi vụ chiến đấu, trong số đó có 145 phi vụ của máy bay ném bom chiến lược và tầm xa, tiêu diệt hàng trăm căn cứ quân sự, làm tê liệt hoạt động của IS.
Chiến dịch không kích của Nga hết sức hiệu quả, tuy nhiên, nó động chạm tới lợi ích của một số quốc gia. Ngày 24/11, không quân Thổ Nhĩ Kỳ đã bắn hạ Su-24M của Nga, đẩy quan hệ giữa hai nước vào giai đoạn vô cùng căng thẳng.
6. Hoạt động khủng bố gia tăng
Ngày 7/1/2015, tòa soạn tạp chí Charlie Hebbo tại Paris (Pháp) bị khủng bố tấn công khiến 12 người chết. Đây là vụ khủng bố được coi là “mở màn” của phiến quân Hồi giáo cực đoan vào “thế giới văn minh”. Tháng 7/2015, một kẻ đánh bom liều chết đã làm 33 người thiệt mạng tại Suruc (Thổ Nhĩ Kỳ); tháng 10/2015, hai kẻ liều chết khác đã đánh bom vào cuộc biểu tình ở Ankara (Thổ Nhĩ Kỳ) làm 103 người thiệt mạng. Ngày 31/10, máy bay Airbus A321 của Nga bị rơi ở miền Bắc đảo Sinai (Ai Cập) làm 224 người, chủ yếu là công dân Nga thiệt mạng.
Theo kết quả điều tra của FSB, máy bay bị cài đặt một thiết bị nổ do bọn khủng bố thực hiện. Hai tuần sau ngày đen tối đó (13/11), 4 địa điểm tại Paris bị tấn công liều chết khiến 130 người thiệt mạng, hàng trăm người bị thương. Ngày 2/12, cặp vợ chồng trung thành với IS đã xả súng giết chết 14 người ở San Bernardino (California - Mỹ). Vụ này khiến ứng cử viên Tổng thống của đảng Cộng hòa Donal Trump kêu gọi cấm người Hồi giáo vào Mỹ.
7. Hiệp định đối tác Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP)
Sau hơn 5 năm đàm phán, ngày 4/10/2015, các Bộ trưởng Thương mại của Mỹ và 11 nước khu vực Thái Bình Dương, gồm: Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam đã đạt được những thỏa thuận cuối cùng. Ngày 5/10/2015, Hiệp định Đối tác Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) chính thức được thông qua, tuy nhiên, để Hiệp định có hiệu lực cần có sự phê chuẩn của Quốc hội các nước thành viên.
TPP được coi là thỏa thuận thương mại lớn nhất cho phép cắt giảm thuế xuất nhập khẩu và bãi bỏ các rào cản thương mại ở 12 quốc gia thành viên. Hiệp định bao gồm 30 chương, đề cập không chỉ các lĩnh vực truyền thống như hàng hóa, dịch vụ, đầu tư mà còn cả các vấn đề mới như thương mại điện tử, tạo thuận lợi cho dây chuyền cung ứng, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp vừa và nhỏ...
8. Giá dầu lao dốc
Năm 2015 thế giới được chứng kiến giá dầu lao dốc không phanh. Nếu như vào cuối năm 2014, giá dầu đạt tới 115 USD/thùng thì trong phiên giao dịch cho tháng 2/2016, giá dầu Brent đã xuống tới 36,47 USD. Theo các chuyên gia, dầu còn có thể xuống đến 20 USD, thậm chí 15 - 16 USD/thùng. Nguyên nhân giá dầu lao dốc được cho là cung nhiều hơn cầu. Việc giá dầu lao dốc để lại nhiều hệ lụy.
9. Thỏa thuận lịch sử về biến đổi khí hậu
Ngày 12/12, đại diện 195 quốc gia tại Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu toàn cầu ở Paris (COP21) đã thông qua thỏa thuận lịch sử nhằm ngăn chặn tình trạng nóng lên toàn cầu. Đây là một thỏa thuận mang tính pháp lý, chấm dứt hàng thập kỷ tranh cãi giữa các nước giàu và nghèo trong việc cung cấp tài chính để đối phó với biến đổi khí hậu.
10. Cộng đồng ASEAN ra đời
Ngày 31/12/2015, Cộng đồng ASEAN chính thức ra đời với 3 trụ cột chính là Cộng đồng Chính trị - An ninh, Cộng đồng Kinh tế và Cộng đồng Văn hóa - Xã hội, đánh dấu bước phát triển quan trọng trong tiến trình liên kết sâu rộng của ASEAN, hướng tới mục tiêu “Một tầm nhìn - Một bản sắc - Một cộng đồng”.n