Thành công trong tuyển sinh
Nhiều trường ĐH sau đợt xét tuyển đầu tiên đã có những đánh giá tích cực về kỳ tuyển sinh năm nay. Ông Trần Văn Tớp – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội – thậm chí đánh giá đây là một trong những đợt tuyển sinh thành công nhất của nhà trường. Theo đó, phần mềm xét tuyển hỗ trợ tốt và ổn định, hội tụ nhanh và đưa ra kết quả sớm để các trường phán đoán. Bên cạnh quy chế tuyển sinh rõ ràng, phần mềm lọc ảo tốt, Bộ GD&ĐT còn tư vấn, đào tạo rất sát sao.
“Điểm chuẩn của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội năm nay cơ bản tăng. Năm 2018, có những ngành nhà trường không tuyển đủ vì thiếu nguồn tuyển; nhưng năm nay tất cả các ngành đều tuyển đủ chỉ tiêu với điểm chuẩn tốt. Tôi cho rằng, việc tuyển đủ đối với nhà trường không khó, nhưng để người học và gia đình hiểu về tương lai, triển vọng ngành nghề là điều quan trọng. Do đó, nhà trường luôn đặt mục tiêu không phải tuyển đủ mà tuyển thí sinh đam mê ngành học, tuyển theo chất lượng” – ông Trần Văn Tớp cho hay.
Nhận định công tác xét tuyển trơn tru, suôn sẻ, ông Bùi Anh Tuấn – Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương – đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các trường trong nhóm xét tuyển. Phần mềm tuyển sinh, công tác phối hợp tuyển sinh năm nay được Bộ GD&ĐT làm rất tốt. Ngoài phần mềm, số liệu cho các nhà trường, Bộ GD&ĐT cũng thường xuyên sát sao, nhắc nhở hiệu trưởng các trường thực hiện tuyển sinh đúng quy định; luôn có thông báo đến các nhà trường ở mỗi thời điểm quan trọng.
Tại Trường ĐH Xây dựng, chia sẻ của ông Phạm Xuân Anh – Phó Hiệu trưởng: Sau đợt 1, nhà trường đã tuyển đủ số chỉ tiêu đưa ra là 3.400. Nếu tỷ lệ nhập học đạt 100%, trường sẽ không phải tuyển nguyện vọng tiếp theo. “Có thể nói, công tác tuyển sinh năm nay khá ổn định. Sự hỗ trợ của Bộ GD&ĐT đối với các trường rất tốt” – ông Phạm Xuân Anh nhận định.
|
Những khác biệt
Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng – Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT), mặt bằng điểm trúng tuyển của hầu hết các trường năm nay đều tăng nhẹ so với năm trước. Đánh giá chung kết quả tuyển sinh 2019 tương đối ổn định như hai năm trước, bà Phụng cũng chỉ ra một số khác biệt khá rõ nét về kết quả tuyển sinh năm nay.
Đầu tiên, điểm trúng tuyển cho thấy có sự phân tầng chất lượng trong cả hệ thống. Cụ thể, bên cạnh một số trường top dưới còn lấy dưới 15 điểm thì những trường chất lượng tốt và có những lợi thế khác đã lấy tới 26 - 27 điểm. Các con số này được công khai là những thông tin rất hữu ích cho người học chọn trường, cho người sử dụng lao động chọn sinh viên tốt nghiệp, người lao động chọn nơi làm việc và các đối tác chọn nơi cộng tác…
Năm 2019, chỉ tiêu từ điểm thi THPT quốc gia là 351.154; trong đó, chỉ tiêu sư phạm là 29.765. Số trúng tuyển sau lọc ảo: 405.193 đạt 115% chỉ tiêu; trong đó, trúng tuyển sư phạm là 18.536.
Về kết quả tuyển trước đợt I theo các phương thức khác (không lấy từ điểm thi): Tổng số thí sinh xác nhận nhập học trước xét tuyển chung là: 35.147 (năm 2018 khoảng 17.469), các thí sinh này được đưa ra khỏi danh sách tham gia xét tuyển đợt I.
Kết thúc đợt xét tuyển lần 1, thống kê có khoảng 49% đơn vị tuyển sinh có số trúng tuyển từ đủ chỉ tiêu trở lên; 61% số đơn vị tuyển sinh đạt từ 70% trở lên so với chỉ tiêu. Có 26% tuyển được dưới 50% chỉ tiêu và 7% không có thí sinh trúng tuyển, không tham gia lọc ảo.
Cùng với đó, các nhóm xét tuyển được mở rộng. Nhóm xét tuyển phía Nam có 90 trường và nhóm xét tuyển phía Bắc có 53 trường tham gia với sự hợp tác “chuyên nghiệp” hơn và hoạt động hiệu quả. Điều này làm giảm tải công việc cho hệ thống tuyển sinh chung và các trường trong nhóm ít nhiều cũng lựa nhau để không vượt chỉ tiêu, làm ảnh hưởng đến nguồn tuyển của các trường khác.
Đặc biệt là điểm trúng tuyển của khối sư phạm đã tăng cùng với mức tăng điểm sàn; trong đó, các trường truyền thống đào tạo sư phạm có mức điểm trúng tuyển cao hơn điểm sàn. Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, bên cạnh có thí sinh đạt Huy chương Vàng Toán quốc tế đăng ký xét tuyển, còn có 7 ngành lấy điểm trúng tuyển từ 20 điểm. Trường ĐH Sư phạm TPHCM có 7 ngành lấy từ 19,5 đến 21 điểm. Đây là mức điểm thấp nhất trúng tuyển và thực tế, hầu hết các em trúng tuyển cao hơn mức này.
Mặt bằng điểm trúng tuyển của các trường đào tạo các ngành sức khoẻ cũng tăng nhẹ và đồng đều hơn so với các năm trước, vì là năm đầu có điểm sàn riêng cho khối sức khoẻ. Mức điểm trúng tuyển của các trường đào tạo y khoa được rút ngắn khoảng cách, còn từ 21 đến 26,75 điểm.
“Như vậy, với Quy chế tuyển sinh như năm nay, chúng ta có thể yên tâm về chất lượng của đội ngũ quan trọng trong xã hội là các thầy thuốc và thầy cô giáo” – bà Nguyễn Thị Kim Phụng chia sẻ.
Một điều đáng mừng khác, không chỉ có khối y dược và kinh tế, một số trường kỹ thuật có điểm sàn ở top cao nhất như Trường ĐH Bách khoa Hà Nội có 7 ngành lấy từ 24 điểm đến 27,42 điểm. Điều đó cho thấy, các trường kỹ thuật đầu ngành đã cung cấp chương trình chất lượng, phù hợp với bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và nhu cầu của thị trường lao động. Đa số các trường khác, ngay cả những trường còn thiếu nhiều chỉ tiêu cũng giữ mức điểm trúng tuyển không quá thấp…
Rõ hơn phân khúc chất lượng
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng cho rằng, độ chênh về điểm chuẩn giữa các nhóm trường như đã nói ở trên thể hiện chính sách chất lượng của từng trường và sự phân khúc chất lượng của mỗi nhóm trường trong toàn hệ thống. Điều đó cũng phản ánh uy tín của các trường. Đồng thời, nó cũng phản ánh sự minh bạch về chất lượng trong tuyển sinh và đào tạo… Điều này rất cần thiết và hữu ích cho xã hội trong điều kiện tự chủ ĐH và tạo sự cạnh tranh để nâng cao chất lượng tuyển sinh, chất lượng đào tạo giữa các trường trong toàn hệ thống.
Theo bà Phụng, nhìn chung, điểm trúng tuyển thấp phản ánh chất lượng đầu vào thấp. Tuy nhiên, cũng phải phân tích nguyên nhân và phân loại các trường có điểm trúng tuyển thấp để có cách xử lý phù hợp.
Trong khối lâm nghiệp, nông nghiệp, thuỷ lợi… ngay cả những trường đầu ngành vẫn buộc phải xác định điểm trúng tuyển thấp hơn mặt bằng chung, vì xã hội cho những ngành thuộc các khối này là không hấp dẫn. Nhóm ngành này, bên cạnh việc nâng cao chất lượng còn cần phải có đầu tư, ưu đãi với người học, người lao động trong ngành và tích cực tuyên truyền để thu hút thí sinh.
Đa số các trường khác xác định điểm trúng tuyển thấp là trường chất lượng thấp, chưa có uy tín để thu hút học sinh giỏi.
Để đảm bảo chất lượng nguồn tuyển, Bộ GD&ĐT đã thực hiện biện pháp minh bạch thông tin để người học và xã hội biết, có lựa chọn phù hợp. Theo thống kê trong những năm qua, đa số các trường xác định điểm trúng tuyển thấp là trường có ít sinh viên nhập học. Điều đó cũng phản ánh chính sách công khai, minh bạch thông tin về chính sách chất lượng và các điều kiện đảm bảo chất lượng của các trường đã phát huy tác dụng, để người học lựa chọn những trường có chất lượng và hệ thống không ngừng cạnh tranh, nâng cao chất lượng.
Đồng thời, Bộ GD&ĐT cũng tăng cường thanh tra, kiểm tra giám sát quá trình tổ chức đào tạo của các trường này để buộc họ phải nỗ lực nâng cao chất lượng trong dạy và học, đạt chuẩn đầu ra theo khung trình độ quốc gia và đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Vừa qua, Bộ GD&ĐT đã thanh tra một số trường và sắp tới sẽ đẩy mạnh hơn hoạt động thanh, kiểm tra, tập trung vào những trường xác định điểm trúng tuyển thấp và các trường có dấu hiệu thực hiện vượt chỉ tiêu tuyển sinh.
Thí sinh xác nhận nhập học tăng
Kết thúc đợt xét tuyển đầu tiên, thống kê trên hệ thống cho thấy, tổng số thí sinh xác nhận nhập học trước xét tuyển chung tăng so với 2018 (2019 là 35.147; năm 2018 khoảng17.469). Lý do, năm nay các trường mở rộng các hình thức xét tuyển khác. Con số thống kê chỉ tiêu từ đầu cũng cho thấy điều đó. Nếu các năm trước, khoảng 75% chỉ tiêu lấy từ điểm thi thì năm nay con số này là 70%.
Việc các trường mở rộng diện ưu tiên xét tuyển, tuyển học bạ, thi đánh giá năng lực... và công bố trúng tuyển trước khi xét đợt 1 mở rộng như trên cũng có nhiều điểm tích cực là các trường tự chủ hơn, trải nghiệm những hình thức xét tuyển khác trên phạm vi hẹp để nghiên cứu, đánh giá chất lượng nguồn tuyển. Đây là cơ sở để sau này trường có thể tuyển sinh quanh năm, giảm áp lực cho thi cử...
“Thực tế cho thấy, hầu hết các trường xét tuyển trước đều là những trường uy tín mới có sức hút thí sinh xác nhận nhập học trước. Khi tuyển học bạ, trường thường kết hợp với các điều kiện khác như được giải của tỉnh, thành phố, quốc gia, quốc tế, chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế hoặc chứng chỉ SAT, ACT... nên phương thức này có thể tin cậy, mở rộng trong thời gian tới” – bà Nguyễn Thị Kim Phụng chia sẻ.