Toà thiên vị ông Trump?

GD&TĐ - Phán quyết của Toà án tối cao Mỹ về quyền miễn trừ của cựu Tổng thống Donald Trump không gây bất ngờ cả về nội dung lẫn thời điểm.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Trong tổng số 9 thẩm phán của toà án này thì có đến 6 người thuộc phe cánh của ông Trump. Ba vị trong số ấy lại do chính ông Trump đề cử. Ngay từ đầu và không chỉ trong mỗi vụ việc này, dân Mỹ đã biết chắc Toà án tối cao luôn thiên vị ông Trump.

Phán quyết của toà này ngày 1/7 vừa qua xác lập ông Trump được hưởng quyền miễn trừ cho những hành vi phạm tội hình sự trong thời gian làm Tổng thống Mỹ, đúng như ông mong muốn.

Người ta nói Toà án tối cao Mỹ đã biến ông Trump thành nhà vua, đứng trên cả pháp luật. Để lấp liếm sự thiên vị quá thô thiển này, Toà án tối cao Mỹ đưa ra hạn chế nhất định. Nếu ông Trump có những hành vi phạm pháp hình sự trong tư cách cá nhân chứ không phải tổng thống thì sẽ không được hưởng quyền miễn trừ.

Như thế có nghĩa là ông Trump chỉ giành về thắng lợi tư pháp không hoàn chỉnh. Rồi đây, các toà án ở Mỹ sẽ phải soi xét tỷ mỉ từng vụ việc một, từng hành vi cụ thể của ông Trump để xác định ông có được quyền hưởng miễn trừ hay không. Các vụ xét xử ông Trump vì thế sẽ kéo dài và không ai có thể dự đoán được sẽ kết thúc như thế nào.

Ông Trump cũng chỉ cần thế. Phán quyết nói trên của Toà án tối cao Mỹ đảm bảo cho ông không bị đưa ra xét xử trước toà nữa trước khi diễn ra cuộc bầu cử tổng thống năm nay. Nếu ông thất cử thì cả quyền miễn trừ này cũng không còn giá trị đáng kể gì nữa. Nếu đắc cử, ông Trump đương nhiên được hưởng quyền miễn trừ và sẽ chẳng còn ai nhắc đến phán quyết này của Toà án tối cao Mỹ nữa.

Toà án tối cao Mỹ công khai bộc lộ chủ ý muốn ông Trump trở lại cầm quyền, tức là đánh bại Tổng thống đương nhiệm Joe Biden. Toà này cố tình kéo dài thời gian xử lý vụ việc (16 tuần) cho tới khi không còn có thể trì hoãn được nữa để đảm bảo cho ông Trump không bị xét xử trước toà nữa trong thời gian từ nay đến ngày bầu cử tổng thống.

Ông Trump rất phấn khích về phán quyết trên của Toà án tối cao Mỹ. Trên thực tế, nó có thật sự có lợi cho ông hay không lại là chuyện rất khác. Suốt thời gian qua, việc ông bị các toà án tóm gáy không phải là tác nhân quyết định tới tâm lý và sự lựa chọn của cử tri ở Mỹ.

Việc Toà án tối cao Mỹ cho phép ông Trump đứng trên pháp luật như thế không thể không gây bất lợi lớn cho ông khi cử tri nhìn nhận đấy là toà án bật đèn xanh cho cựu tổng thống phạm tội hình sự. Cử tri Mỹ không thể không quan ngại sâu sắc về việc ông Trump sẽ bất chấp luật pháp như thế nào nữa nếu trở lại cầm quyền.

Phán quyết trên của toà mang tính nguyên tắc, tức là áp dụng cho cả ông Biden và các tổng thống tiếp theo. Nhưng cử tri Mỹ biết chắc ông Biden sẽ không bất chấp luật pháp và đứng trên luật pháp như ông Trump. Sẽ có nhiều cử tri vì mối quan ngại này mà để cho lý trí quyết định hành động và bỏ phiếu bầu cho ông Biden.

Phán quyết nói trên của Toà án tối cao Mỹ đã tạo ra tiền lệ tư pháp với tác động có thể làm thay đổi sâu rộng nước Mỹ về luật pháp và tư pháp, về chính trị và xã hội. Nước Mỹ khác biệt ngày càng thêm nhiều hơn với thế giới bên ngoài. Sự can thiệp như thế của toà án khiến cho nội tình nước Mỹ thêm rối ren và phức tạp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Pedri chấn thương nặng và sớm chia tay với EURO 2024.

Pedri chính thức chia tay EURO 2024?

GD&TĐ - Theo thông tin từ Liên đoàn bóng đá Tây Ban Nha, Pedri phải nghỉ ngơi từ 2 tới 3 tuần vì chấn thương và sớm nói lời chia tay với EURO 2024.