To lớn mà… thú vị

GD&TĐ - Tuy đã tuyệt chủng cách đây khoảng 65 triệu năm, nhưng khủng long vẫn nhận được sự quan tâm của nhân loại cho tới tận hôm nay.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Tuy đã tuyệt chủng cách đây khoảng 65 triệu năm, nhưng khủng long vẫn nhận được sự quan tâm của nhân loại cho tới tận hôm nay. Đọc tác phẩm “Khủng long khủng khỉnh”, độc giả sẽ có cơ hội biết nhiều hơn tới “anh bạn” to lớn mà rất thú vị này.

Tác phẩm “Khủng long khủng khỉnh” của tác giả Martin Oliver đã đến tay độc giả Việt Nam với ấn bản dịch của Khanh Khanh, do Nhà xuất bản Trẻ ấn hành. Cuốn sách gồm 9 chương, bao quát nhiều khía cạnh của khủng long, từ đặc điểm ngoại hình, thức ăn, môi trường sống đến cả những tảng đá hóa thạch được con người khám phá hàng triệu năm sau.

“Chẳng giống ai”

“Khủng long khủng khỉnh” có hình ảnh minh họa bìa rất ấn tượng: Chỉ cần một bộ xương hóa thạch của khủng long thôi cũng đã choán tới hơn một nửa chiều dài và toàn bộ chiều rộng của bìa. Nhìn thoáng qua, người đọc sẽ có được ấn tượng ban đầu về kích thước và hình dáng của khủng long, để rồi tiếp tục hứng thú lật giở những trang tiếp theo.

Xuyên suốt tác phẩm, bên cạnh các thông tin cơ bản về khủng long, tác giả Martin Oliver đã khiến độc giả liên tục “ngã ngửa” trước những đặc điểm, thông tin độc lạ và không kém phần kì quặc đến mức không thể tin nổi của một số loài khủng long.

Đó có thể là khi tác giả đã “mời” độc giả vận dụng trí tưởng tượng để nghĩ ra một hình thù người ngoài hành tinh thật quái dị, rồi từ đó để độc giả buộc phải thừa nhận cho dù có kinh khủng đến như thế nào thì hình ảnh ấy cũng sẽ phải “chào thua” trước hình dáng của con khủng long Triceratop mà thôi.

Hay những con khủng long Hadrosauria cũng có được gu “thời trang đặc sắc” không kém gì những anh bạn Triceratop: Cái mỏ như mỏ vịt cũng như một khúc gù bằng xương rỗng trên đầu.

'Khủng long khủng khỉnh' có hình ảnh minh họa bìa rất ấn tượng. Ảnh: Tấn Quyết

'Khủng long khủng khỉnh' có hình ảnh minh họa bìa rất ấn tượng. Ảnh: Tấn Quyết

Một số người sẽ đặt câu hỏi: “Khủng long thống trị thế giới như vậy, chắc là lúc nào cũng khỏe mạnh chứ nhỉ?”. Không! Nhờ tác phẩm “Khủng long khủng khỉnh”, giờ đây độc giả có thể biết khủng long mắc một số bệnh như viêm khớp, ung bướu, hay những căn bệnh về nhiễm trùng. Hay sẽ chẳng có loài vật nào có được khả năng tiêu hóa độc đáo như những con khủng long

Sauropod: Những anh chàng có chiếc cổ dài hơn cả hươu cao cổ này tiêu hóa nhờ… những viên sỏi trong dạ dày! Quả thực, khủng long thú vị hơn rất nhiều so với vẻ bề ngoài thô kệch của chúng!

Dám nghĩ, dám làm

Bên cạnh những kiến thức đầy thú vị nhưng cũng vẫn có phần kì dị về anh chàng khủng long to xác, tác giả Martin Oliver còn muốn truyền tới độc giả nguồn cảm hứng về ý chí, tinh thần “dám nghĩ, dám làm”.

Sẽ chẳng thể nào có được sự thành công cũng như những bước đột phá nếu không có ai dám nghĩ theo những hướng khác biệt. Và những ý tưởng tuyệt vời ấy cũng sẽ không bao giờ đi tới thành công nếu không được đưa vào thực hiện. Chỉ những người quyết tâm nêu ra ý tưởng và thực hiện theo nó mới có thể khám phá những điều mới lạ.

Những thông tin thú vị liên quan tới khủng long được thể hiện trong cuốn sách 'Khủng long khủng khỉnh'. Ảnh: Tấn Quyết

Những thông tin thú vị liên quan tới khủng long được thể hiện trong cuốn sách 'Khủng long khủng khỉnh'. Ảnh: Tấn Quyết

Liệu, chẳng cần phải đào tạo bài bản, ai cũng đều có thể trở thành nhà cổ sinh vật học hay thợ săn xương - chỉ cần người đó có sự can đảm dám thực hiện kế hoạch và một chút may mắn?

Với “Khủng long khủng khỉnh”, “hầu như một nửa tất cả các mảng khủng long hóa thạch tại Nhật Bản được khai quật bởi các sinh viên”, “Seismosaurus được phát hiện bởi một người đi dạo chơi” hay thậm chí những nhà cổ sinh vật học tại Neuseeland đã bị làm cho lu mờ bởi “hầu hết tất cả các con khủng long của đất Neuseeland đều được phát hiện bởi nhà cổ sinh vật học nghiệp dư Joah Wiffen”.

Sự thành công của những người dám nghĩ dám làm không chỉ giúp cuộc sống của họ tốt đẹp hơn, mà đôi khi còn giúp mọi người xung quanh, thậm chí cả thế giới tiến lên về phía trước thêm một bước nữa.

Nếu Tiến sĩ Gideon Mantell đã vứt bỏ những cục hóa thạch đầu tiên của khủng long vì chúng quá quái dị so với những gì được biết đến, thì bây giờ trong tiềm thức của mỗi người sẽ chẳng tồn tại từ “khủng long”.

Và đã có biết bao người đã sẵn sàng đi trong sa mạc bỏng cháy, như Henry Osborn hay Roy Chapman Andrews, hoặc sẵn sàng tìm kiếm tại nơi điên khùng như tổ kiến - giống John Bell Hatcher đã giúp nhân loại vẽ thêm một nét cọ về bức tranh thời sơ khai của Trái đất, qua đó có thể giải đáp thêm nhiều điều bí ẩn khác.

Với “Khủng long khủng khỉnh”, tác giả Martin Oliver giúp độc giả có thể xua tan sự căng thẳng sau một ngày dài làm việc mệt nhọc bằng những hình vẽ sinh động cùng những thông tin thú vị và hài hước.

Không chỉ dừng ở đó, cuốn sách này cũng sẽ là một điểm khởi đầu lí tưởng cho những ai đam mê môn cổ sinh vật học vì nó không chỉ đem lại những kiến thức ban đầu về khủng long, mà còn truyền tới họ động lực, tinh thần “dám nghĩ, dám làm”, dũng cảm dấn thân vào “vùng đất lạ” để có thể đạt được tới thành công.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ