Trong bài báo đăng trên tạp chí Diversity, nhóm nghiên cứu đã mô tả nơi tìm thấy, đặc điểm và tình trạng của hóa thạch.
Hóa thạch được phát hiện tại một địa điểm khai quật ở Phu Noi, miền Bắc Thái Lan. Khu vực địa chất được gọi là Hệ tầng Phu Kradung. Địa điểm khai quật này là khu vực được phát hiện có một số lượng lớn hóa thạch trong những năm qua.
Trong nỗ lực mới này, nhóm nghiên cứu đã tập trung vào một hóa thạch nằm trong đá ở tình trạng tốt. Hóa thạch thuộc về một loài khủng long trước đây chưa được biết đến, hiện được đặt tên là Minimocursor phunoiensis.
Nhóm nghiên cứu mô tả hóa thạch này là một “bộ xương khớp nối đặc biệt”. Các nhà khoa học cho rằng, đây là một trong những loài khủng long được bảo quản tốt nhất từng được phát hiện ở Đông Nam Á. Họ phát hiện ra nó thuộc nhánh neornithischian, là loài khủng long ăn thực vật.
Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng, hóa thạch là một con khủng long chưa trưởng thành. Con vật này có bốn chi, nhưng đi bằng hai chân. Nó cũng có thân và đuôi dài, mõm giống mỏ với cục xương trên hàm.
Con vật này cũng có một sườn dọc theo xương chậu. Theo các nhà khoa học, hóa thạch này có niên đại khoảng từ 145 đến 163 triệu năm trước. Nhóm nghiên cứu ước tính rằng, khi trưởng thành hoàn toàn, con khủng long này sẽ dài khoảng 2 mét.
Nhìn chung, các đặc điểm vật lý của nó cho thấy, loài khủng long này ăn thực vật và có thể chạy khá nhanh để tránh bị kẻ săn mồi truy đuổi. Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng, các hóa thạch khác của cùng loại khủng long đã được tìm thấy trong khu vực tương tự. Điều đó cho thấy rằng, loài khủng long này từng rất phổ biến.
Các nhà khoa học kết luận và lưu ý, nghiên cứu về hóa thạch vẫn đang được tiến hành. Trong khi đó, một số xương của loài vật này vẫn cần xử lý, bao gồm cả hộp sọ của nó. Sau khi hoàn thành, nhóm nghiên cứu sẽ biết thêm nhiều điều nữa về Minimocursor phunoiensis và vị trí của nó trong số những loài khủng long khác cùng thời.