Chăm lo cho thế hệ trẻ
Theo Đại đức Thích Minh Đăng - Trụ trì chùa Hoa Nghiêm (huyện Cư M’gar), thực hiện Chỉ thị 11, năm 2007 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập”, Ban Khuyến học được thành lập, giúp nhà chùa thực hiện nhiệm vụ khuyến học, khuyến tài.
“Cùng với việc vận động các phật tử và gia đình tích cực, tự giác học tập để trở thành công dân học tập và gia đình học tập ở địa phương nơi cư trú. Từ năm 2008, đã thành lập tổ chức khuyến học giúp nhà chùa đồng hành cùng ngành Giáo dục, hỗ trợ cho hàng nghìn học sinh có hoàn cảnh khó khăn cả vật chất, tinh thần. Tính riêng từ 2019 đến nay, đã quyên góp khoảng 20 tỷ đồng giúp học sinh, người dân vượt qua đau thương, mất mát sau đại dịch Covid-19”, Đại đức Thích Minh Đăng nói.
Một trong những hoạt động ý nghĩa của chùa Hoa Nghiêm là xây dựng quỹ “Tiếp bước em đến trường”.
Theo thống kê từ Dự án Tiếp sức đường dài của Huyện đoàn Cư M’gar, 3 năm qua quỹ này đã giúp 310 học sinh mồ côi, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tiếp tục đến trường học chữ. Trong đó, cấp trực tiếp học bổng cho học sinh 300.000 - 500.000 đồng/1 tháng/1 em/12 tháng với tổng số tiền 100 triệu đồng/1 tháng. Hiện nay đã triển khai tại các huyện: Cư M’gar, Ea H'leo, Buôn Đôn và thị xã Buôn Hồ.
Theo Ông Trần Văn Niệm - Chủ tịch Hội đồng Giáo xứ Vinh Hòa, xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin, Giáo xứ hiện có 10.600 giáo dân, trong đó 4.100 là người dân tộc thiểu số.
“Hội đồng Giáo xứ luôn luôn ý thức được ý nghĩa và vai trò của công tác khuyến học, khuyến tài, đặc biệt đối với các hộ nghèo, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Vì vậy, chúng tôi đã sớm thành lập Ban Khuyến học. Hàng năm, Giáo xứ tặng quà vào các đợt khai giảng, thưởng cho học sinh có thành tích trong học tập vào cuối kỳ và cuối năm học…”, ông Niệm nói.
Cũng theo ông Niệm, trong khuôn viên của Giáo xứ có 3 trường học với 1.523 học sinh. Trong đó, Trường Mầm non dân lập Trung Hòa có cơ sở vật chất tốt một phần do Giáo xứ vận động giáo dân đóng góp cùng sự hỗ trợ vốn của Nhà nước. Đến nay, trường đã đạt chuẩn quốc gia mức độ 1.
Ghi nhận sự đóng góp
Theo NGƯT Phạm Đăng Khoa – Giám đốc Sở GD&ĐT kiêm Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Đắk Lắk, với phương châm “tốt đời - đẹp đạo”, “đạo pháp đồng hành cùng dân tộc”, thời gian qua, các tổ chức tôn giáo tích cực tham gia phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Việc làm ý nghĩ này góp phần phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng nếp sống văn minh, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh.
“Từ năm 2022 đến nay, các cơ sở tôn giáo đã phối hợp với các tổ chức xã hội, nhà trường vận động trên 40,3 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 15 phòng học, 90 công trình phụ trợ. Tặng 1.007 xe đạp, 37.533 phần quà cho học sinh, cấp học bổng và hỗ trợ cho học sinh nghèo vượt khó đến trường. Vận động hơn 3,4 tỷ đồng hỗ trợ cho 2.401 gia đình khắc phục khó khăn. Nhờ những đóng góp quan trọng này, hàng nghìn học sinh có điều kiện được đến trường học tập, không bỏ học giữa chừng…”, ông Khoa thông tin.
NGƯT Phạm Đăng Khoa cũng cho biết thêm, đến nay đã có 166.765 đạo hữu, tín đồ đăng ký xây dựng công dân học tập; 72.723 gia đình đạo hữu, tín đồ đăng ký xây dựng gia đình học tập; 224 cơ sở tôn giáo đăng ký xây dựng cộng đồng tôn giáo học tập… là cơ sở để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở các địa phương.
Tuy nhiên, việc xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời còn gặp một số khó khăn như: công tác phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về khuyến học, khuyến tài chưa được triển khai kịp thời ở một số địa phương. Kết quả phát triển tổ chức khuyến học và hội viên khuyến học trong các cơ sở tôn giáo ở các địa phương, tôn giáo trong tỉnh còn có sự chênh lệch lớn. Kết quả xây dựng các mô hình học tập trong các cộng đồng tôn giáo còn thấp so với kết quả chung toàn tỉnh.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, bà H’ Yim Kđoh, thời gian tới, các tổ chức tôn giáo tiếp tục đồng hành cùng Hội Khuyến học, ngành Giáo dục nhân rộng mô hình tổ chức nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em mồ côi, lang thang cơ nhỡ, trẻ em khuyết tật, trẻ em khó khăn. Vận động đồng bào có đạo tích cực hưởng ứng phong trào thi đua xây dựng xã hội học tập, đặc biệt là các mô hình “Công dân học tập”, “Gia đình học tập”, “Cộng đồng học tập”…
Đắk Lắk hiện có 261 ban khuyến học trong các cơ sở tôn giáo. Có 713 vị chức sắc, chức việc, nhà tu hành các tôn giáo tham gia công tác hội khuyến học và 161.052 hội viên khuyến học là đạo hữu, tín đồ.