Tổ chức làm quen sớm với đọc, viết và toán cho trẻ mầm non ở vùng DTTS

GD&TĐ - Tổ chức hoạt động làm quen sớm với đọc, viết và toán cho trẻ mầm non (MN) ở vùng dân tộc thiểu số (DTTS) là xu thế tiếp cận mới.

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Qua đó nhằm hình thành ở trẻ những kiến thức, kỹ năng tiền học đường, chuẩn bị hành trang cần thiết cho trẻ vào lớp 1.

Bằng phương pháp tiếp cận hệ thống, hồi cứu hồ sơ theo dõi, đánh giá sự phát triển của trẻ; khảo sát, thu thập những thông tin thực tiễn quá trình phát triển của trẻ... để phát hiện những vấn đề trẻ MN ở vùng DTTS đang gặp phải, từ đó đề xuất các biện pháp để giáo viên tổ chức các hoạt động cho trẻ, từ khâu lập kế hoạch dựa trên đánh giá trình độ của trẻ, kết hợp sử dụng các thẻ đọc, viết và toán gợi ý, phân nhóm trẻ theo kết quả đánh giá, sử dụng song ngữ tiếng phổ thông và tiếng mẹ đẻ trong quá trình hướng dẫn, tổ chức hoạt động... đến việc xây dựng môi trường theo hướng lấy trẻ làm trung tâm sẽ góp phần giúp trẻ MN ở vùng DTTS làm quen sớm với đọc, viết và toán.

Đặt vấn đề

Biết chữ, hay quá trình trở thành người biết đọc được bắt đầu ngay từ giai đoạn đầu đời. Giai đoạn này khi đứa trẻ chưa biết đọc và viết nhưng ở chúng đang hình thành những kĩ năng và công cụ nền tảng để có thể đọc, viết, còn gọi là “giai đoạn khởi đầu” hay “tiền đọc, viết”. Tương tự, từ trước khi trẻ em học cách đếm, cộng, trừ, nhân, chia... chúng đã học rất nhiều khái niệm về số, đếm, hình dạng, kích thước... đó là một phần của toán khởi đầu hay làm quen với toán.

Như vậy, việc làm quen sớm với đọc, viết và toán tạo ra nhiều thay đổi ở từng cá nhân trẻ nếu tăng cường kĩ năng chăm sóc, giáo dục trẻ của giáo viên mầm non (GVMN) và cha mẹ, tận dụng các cơ hội tự nhiên, vật liệu sẵn có trong sinh hoạt hàng ngày sẽ giúp trẻ hình thành sớm các kĩ năng này trong các “giai đoạn vàng” của phát triển nhận thức (2 tuổi) và phát triển ngôn ngữ (3 tuổi).

Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu được tiến hành hệ thống, toàn diện với sự tham gia của các đối tượng liên quan đến việc làm quen sớm với đọc, viết và toán ở trẻ MN vùng DTTS tỉnh Lào Cai. Đồng thời, phân tích, đánh giá đầy đủ, bản chất của quá trình hình thành sớm hay làm quen sớm kĩ năng đọc, viết và toán ở trẻ MN qua việc hồi cứu từ các hồ sơ theo dõi, đánh giá sự phát triển của trẻ để phục vụ nghiên cứu. Đặc biệt, tập trung khảo sát, thu thập các thông tin về công tác hỗ trợ, bồi dưỡng giáo viên, người chăm sóc trẻ trong tổ chức các hoạt động giáo dục trẻ MN để đề xuất giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động làm quen sớm với đọc, viết và toán và công tác chăm sóc, giáo dục trẻ MN trên địa bàn tỉnh.

Nội dung và kết quả nghiên cứu

- Một số khái niệm liên quan

+ Làm quen với đọc viết cho trẻ MN bao gồm: Việc hiểu và biết sử dụng các ký hiệu ngôn ngữ (ký tự) trong đời sống; biểu hiện thái độ tích cực với việc đọc viết; hiểu được mục đích sử dụng chữ viết của con người; biểu hiện của các hành vi ban đầu của người đọc và viết; đọc viết ban đầu.[6]

+ Làm quen với toán: Hình thành biểu tượng toán sơ đẳng cho trẻ MN có liên quan chặt chẽ với toán học. Bản chất chính là hình thành những biểu tượng về tập hợp - số lượng, biểu tượng về hình dạng, kích thước, định hướng không gian và thời gian. [4]

+ Phương pháp dạy học: Là những cách thức làm việc của GV với trẻ em nhằm giúp trẻ tiếp thu những tri thức, kỹ năng, thói quen mới, hình thành thế giới quan và phát triển năng lực.

+ Biện pháp: Là một bộ phận của phương pháp, “Biện pháp là cách làm cụ thể, cách giải quyết một vấn đề cụ thể hay hướng tới giải quyết được các nhiệm vụ khác nhau như một phương pháp”.

- Biện pháp tổ chức hoạt động làm quen sớm với đọc, viết và toán cho trẻ MN ở vùng DTTS.

Trong phạm vi đề tài này, chúng tôi xác định: Sáu biện pháp tổ chức hoạt động làm quen sớm với đọc, viết và toán cho trẻ MN ở vùng DTTS, như sau:

+ Biện pháp 1: Lập kế hoạch cho nội dung làm quen sớm với đọc, viết và toán phù hợp với trình độ nhận thức của từng đối tượng trẻ MN ở vùng DTTS.

Căn cứ mục tiêu, nội dung, kết quả mong đợi Chương trình GDMN [1] và kế hoạch giáo dục (KHGD) của trường, lớp dựa trên khả năng, nhu cầu của trẻ, điều kiện cơ sở vật chất, nguồn lực khác, biên chế thời gian... để xác định nội dung giáo dục phát triển kĩ năng đọc, viết và toán trong KHGD.

Nội dung giáo dục phát triển các kĩ năng đọc, viết và toán được thể hiện từ KHGD năm học đến KHGD chủ đề đến KHGD một bài học hoặc một hoạt động. Nội dung chủ yếu được thực hiện theo hướng tích hợp thông qua các hoạt động. Riêng với trẻ DTTS mới ra lớp, trước đó thường sử dụng tiếng mẹ đẻ nên cần tăng cường thời lượng được làm quen với tiếng Việt. Vì thế, trong KHGD cần đảm bảo cả 2 mục tiêu: Phát triển về kĩ năng đọc, viết hoặc kĩ năng toán học đồng thời với phát triển ngôn ngữ (tiếng Việt) hoặc phát triển lĩnh vực khác.

+ Biện pháp 2: Kết hợp sử dụng các thẻ làm quen với đọc, viết (EL) và làm quen với toán (EM) khi tổ chức các hoạt động cho trẻ.

Lập kế hoạch sử dụng các thẻ EL hoặc EM (gợi ý) vào quá trình tổ chức các hoạt động nhằm hình thành, phát triển các kĩ năng đọc, viết và toán cho trẻ. VD: Thẻ EM11 “Nhớ dãy số” ngay sau hoạt động học “Chia một nhóm đối tượng thành 2 phần bằng nhiều cách khác nhau”.

Lựa chọn các thẻ EL hoặc EM có tích hợp nội dung phát triển các kĩ năng đọc, viết và toán đồng thời với phát triển các lĩnh vực giáo dục khác như phát triển thể chất, phát triển ngôn ngữ. VD: Thẻ EM23 “Chị Gió nói” giúp trẻ có được biểu tượng về định hướng trong không gian và phát triển ngôn ngữ tương ứng với các từ chỉ bộ phận cơ thể.

Khi tổ chức các thẻ EL/EM trên tiết học và mọi lúc, mọi nơi, giáo viên cần sử dụng kết hợp phương pháp dùng lời nói với trực quan để hướng dẫn trẻ chơi và cho tất cả trẻ được luyện tập, nhận biết biểu tượng. VD: Thẻ EL1 “Tả đúng đoán tài” trẻ phải lắng nghe mô tả của cô hoặc các bạn để đoán đúng tên gọi đồ vật.

Giải thích luật chơi rõ ràng cho trẻ trước khi tiến hành chơi. VD thẻ EL19 “Những chú Ếch tinh nhanh” sẽ lần lượt nhảy bật vào các ô có chữ cái/ chữ số/ hình và “đọc” tên chữ cái/ chữ số/ hình đó, rồi mới nhảy đến ô tiếp theo.

Quá trình chơi, giáo viên cần cùng chơi với trẻ, giúp trẻ xác định nhiệm vụ chơi như: Phát âm đúng, nói rõ từ, đếm, xác định số lượng, so sánh số lượng của các vật…

Kiểm tra kết quả chơi qua việc trẻ hoàn thành một nhiệm vụ nhận thức khi chơi; mức độ hình thành, phát triển kĩ năng đọc, viết và toán; qua sản phẩm chơi để lại (các đồ vật, tranh ảnh, mô hình sơ đồ...).

Trẻ vùng cao. Ảnh minh họa/ Internet

Trẻ vùng cao. Ảnh minh họa/ Internet

+ Biện pháp 3: Phân nhóm trẻ linh hoạt để tổ chức đa dạng các hình thức hoạt động làm quen sớm với đọc, viết và toán.

Với các nhóm trẻ có cùng trình độ nhận thức về đọc, viết và toán hoặc tương đương về khả năng tiếp nhận và sử dụng tiếng Việt thì tổ chức hoạt động theo nhóm để giúp trẻ được trao đổi, thảo luận những ý kiến, suy nghĩ, giúp đỡ, hỗ trợ nhau hoàn thành nhiệm vụ.VD: Khi tổ chức thẻ EL18 “Làm sách chữ cái” sẽ cho mỗi trẻ dùng giấy, dụng cụ vẽ, thẻ tên, băng dính… làm một trang sách và cả nhóm cùng nhau tạo thành cuốn sách theo chủ đề.

Với các nhóm trẻ hỗn hợp như: Nhóm những trẻ dân tộc khác nhau có khả năng nghe, hiểu, nói tiếng Việt khác nhau, nhóm trẻ có khả năng nhận thức về đọc, viết hoặc toán khác nhau thì giáo viên chỉ nên chia 2 - 3 trẻ/1 nhóm và giao nhiệm vụ cụ thể cho từng trẻ. VD: Trẻ nhận thức nhanh sẽ giao nhiệm vụ phân loại các nhóm vật, trẻ nhận thức yếu hơn sẽ đếm, kiểm tra kết quả. Trẻ có khả năng sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt tốt sẽ trình bày các kết quả chia nhóm/thêm/bớt của cả đội hoặc giải thích yêu cầu của giáo viên bằng tiếng dân tộc cho các bạn có khả năng nghe, hiểu tiếng Việt yếu để bạn hiểu yêu cầu của nhiệm vụ.

Ngoài ra, giáo viên giao nhiệm vụ cho trẻ nhận thức nhanh giúp đỡ trẻ nhận thức chậm, nhút nhát. Những trẻ nhận thức chậm, nghe, hiểu tiếng Việt kém giáo viên nên giao nhiệm vụ đơn giản bằng các câu lệnh ngắn, dễ hiểu, đồng thời có thể kết hợp lời nói với làm mẫu cho trẻ hiểu và thực hiện được yêu cầu. VD: Chia số quả Me thành 2 hàng ngang (1 hàng phía trái, 1 hàng phía phải), hãy đếm số quả của mỗi hàng, tìm thẻ số chỉ số lượng quả Me ở mỗi hàng.

Tuy nhiên, cần có sự phối hợp giữa hoạt động cá nhân và hoạt động tập thể nhằm kích thích tính tích cực cá nhân, kết hợp được sức mạnh của tập thể để giải quyết vấn đề đặt ra. VD: Mỗi đội cùng chơi thẻ EL19 “Những chú Ếch tinh nhanh”. Khi có hiệu lệnh trẻ ở các đội sẽ lần lượt bật/nhảy vào ô có chữ/ số/ hình ảnh và “đọc” đúng tên chữ/ số/ hình ảnh thì mới nhảy/bật đến các ô tiếp theo. Đội nào nhiều trẻ “đọc” đúng và hết lượt trước sẽ thắng cuộc.

+ Biện pháp 4: Kết hợp sử dụng lời nói tiếng Việt với tiếng dân tộc của trẻ để hướng dẫn hoạt động.

Nhằm phát triển ngôn ngữ cho trẻ trong quá trình tổ chức hoạt động phát triển kĩ năng đọc, viết và toán cho trẻ từ 2 - 3 tuổi đến 5 - 6 tuổi ở vùng DTTS, giáo viên tiến hành tổ chức các hoạt động nhận thức tương ứng việc phát triển ngôn ngữ tiếng Việt và kết hợp sử dụng tiếng dân tộc với tiếng Việt để giải thích, hướng dẫn giúp trẻ hiểu câu lệnh và nhiệm vụ giáo viên yêu cầu. Cụ thể:

Luyện cho trẻ nghe đúng âm thanh ngôn ngữ, phát âm đúng theo chuẩn mực âm thanh tiếng Việt, sửa các lỗi phát âm cho trẻ. VD: Năm và năng, mười với mời... Cung cấp, bổ sung thêm số lượng từ tiếng Việt trong vốn từ hàng ngày của trẻ. VD: Dùng các từ: Nhiều hơn, ít hơn; thêm vào, bớt đi, chia nhóm đối tượng thành 2 phần, số lượng bằng nhau, số lượng không bằng nhau… để nói, để trả lời đủ câu, có nghĩa.

Giáo viên dạy trẻ nói tiếp ý cho câu bỏ dở hoặc sử dụng từ với các mẫu câu khác nhau khi trẻ đã có vốn từ mới bằng cách giáo viên nói lặp lại nhiều lần, sau đó cho trẻ nhắc lại. VD: Từ nhiều hơn được sử dụng với nhiều mẫu câu đơn, câu ghép khác nhau “số thìa nhiều hơn số đĩa 1 cái”, “nhóm thìa có số lượng nhiều hơn nhóm đĩa”…

Nâng cao khả năng hiểu nghĩa của từ; dạy trẻ dùng từ chính xác, phát triển vốn từ đồng nghĩa, trái nghĩa, nhiều nghĩa. VD: Cùng là từ “năm” nhưng diễn đạt trong ngữ cảnh khác nhau có ý nghĩa khác nhau (từ chỉ số lượng 5, từ chỉ chữ số 5, từ chỉ số thứ tự 5, từ để chỉ niên lịch).

Cho trẻ sử dụng vốn từ đã có để diễn đạt những điều mình nhận biết về đối tượng trong hoạt động giao tiếp và nói đúng các mẫu câu theo cấu trúc câu tiếng Việt. VD: Câu đơn “nhóm hoa có tất cả 5 bông”, giáo viên sửa các câu nói của trẻ sai về trật tự từ như: “Tất cả hoa có 5 bông” diễn đạt lại là “có tất cả là 5 bông hoa”…

Ảnh minh họa/ Internet

Ảnh minh họa/ Internet

Chú ý đến từng trẻ trong quá trình tổ chức hoạt động.

Phát triển lời nói mạch lạc cho trẻ trong các hoạt động học, chơi ở cả hai dạng: Đối thoại (nghe hỏi - trả lời) và độc thoại (tự giới thiệu theo chủ đề). VD: Yêu cầu trẻ chia nhóm vật thành 2 phần theo ý thích của trẻ và đặt câu hỏi cho cô và các bạn đoán xem trẻ đã chia như thế nào?

Chuẩn bị cho trẻ khả năng tiền đọc, viết như: Cho trẻ làm quen với hệ thống từ số bằng tiếng Việt từ 1 đến 10 và làm quen với một số hành vi đọc, viết (ngồi, cầm bút, tô hình ảnh, tô chữ số, nối hình ảnh với số lượng đúng, giở sách vở, “đọc” đúng chiều), khai thác và hướng dẫn trẻ thực hiện các vở bé làm quen với toán, chữ viết dành cho trẻ mỗi độ tuổi.

+ Biện pháp 5: Xây dựng và tổ chức môi trường hoạt động theo hướng lấy trẻ làm trung tâm.

Tạo dựng thành khu vực riêng biệt (các góc hoạt động khác nhau) trong lớp để trẻ có thể tự làm việc một mình hay nhóm và các góc hoạt động phải phù hợp với mục tiêu và yêu cầu giáo dục từng chủ đề. VD: Chủ đề “trường tiểu học” nội dung cho trẻ làm quen với toán đã thực hiện đến số lượng 10... thì đồ dùng được sắp xếp phải có số lượng tương ứng, phải có mối liên quan đến trường tiểu học là sách, bút, bảng, cặp sách...

Thay đổi, sắp xếp vị trí các góc hoạt động hợp lí, thuận tiện cho trẻ hoạt động cá nhân hoặc nhóm, có ranh giới để trẻ vận động đảm bảo an toàn, bổ sung đồ dùng, đồ chơi thường xuyên tạo cảm giác mới lạ, kích thích hứng thú, sử dụng được trong nhiều hoạt động, phù hợp với mức phát triển nhận thức của trẻ, phù hợp với điều kiện địa phương. VD: Sử dụng các quả Mận, Mơ, Đào, Chuối, Ổi để học LQVT như: So sánh, thêm, bớt, nhận biết số lượng... các loại quả đó hoặc để tìm hiểu đặc điểm, công dụng của các loại quả.

Giáo viên tổ chức cho trẻ hoạt động trong các góc để giúp trẻ được chơi tích cực, chơi sáng tạo, nghĩ ra nhiều cách chơi như: Giới thiệu các góc; quản lí tốt quá trình trẻ chơi... Ngoài ra, giáo viên cần tổ chức cho trẻ hoạt động ở môi trường ngoài lớp để giúp trẻ phát triển các giác quan, phát triển nhận thức về toán học đồng thời với phát triển ngôn ngữ. VD: Giờ hoạt động ngoài trời, GV cho trẻ quan sát đối tượng, tổ chức các hoạt động phát triển vận động, phát triển các kĩ năng đọc, viết và toán qua các thẻ EL hoặc EM “Đi theo nhịp điệu”, “ Chị Gió nói”, “Trộn lẫn”...

+ Biện pháp 6: Tăng cường sử dụng các VLTN vào quá trình tổ chức hoạt động làm quen sớm với đọc, viết và toán cho trẻ MN ở vùng DTTS

Để sử dụng các VLTN vào quá trình tổ chức hoạt động làm quen sớm với đọc, viết và toán cho trẻ MN ở vùng DTTS có hiệu quả cần:

Thứ nhất: Làm sạch, đẹp, xử lí an toàn các VLTN để sử dụng được lâu dài, sử dụng cho nhiều hoạt động khác nhau.

Thứ hai: Lập kế hoạch sử dụng VLTN vào quá trình tổ chức các hoạt động phát triển kĩ năng đọc, viết và toán cho trẻ. VD: Hoạt động học: Đếm, thêm - bớt tạo sự bằng nhau trong phạm vi 9, nhận biết chữ số 9 và đếm theo khả năng; hoạt động ngoài trời: Nhặt và đếm lá vàng; xếp xen kẽ những viên sỏi khác màu...; hoạt động góc: Góc học tập (xếp số 9 bằng những hạt Ngô), góc nghệ thuật (in đủ hình 9 cái lá, nhuộm màu các viên sỏi)...

Thứ ba: Sử dụng VLTN vào các quá trình giáo dục khác nhau để nhận biết và đánh giá hiệu quả hình thành, phát triển kĩ năng đọc, viết và toán của trẻ. VD: Dùng các nhóm hột, hạt (Me, Gấc, Đỏ, Trẩu, Dẻ, Đậu ván) để đếm, thêm, bớt so sánh số lượng…

Kết luận

Biện pháp tổ chức hoạt động làm quen sớm với đọc, viết và toán cho trẻ MN ở vùng DTTS được vận dụng linh hoạt và phối hợp chặt chẽ với nhau, góp phần quan trọng đảm bảo cho sự thành công của quá trình giáo dục tiếp theo cho trẻ ở độ tuổi lớn và cấp học cao hơn. Trong quá trình đổi mới chương trình GDMN, chúng tôi đề xuất giáo viên tiếp tục kế thừa, chọn lọc các phương pháp “cho trẻ làm quen với chữ cái/ chữ viết”; “làm quen với sách”, “hình thành biểu tượng toán sơ đẳng”, “làm quen với toán” kết hợp sử dụng sáu biện pháp trên để tổ chức các hoạt động cho trẻ từ 2 - 3 tuổi đến 5 - 6 tuổi ở vùng DTTS để nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục nói chung, hoạt động làm quen sớm với đọc, viết và toán nói riêng.

Tài liệu tham khảo

[1] Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chương trình giáo dục mầm non (Ban hành kèm theo Thông tư số 17/2009/TT-BGDĐT ngày 25/7/2009 và Thông tư số 28/2016/TT-BGDĐT ngày 30/12/2016), NXB Giáo dục Việt Nam.

[2] Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (2019), Bộ công cụ hỗ trợ trẻ mầm non làm quen với đọc, viết và toán (cuốn số 1: Giới thiệu tổng quan; cuốn số 4: Thẻ hoạt động cho giáo viên), NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.

[3] Hoàng Thị Dinh và nhóm tác giả (2017), Hướng dẫn thực hành áp dụng quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm trong trường mầm non, NXB Giáo dục Việt Nam, Hà Nội.

[4] Đỗ Thị Minh Liên, Lý luận và Phương pháp hình thành biểu tượng toán sơ đẳng cho trẻ mầm non. NXB Đại học Sư phạm, năm 2017.

[5] Hoàng Thị Oanh - Phạm Thị Việt - Nguyễn Kim Đức, Phương pháp phát triển ngôn ngữ cho trẻ dưới 6 tuổi, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trường Cao đẳng Sư phạm Nhà trẻ - Mẫu giáo TW1, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội.

[6] Trần Thị Nga, Làm quen với đọc viết và hoạt động giáo dục giúp trẻ mầm non phát triển hứng thú đọc viết, Tạp chí Giáo dục Mầm non. Số 2/2010.

[7] Trần Thị Ngọc Trâm - Bùi Thị Kim Tuyến (đồng chủ biên) Hướng dẫn chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ mẫu giáo vùng dân tộc thiểu số trong thực hiện Chương trình giáo dục mầm non, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam - 2011.

[8] Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chương trình Nghiên cứu thực hành Giáo dục song ngữ dựa trên tiếng mẹ đẻ cho trẻ mẫu giáo 5 tuổi - Chương trình Hmông (Tài liệu truyền thông, được biên soạn trong khuôn khổ Dự án Giáo dục tiểu học Bạn hữu trẻ em hợp tác giữa Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) với Bộ Giáo dục và Đào tạo), Hà Nội - 2008.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ