Địa phương chủ động hơn
Trước một số ý kiến lo ngại dễ nảy sinh tiêu cực khi tới đây Kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ giao cho địa phương chủ trì, ông Nguyễn Thanh Giang - Giám đốc Sở GD&ĐT Bà Rịa - Vũng Tàu khẳng định, đó là những lo lắng không có cơ sở. Bởi thực chất khi Kỳ thi tốt nghiệp THPT còn diễn ra thì vai trò của các tỉnh, thành vẫn là chủ đạo và nòng cốt bên cạnh sự hỗ trợ, giám sát thêm từ lực lượng các trường ĐH, CĐ.
Bên cạnh đó, dù kỳ thi năm nay tổ chức chỉ để xét tốt nghiệp cho HS lớp 12 nhưng Bộ GD&ĐT vẫn tổ chức lực lượng thanh tra giám sát, lực lượng thanh tra của Sở GD&ĐT. Đặc biệt, thanh tra của tỉnh sẽ giám sát tất cả các khâu của kỳ thi, nhất là in sao, vận chuyển, bảo mật đề, công tác coi và chấm thi. Nên về mặt tổ chức kỳ thi, có thể nói là chặt hơn.
“Điều quan trọng nhất là kỳ thi đã giảm được áp lực nhiều. Các địa phương chủ động hơn trong mọi phương án, kế hoạch tổ chức, bảo đảm an toàn, giám sát kỳ thi. Đặc biệt là việc giao kỳ thi về cho địa phương là phù hợp với Luật Giáo dục sửa đổi, giảm chi phí cho các trường ĐH khi phải sắm “hai vai” vừa coi thi và tuyển sinh”, ông Nguyễn Thanh Giang.
Thừa nhận có chút bối rối trong kế hoạch học tập và ôn thi cho HS nhưng thầy Phạm Văn Cường - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Tây Thạnh, quận Tân Phú, TPHCM cho rằng, đó là điều cần làm trong bối cảnh mới, nhất là việc bắt nhịp với Luật Giáo dục sửa đổi, cũng như sớm tiếp cận với Chương trình giáo dục phổ thông mới mà ngành Giáo dục đã và đang triển khai. Việc thay đổi lớn của kỳ thi năm nay gián tiếp giảm áp lực khá nhiều cho HS khi phương thức tổ chức thi nhẹ nhàng và linh hoạt hơn.
“Chúng tôi rất mừng khi sớm có hướng dẫn từ Bộ GD&ĐT để triển khai công tác học và ôn tập cho HS. Học tập là cả một quá trình, việc tổ chức kỳ thi để sát hạch và kiểm tra hệ thống kiến thức của HS là cần thiết” - ông Cường nói.
Ông Phan Đoàn Thái - Giám đốc Sở GD&ĐT Bình Thuận cũng có chung nhận định việc Kỳ thi THPT quốc gia dừng lại và thay bằng Kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ giảm tải, mang lại sự chủ động mọi mặt cho địa phương. Ông Phan Đoàn Thái cho biết, ngay khi Thủ tướng quyết định chốt phương án thi, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở GD&ĐT lên kế hoạch chuẩn bị thật tốt công tác dạy và học, ôn tập và tổ chức thi cho HS.
“Trách nhiệm của địa phương với Bộ GD&ĐT sẽ lớn hơn. Đó là trách nhiệm bảo đảm kỳ thi an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế, phản ánh một cách trung thực nhất chất lượng dạy và học của địa phương. Trách nhiệm này không có gì lạ bởi chúng tôi vẫn luôn thực hiện hàng năm. Năm nay thời gian thi chỉ 1,5 ngày chắc chắn khối lượng công việc cũng giảm đi, áp lực kỳ thi cũng vì thế giảm đi nhiều”- ông Thái nói.
Tiến trình tự chủ đại học
Những lo lắng và quan ngại đến từ các trường ĐH khi kỳ thi “2 trong 1” dừng lại nhanh chóng bị gạt bỏ, khi điểm thi tốt nghiệp THPT (3 môn chính và 2 tổ hợp khối) vẫn có thể giúp các trường tạo ra nhiều tổ hợp xét tuyển. Thực tế tới thời điểm này, dù các trường ĐH có thay đổi tỉ lệ chỉ tiêu xét và phương thức xét tuyển, nhưng phương án dùng điểm thi tốt nghiệp THPT để xét vẫn được rất nhiều trường sử dụng.
TS Trần Đình Lý - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TPHCM đánh giá, những thay đổi của kỳ thi năm nay hợp lý trong bối cảnh mới, tình hình dịch bệnh như hiện nay, đặc biệt là yêu cầu và lộ trình các trường ĐH phải tự chủ toàn diện đã “chín muồi” khi Luật GDĐH sửa đổi đã đi vào cuộc sống.
“Thực tế, trong hai ba năm trở lại đây, công tác tuyển sinh của các trường ĐH đã đi theo hướng tự chủ bằng đề án tuyển sinh riêng của từng trường. Các trường ĐH, nhất là các trường thí điểm cơ chế tự chủ tài chính cũng đã có sự chuẩn bị kỹ càng theo lộ trình mà Bộ GD&ĐT đưa ra. Vì vậy, dù kỳ thi có thay đổi thì các phương thức tuyển sinh của các trường vẫn như cũ, có chăng là thêm một phương thức là tổ chức kỳ thi riêng của mình”, TS Lý nói.
Đồng quan điểm, bà Trương Thị Kim Huệ - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Nai cũng nhìn nhận: Việc tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ trong những năm gần đây đã khác nhiều. Theo bà Huệ, có được điều đó là do Bộ GD&ĐT đã giao quyền tự chủ trong công tác tuyển sinh cho các trường từ sớm trên cơ sở bảo đảm quyền lợi cho thí sinh. Vì vậy, việc thay đổi kỳ thi năm nay thực tế không ảnh hưởng quá nhiều đến các trường.
“Năm nay, dù thay đổi kỳ thi nhưng HS vẫn có thể dùng điểm thi tốt nghiệp THPT để xét vào các trường ĐH, CĐ. Với HS có học lực khá, các em có thể chủ động đăng ký xét tuyển, dự thi vào các trường tốp đầu thông qua kỳ thi sát hạch riêng của các trường hoặc kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG TPHCM. Bên cạnh đó, HS vẫn có thể dùng kết quả học bạ THPT để xét tuyển. Hiện đây là hình thức được rất nhiều trường ĐH,CĐ tốp giữa sử dụng như là một phương án tuyển sinh chính nên sự chủ động và thuận lợi từ cả hai phía (HS và các trường ĐH, CĐ) gần như không có gì thay đổi”, bà Huệ đánh giá.
Thạc sĩ Phùng Quán - Trưởng phòng Tuyển sinh & Truyền thông Trường ĐH KHTN (ĐHQG TPHCM): Việc dừng tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia nhìn ở góc độ tuyển sinh đã gián tiếp buộc các trường ĐH, CĐ phải nhanh chóng xây dựng và đưa ra các phương án tuyển sinh riêng - tự chủ trong việc xét tuyển để làm sao chọn đúng người vào học. Cơ chế tự chủ toàn diện vì thế sẽ nhanh chóng bắt nhịp cùng với Luật GDĐH sửa đổi, tạo thế chủ động cho sự đổi thay của toàn hệ thống GDĐH.
“Nếu năm 2019 có khoảng 70% chỉ tiêu xét tuyển căn cứ vào kết quả thi THPT quốc gia, 30% còn lại là bằng các phương thức khác như tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển, đánh giá năng lực, xét tuyển theo học bạ … Năm nay phương thức thi thay đổi, các trường tất yếu cũng có sự dịch chuyển khi nhiều trường giảm nhẹ chỉ tiêu xét tuyển căn cứ vào kết quả thi tốt nghiệp THPT và tăng chỉ tiêu xét tuyển bằng các phương thức khác.
Trong hoàn cảnh hiện nay, việc phòng chống dịch Covid-19 phải được đặt lên hàng đầu. An toàn cho HS là trên hết, vì vậy việc thi tốt nghiệp hay tuyển sinh của các trường cũng dựa trên tình hình dịch bệnh mà làm cho phù hợp. Tôi đánh giá phương án thi năm 2020 là phù hợp với bối cảnh mới. Nó cũng là tiền đề, bước đệm để nhanh chóng đưa Luật Giáo dục sửa đổi “thấm” sâu vào cuộc sống”- Thạc sĩ Phùng Quán chia sẻ.