Kỳ thi THPT quốc gia: Nên và cần tổ chức nếu còn cơ hội

Kỳ thi THPT quốc gia: Nên và cần tổ chức nếu còn cơ hội

Nhiều nước vẫn cố gắng tổ chức kỳ thi quốc gia

- Qua theo dõi, ông thấy các quốc gia trên thế giới xử trí như thế nào với kỳ thi THPT trong tình hình dịch bệnh như hiện nay?

- Như chúng ta biết, châu Âu đang là tâm điểm lớn của dịch, với lượng người nhiễm bệnh rất lớn. Nhiều nước phải tạm đóng cửa trường học. Tuy nhiên cho đến nay, mới chỉ có một số ít nước quyết định không tổ chức kỳ thi tốt nghiệp quốc gia, như Anh và Pháp. Các nước khác vẫn cố gắng để có thể mở cửa lại trường học sớm và thực hiện kỳ thi quốc gia.

Ví dụ ở Đức, khi trường học phải đóng cửa vào giữa tháng 3, một vài bang tính đến việc không tổ chức kỳ thi tốt nghiệp phổ thông. Tuy nhiên, Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục các bang đã họp và quyết định toàn quốc vẫn tổ chức kỳ thi tốt nghiệp, thời điểm có thể thay đổi tùy các bang.

Ở thủ đô Berlin, mặc dù có trên 4.000 ca nhiễm, vẫn quyết định bài thi tốt nghiệp đầu tiên sẽ thực hiện vào 20/4 này, với những quy định chặt chẽ về phòng dịch. Học sinh dự thi cần bảo đảm không thuộc diện cách ly, tiếp xúc với người bệnh. Phòng thi chỉ tối đa 10 học sinh, mỗi học sinh ngồi cách 2m; Trao bài thi phải có găng tay; Phòng thi có các phương tiện diệt khuẩn... Cũng có ý kiến phản đối kỳ thi này, theo tôi được biết có hơn 500 email của học sinh gửi đến Bộ Giáo dục phản đối kỳ thi. Mặc dù vậy, theo quyết định tính đến thời điểm này, kỳ thi vẫn sẽ diễn ra vì là quy định chung của các bang.

- Vì sao họ vẫn quyết định tổ chức? Phải chăng kỳ thi này có vai trò quan trọng nên vẫn cố gắng tổ chức khi còn có thể?

- Đúng vậy! Kỳ thi quốc gia có vai trò rất quan trọng, với nhiều chức năng trong giáo dục. Có thể nói đến: Kỳ thi quốc gia có chức năng: Công nhận thành tích, công nhận học sinh đã tốt nghiệp phổ thông; Chức năng tuyển chọn: Căn cứ vào điểm thi, các trường đại học, cở sở đào tạo sau phổ thông có thể tuyển chọn học sinh;

Chức năng phản hồi: Phản hồi thông tin cho người học, phụ huynh, cơ quan quản lý giáo dục biết được trình độ, kết quả học tập của học sinh; Chức năng điều khiển: Căn cứ vào kết quả đầu ra, cơ quan quản lý giáo dục điều chỉnh chính sách giáo dục để quản lý và tiếp tục phát triển chất lượng giáo dục...

Vậy nên, kể cả trường hợp gần 100% học sinh đỗ tốt nghiệp thì vai trò quan trọng của kỳ thi tốt nghiệp không thay đổi.

Kỳ thi THPT quốc gia: Nên và cần tổ chức nếu còn cơ hội ảnh 1
TS Nguyễn Văn Cường khẳng định: Nên và cần tổ chức kỳ thi này.

Hạn chế tối đa ảnh hưởng của dịch bệnh

- Kỳ thi tốt nghiệp THPT như ông nói đúng là quan trọng, nhưng liệu có quan trọng bằng việc khống chế dịch bệnh, bảo đảm tính mạng con người?

- Việc khống chế dịch bệnh tất nhiên là số 1. Tuy nhiên, đồng thời với chống dịch, cũng cần hạn chế tối đa ảnh hưởng của dịch bệnh tới phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có giáo dục.

Việt Nam đang làm tốt công tác chống dịch. Chúng ta cũng cần làm tốt cả việc hạn chế tối đa ảnh hưởng của nó nữa. Với diễn biến hiện nay, tôi hy vọng và tin rằng Việt Nam vẫn còn cơ hội tổ chức kỳ thi quốc gia. Nếu có cơ hội, nên và cần tổ chức kỳ thi này.

- Như vậy, ông đồng tình với phương án dự kiến của Bộ GD&ĐT: Nếu học sinh trở lại trường học chậm nhất vào ngày 15/6 vẫn tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia?

- Tôi rất đồng tình và hy vọng phương án này sẽ khả thi. Nếu muộn nhất 15/6 học sinh có thể quay lại trường, việc tổ chức kỳ thi quốc gia là cần thiết!

Như đã nói, kỳ thi tốt nghiệp không chỉ là để công nhận tốt nghiệp và là cơ sở để cơ sở giáo dục đại học, chuyên nghiệp tuyển sinh, mà còn phục vụ chức năng phản hồi, điều khiển hệ thống, quản lý chất lượng của Bộ GD&ĐT và cơ sở GD.

- Nếu phải dừng tổ chức thi, sẽ có xáo trộn gì với giáo dục Việt Nam, nhất là với học sinh, theo đánh giá của ông?

- Theo tôi, nếu không tổ chức được kỳ thi có thể dẫn đến những xáo trộn không mong muốn. Các cơ sở giáo dục đại học và chuyên nghiệp sẽ phải tuyển sinh theo hồ sơ, dẫn đến câu hỏi về tính khách quan và công bằng. Nếu trường tự tổ chức kỳ thi sẽ dẫn đến tốn kém hơn cho toàn xã hội. Cả hai phương án đều dẫn đến sự căng thẳng, không yên tâm cho học sinh. Chưa kể, không loại trừ có thể có những diễn biến tiêu cực liên quan đến hồ sơ học tập của học sinh...

Ngoài ra, các địa phương cũng như Bộ GD&ĐT không nắm bắt được chất lượng giáo dục thực tế so với yêu cầu đầu ra của chương trình giáo dục.

- Nếu tổ chức thi, ông có gợi ý gì để kỳ thi hiệu quả, nhưng vẫn bảo đảm phòng chống dịch, an toàn cho học sinh và những người làm công tác thi?

- Theo tôi, để bảo đảm hiệu quả, kỳ thi vẫn phải tuân thủ nguyên tắc khách quan, công bằng, tin cậy và phân hóa. Theo đó, để bảo đảm tính khách quan, đề thi cần là đề thi chung do Bộ GD&ĐT tổ chức như chúng ta vẫn làm. Tính công bằng chỉ được thực thi khi đề thi gồm nội dung mà tất cả học sinh trên toàn quốc đã học; Không bao gồm nội dung được Bộ GD&ĐT điều chỉnh tinh giản. Bảo đảm tính tin cậy: Cần tổ chức kỳ thi an toàn, minh bạch, chống gian lận thi cử. Bên cạnh đó, dù chương trình đã tinh giản, đề thi vẫn phải bảo đảm độ phân hóa tốt để thuận tiện cho việc tuyển chọn.

Ngoài ra, cần áp dụng nghiêm ngặt những quy định y tế trong phòng chống dịch. Vì vậy, cần có sự tư vấn, tham gia của Bộ Y tế cùng với Bộ GD&ĐT trong việc tổ chức kỳ thi quan trọng này.

- Xin cảm ơn ông!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ