Tổ chức kỳ thi riêng: Xung và lực phải song hành

Tổ chức kỳ thi riêng: Xung và lực phải song hành

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì tổ chức kỳ thi, chịu trách nhiệm các khâu coi thi, chấm thi, thanh tra thi. Nội dung đề thi, độ phân hóa sẽ giảm bớt, phù hợp với chương trình tinh giản và diễn biến dạy học trong mùa dịch, phục vụ mục tiêu xét tốt nghiệp.

Phương án thi xét tốt nghiệp THPT bảo đảm việc thực hiện đúng Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực từ 1/7, đồng thời giải quyết được nỗi lo âu, thấp thỏm những ngày qua của thầy và trò cả nước về áp lực thi cử khi điều kiện dạy học mùa dịch bệnh quá khó khăn.

Tuy vậy, một bộ phận dư luận cũng tỏ ra băn khoăn khi kỳ thi không còn mục tiêu làm cơ sở tuyển sinh đại học, cao đẳng. Các trường đại học, cao đẳng sẽ tự chủ phương thức tuyển sinh, liệu có tái diễn tình trạng luyện thi? Thí sinh và xã hội có thêm căng thẳng, tốn kém?

Có nhiều cơ sở để tin rằng, chuyện nhiều trường tổ chức thi sẽ không tái diễn. Đến nay, khoảng 40% trường đại học trên cả nước đã có phương án tuyển sinh riêng. Đối với phương thức xét tuyển học bạ, việc tuyển sinh ở một số trường đã khởi động, nên gần như không bị tác động bởi việc chỉ xét tốt nghiệp qua kỳ thi. 

Tuy khoảng 60% số trường tuyển sinh dựa vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT nhưng không có nghĩa là các trường này sẽ tổ chức thi riêng. Bởi lẽ, câu chuyện vào đại học ngày nay khác xưa rất nhiều. Năm 1987, cả nước có 63 trường đại học, đến nay đã là 237 trường, học viện, trong đó có 60 trường ngoài công lập, 5 trường 100% vốn nước ngoài, quy mô lớn gấp nhiều lần. Dù chưa xếp hạng chính thức nhưng việc phân tầng đại học cũng đã diễn ra mạnh mẽ. Vào đại học với trường top dưới, không có gì khó khăn.

Kỳ thi xét tốt nghiệp chỉ tác động đến các trường top trên và giữa, nơi thu hút học sinh khá giỏi. Tuy vậy, cũng không phải tất cả trường ở hai nhóm này đều cần tổ chức thi riêng. Bởi để tổ chức một kỳ thi không chỉ cần nhân lực, kinh nghiệm mà cả tài chính, uy tín, không phải đơn vị nào cũng làm được. 

Đây cũng là lý do vì sao dù tự chủ tuyển sinh được khuyến khích nhiều năm nay nhưng số đông trường vẫn dựa vào kết quả Kỳ thi THPT quốc gia. Các trường đang điều chỉnh phương thức tuyển sinh phù hợp, nhưng theo đánh giá của các chuyên gia, phương án trường top giữa liên kết với trường top trên để lấy kết quả tuyển sinh từ kỳ thi đánh giá năng lực uy tín sẽ là xu hướng chủ đạo.

Năm 2020, ở khu vực phía Nam, kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG TPHCM hiện có khoảng 60.000 thí sinh và hơn 50 trường ĐH đăng ký tuyển sinh. Mới đây, ĐHQG Hà Nội cũng thông báo sẽ tổ chức kỳ thi để lấy kết quả làm căn cứ tuyển sinh. Trường ĐH Ngoại thương chính thức đặt vấn đề hợp tác, nhiều trường đại học khác cũng đặt vấn đề hỗ trợ. Trên nền tảng hai kỳ thi này, cùng với sự góp sức của các trường ĐH khác, hệ thống khảo thí đánh giá năng lực hiệu quả ở 2 hoặc 3 miền sẽ được xây dựng, có thể tổ chức thi quanh năm thay vì vào một mùa.

Song song với các phương thức tự chủ khác như xét học bạ, chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế hoặc dựa vào kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT… việc dùng kết quả từ kỳ thi đánh giá năng lực của đơn vị tổ chức uy tín để tuyển sinh sẽ tạo thuận lợi lớn cho thí sinh và cũng tốt cho các trường, phù hợp xu thế đổi mới đại học. Với xu thế đó, những tồn tại xưa cũ kiểu trường trường tổ chức thi, luyện thi… chắc chắn sẽ không còn đất sống. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.