Tổ chức kỳ thi riêng: Thêm cơ hội cho thí sinh

GD&TĐ - Mùa tuyển sinh năm nay ghi nhận nhiều cơ sở giáo dục đại học sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực hoặc tổ chức kỳ thi riêng để xét tuyển.

Các trường ĐH lớn tổ chức kỳ thi riêng hướng đến mục tiêu chung trong mùa tuyển sinh 2022. Ảnh minh họa
Các trường ĐH lớn tổ chức kỳ thi riêng hướng đến mục tiêu chung trong mùa tuyển sinh 2022. Ảnh minh họa

Đây là một trong những phương thức tuyển sinh, giúp thí sinh có thêm cơ hội để vào đại học. 

Kỳ thi có độ phân hóa cao

Là đơn vị đầu tiên trong năm tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực (ĐGNL) riêng, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) nhận được sự tin tưởng khá lớn của thí sinh và các trường đại học, cao đẳng. GS.TS Nguyễn Tiến Thảo - Giám đốc Trung tâm Khảo thí ĐHQGHN – cho hay: Đến thời điểm hiện tại, nếu kể cả các khoa/trường đại học của ĐHQGHN, Đại học Thái Nguyên thì sẽ có hơn 60 đơn vị đào tạo sử dụng kết quả bài thi ĐGNL học sinh THPT (HSA) để tuyển sinh.

Theo GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, một trong những điểm độc đáo, đặc sắc của các bài thi ĐGNL là câu hỏi ít, thời gian ngắn nhưng đánh giá được các nhóm năng lực chủ đạo của người dự thi. Do đó, câu hỏi tích hợp liên môn là một trong những yêu cầu bắt buộc của bài thi HSA. Ngoài ra, kỳ thi dù tổ chức ở bất kỳ nơi nào đều phải tuân thủ các quy trình nghiêm ngặt đã được chuẩn hóa. Cấu trúc đề thi, mức độ khó dễ của từng đề thi được cân bằng giữa các thí sinh, giữa các ca thi, giữa các đợt thi và giữa các địa điểm tổ chức thi. Dù thí sinh tham dự kỳ thi tại bất cứ nơi nào do ĐHQGHN tổ chức đều có giá trị như nhau.

PGS.TS Nguyễn Phong Điền – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội - cho hay: Năm 2022, nhà trường dự kiến lấy 60 - 70% tổng chỉ tiêu (tương đương khoảng 4.700 - 5.600 sinh viên) dựa trên kết quả của bài thi đánh giá tư duy. Ngoài ra, gần 20 trường đại học khác trong cả nước cũng sử dụng kết quả của bài thi này để xét tuyển với 10 - 30% tổng chỉ tiêu…

Thí sinh hãy tìm hiểu hướng dẫn đăng ký kỳ thi riêng. Ảnh minh họa: TG
Thí sinh hãy tìm hiểu hướng dẫn đăng ký kỳ thi riêng. Ảnh minh họa: TG

Ngày 23/1, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội tổ chức thi thử online lần 1 cho bài thi đánh giá tư duy trên hệ thống trực tuyến. Đây là một trong những đợt thi thử của nhà trường nhằm giúp thí sinh làm quen với cách thức thi cũng như cấu trúc của bài thi này. Bài thi thử đánh giá tư duy được thiết kế giống như cấu trúc của một bài thi thật, gồm có các phần: Toán, Đọc hiểu, Khoa học tự nhiên, Tiếng Anh.

Theo kết quả ghi nhận trên hệ thống, đã có hơn 4.000 thí sinh tham gia phần thi Toán và Đọc hiểu, hơn 3.000 thí sinh tham gia phần thi Khoa học tự nhiên (Lý - Hóa - Sinh) và gần 2.400 thí sinh tham gia phần thi Tiếng Anh. Phân tích kết quả trên hệ thống đánh giá chuyên dụng cho thấy, tổng thể bài thi đạt chất lượng tốt, có độ tin cậy cao, bao phủ được toàn bộ yêu cầu về mục tiêu đề ra, đặc biệt là có tính phân loại cao để phục vụ cho việc tuyển sinh đại học.

Là một trong những cơ sở giáo dục đại học sử dụng kết quả thi ĐGNL để xét tuyển, PGS.TS Bùi Đức Triệu – Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân (Hà Nội) ghi nhận và đánh giá cao kỳ thi này. Đây là kỳ thi có độ phân hóa tốt, bảo đảm độ tin cậy để các trường đại học xét tuyển. Đặc biệt, năm nay, ĐHQGHN mở rộng quy mô, số đợt thi cho thí sinh, nên thí sinh có điều kiện thi nhiều lần trong năm.

“Đa số các cơ sở giáo dục đại học sử dụng kết quả của bài thi HSA để tuyển sinh. Đây là tín hiệu tốt và đáng mừng vì phù hợp với xu hướng quốc tế, cũng như quyền tự chủ của các trường đại học nói chung và tự chủ tuyển sinh nói riêng” - PGS.TS Bùi Đức Triệu nhấn mạnh, đồng thời cho rằng: Kỳ thi này giống như kỳ thi SAT của Mỹ và được hai Đại học Quốc gia áp dụng.

Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1/2022 của ĐH Quốc gia Hà Nội.
Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1/2022 của ĐH Quốc gia Hà Nội.

Nên được khuyến khích

Hoan nghênh kỳ thi ĐGNL và một số kỳ thi riêng do các cơ sở giáo dục đại học tổ chức, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam – khẳng định, việc này thuận lợi cho thí sinh vì bên cạnh các phương thức xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT, học bạ THPT, thí sinh có thêm một phương thức khác để tham gia xét tuyển vào đại học. Hơn nữa, đây là một trong những phương án tuyển sinh không lệ thuộc vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT nên được khuyến khích.

“Chẳng hạn như, kỳ thi ĐGNL của hai Đại học Quốc gia có nhiều ưu điểm, trước hết là được tổ chức nhiều đợt trong năm và linh động về địa điểm thi. Với cách thức thi như vậy thì thí sinh không cần chờ đến kết thúc học kỳ II mới có thể dự thi và cơ hội tiếp cận kỳ thi là công bằng với mọi thí sinh…” - PGS.TS Trần Xuân Nhĩ viện dẫn.

Để làm tốt bài thi ĐGNL, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo lưu ý: Việc đầu tiên thí sinh phải quen với cấu trúc bài thi, dạng thức câu hỏi. Vì thế, bạn nên làm đề tham khảo trước khi đăng ký dự thi và trước 1 - 2 ngày thi. Việc làm đề tham khảo sẽ cho thí sinh thông tin về nhóm năng lực bài thi sẽ “khảo” bạn. Từ đó, thí sinh biết mình thiếu ở đâu để có kế hoạch ôn tập bổ sung. Ngoài ra, thí sinh nên có kế hoạch học tập nghiêm túc, tránh sa đà vào các nhóm luyện thi, lôi kéo sẽ mất thời gian mà kết quả không mấy khả quan.

Câu hỏi đề thi HSA yêu cầu thí sinh nắm vững kiến thức cơ bản của chương trình giáo dục phổ thông để vận dụng từ thấp đến cao, không phải câu hỏi mẹo, câu hỏi khó, đánh đố... Trước ngày thi hãy làm đề tham khảo để biết phân phối thời gian hợp lý, quen với cấu trúc các phần thi để kiểm soát tốt tiến trình làm bài. Như vậy, thí sinh sẽ đạt được mức điểm cao nhất theo năng lực của mình. “Thêm một điểm nữa, là thí sinh hãy tìm hiểu các hướng dẫn đăng ký thi, thông tin về kỳ thi tại trang chủ chính thức sẽ giúp các bạn hiểu và yên tâm hơn về kỳ thi. Một số thí sinh lan man trên các diễn đàn xã hội và tiếp nhận thông tin không chính thống sẽ thêm hoang mang trước giờ thi” - GS.TS Nguyễn Tiến Thảo lưu ý.

Theo GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, có nhiều lý do để các trường lựa chọn phương thức xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi ĐGNL; trong đó có yếu tố chất lượng bài thi được khẳng định; đồng thời tạo thêm cơ hội cho thí sinh xét tuyển vào các nhóm ngành/trường có điểm chuẩn cao. Ngoài ra, các trường tuyển chọn được thí sinh chất lượng; cách thức tuyển sinh từ kết quả bài thi ĐGNL phù hợp với thông lệ tuyển sinh quốc tế và phù hợp với tính tự chủ tuyển sinh của các cơ sở giáo dục đại học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.