Khai giảng năm học mới sẽ tổ chức đồng loạt vào ngày 5/9 trên cả nước. Thời điểm này, nhiều địa phương đã có văn bản hướng dẫn tổ chức và một số hoạt động đầu năm học. Yêu cầu chung là buổi lễ diễn ra theo hướng gọn nhẹ, phù hợp với điều kiện của nhà trường, tạo không khí vui tươi ngày đầu năm học.
Học sinh là trung tâm
Chia sẻ về chuẩn bị khai giảng năm học mới tại Trường Tiểu học thị trấn Trường Sa (huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa), trung tá Trần Quang Phú, Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa - Chủ tịch UBND thị trấn Trường Sa cho biết, luôn có sự chung tay tổ chức của cán bộ chiến sĩ, các lực lượng đóng quân trên đảo, phối hợp với UBND thị trấn và trường học…
“Các chiến sĩ trên đảo Trường Sa đã phối hợp với UBND thị trấn, nhà trường hoàn thành dọn vệ sinh trường lớp học, cảnh quan môi trường, tu sửa cơ sở vật chất, thiết bị dạy học… để sẵn sàng đón học sinh vào năm học mới. Đoàn viên thanh niên cùng học sinh tập dượt một số tiết mục văn nghệ cho khai giảng; công tác trang trí, khánh tiết cũng được tích cực chuẩn bị”, Trung tá Trần Quang Phú chia sẻ và cho biết, thông thường lễ khai giảng được tổ chức ngắn gọn, có phần quà nhỏ động viên học sinh. Sau buổi lễ, học sinh vào lớp học tham gia một số trò chơi để tạo tâm thế hứng khởi trước khi chính thức bước vào bài học đầu tiên.
Những năm học qua, Trường PTDTBT Kỳ Sơn, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An đã quan tâm đổi mới tổ chức khai giảng theo hướng để học sinh thành trung tâm của buổi lễ. Cách làm, theo chia sẻ của thầy Hiệu trưởng Đinh Tiến Hoàng là thời gian tổ chức phần “lễ” chỉ gói gọn trong 30 phút, còn lại là phần “hội” cho thầy và trò.
“Năm nay, cách thức tổ chức khai giảng vẫn được duy trì như vậy. Đồng thời, nhà trường có thêm hoạt động với chủ đề “tiếng nói của học sinh”, để các em được trực tiếp chia sẻ cảm xúc, mong muốn, mục tiêu trước thềm năm học mới”, thầy Đinh Tiến Hoàng cho hay.
Với đặc trưng của một trường nội trú vùng cao, nhà trường thường tổ chức các trò chơi dân gian như ném còn, đẩy gậy, múa nhảy sạp… và thầy, trò, đại biểu dự khai giảng cùng tham gia ngay tại sân trường. Cả sân trường tràn ngập tiếng cười, thầy và trò được gắn kết chặt chẽ. Hoạt động này không những mang lại niềm vui, sự phấn khởi, mà còn là cách gìn giữ, bảo tồn, phát huy vẻ đẹp truyền thống văn hóa của đồng bào nơi đây.
Trường Tiểu học Lê Lợi (buôn M’Hăng, xã Cư Huê, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk) đã chuẩn bị đầy đủ nhân lực, cơ sở vật chất, sẵn sàng tâm thế chào đón năm học mới. Cô H Bê La Niê, Phó Hiệu trưởng, cho biết, lễ khai giảng đã được nhà trường chuẩn bị với các hoạt động: Chào đón học sinh lớp 1, văn nghệ chào mừng, chào cờ, đọc thư chúc mừng của Chủ tịch nước, đọc diễn văn khai giảng năm học mới và đánh trống khai trường, tặng quà cho học sinh nghèo. Lễ khai giảng kéo dài dưới 60 phút, sau đó học sinh bắt đầu những bài học đầu tiên.
Với Trường Mầm non Lý Thái Tổ 2 (Cầu Giấy, Hà Nội), lễ khai giảng năm nay được tổ chức như một ngày hội của học sinh với tiết mục văn nghệ, xiếc, nghệ thuật... “Nhà trường đang thiết kế, chuẩn bị các nội dung, trang trí… Giáo viên chia sẻ để trẻ hiểu được ý nghĩa ngày khai giảng - ngày hội đến trường; giúp các con có tinh thần tốt nhất và vui vẻ khi tới trường”, cô Nguyễn Thị Thanh Thủy – Hiệu trưởng cho hay.
Ảnh minh họa ITN. |
Phần lễ ngắn gọn, phần hội tươi vui
7 giờ 30 phút ngày 5/9, toàn thể đơn vị, trường học trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đồng loạt tổ chức khai giảng và “Ngày toàn dân đưa trẻ em đến trường” năm học 2023 -2024.
Giám đốc Sở GD&ĐT Bùi Thị Kim Tuyến cho biết, sở đã có hướng dẫn về nội dung này, trong đó nêu rõ trình tự tổ chức lễ khai giảng gồm 2 phần là “lễ” và “hội”. Lễ khai giảng cần được tổ chức linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tiễn; trang trọng, an toàn, tiết kiệm; tạo được không khí vui tươi, phấn khởi và thực sự trở thành ngày hội đối với các thầy, cô giáo và học sinh, đồng thời thu hút sự quan tâm của toàn xã hội.
“Lâu nay, lễ khai giảng được tổ chức ngắn gọn nhưng trang trọng. Buổi lễ có thể biểu dương học sinh có thành tích xuất sắc trong năm học trước và tặng quà cho học sinh nghèo. Phần hội thường là các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, trò chơi dân gian… phù hợp đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi và điều kiện thực tiễn các nhà trường; tạo không khí vui tươi phấn khởi.
Cùng với hướng dẫn tổ chức khai giảng, sở GD&ĐT cũng lưu ý các nhà trường về một số hoạt động đầu năm học. Trong đó có việc đẩy nhanh tiến độ sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất trường, lớp học; bảo đảm cung cấp đủ sách giáo khoa cho học sinh; tiếp tục thực hiện tốt công tác “3 đủ”, không để học sinh vì thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu sách vở mà không đến trường học tập; không để xảy ra “lạm thu”. Các nhà trường cũng chuẩn bị để ổn định và duy trì nền nếp học tập ngay sau khai giảng. Sở GD&ĐT sẽ kiểm tra toàn diện tình hình chuẩn bị và triển khai các hoạt động trước và sau khai giảng năm học 2023 - 2024”, bà Bùi Thị Kim Tuyến cho hay.
Cũng từ 7 giờ 30 phút ngày 5/9, các trường học trên địa bàn tỉnh Bến Tre sẽ đồng loạt tổ chức khai giảng. Theo Giám đốc Sở GD&ĐT La Thị Thúy, các trường chuẩn bị chu đáo về mọi mặt cho lễ khai giảng: Trang khí khuôn viên sạch, đẹp; có khẩu hiệu chào mừng năm học và thể hiện quyết tâm thực hiện nhiệm vụ năm học mới; bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh…
Đối với cơ sở giáo dục mầm non, tổ chức khai giảng dưới hình thức “Ngày hội đến trường của bé” một cách linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của trẻ và tình hình thực tế đơn vị. Trong khuôn khổ khai giảng, có thể phát động phong trào thi đua, hưởng ứng thi đua, cam kết thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học trong giáo viên và học sinh. Các trường ổn định nền nếp học tập ngay từ tiết học đầu tiên của năm học mới.
“Trẻ được chào đón trong không khí rộn ràng, nồng nhiệt của các ‘nhân vật hoạt hình’ từ ngay cổng trường. Sân trường, lớp và các sảnh được trang trí rực rỡ. Khai giảng sẽ không có phát biểu, nghi lễ dài dòng mà được tổ chức như một chương trình nghệ thuật ngắn…”, cô Nguyễn Thị Thanh Thủy cho biết.