Tổ chức chung kỳ thi đánh giá năng lực độc lập: Hướng mở cho trường sư phạm

GD&TĐ - Nhiều chuyên gia gợi mở, các trường sư phạm có thể kết hợp để tổ chức chung một kỳ thi đánh giá năng lực độc lập.

Thí sinh tham dự Kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt Trường ĐH Sư phạm TPHCM. Ảnh: ITN
Thí sinh tham dự Kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt Trường ĐH Sư phạm TPHCM. Ảnh: ITN

Phương thức này nên triển khai từ năm 2025 trở đi, khi có thí sinh bắt đầu tốt nghiệp Chương trình GDPT 2018.

Hiệu ứng tích cực

Năm 2023, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tổ chức thành công Kỳ thi đánh giá năng lực để tuyển sinh đầu vào hệ chính quy. TS Trần Bá Trình - Trưởng phòng Đào tạo cho hay, có 4.500 thí sinh đăng ký tham dự kỳ thi. Tỷ lệ thí sinh dự thi đạt 95%. Bình quân 1 thí sinh thi 2,5 môn. Nhà trường đã huy động 400 cán bộ coi thi. Nội dung thi căn cứ theo Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành Giáo dục mầm non.

“Hiện kỳ thi xây dựng ma trận theo Chương trình GDPT 2006 với 300 câu hỏi tự luận, 5 nghìn câu hỏi trắc nghiệm. Sau đó, chúng tôi sẽ điều chỉnh ma trận theo Chương trình GDPT 2018, thanh lọc câu hỏi nguồn theo ma trận mới”, TS Trần Bá Trình thông tin và nhận thấy, tỷ lệ thí sinh ảo của Kỳ thi đánh giá năng lực do Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tổ chức ít hơn so với một số phương thức khác.

Cũng theo TS Trình, sau 1 năm học, sinh viên trúng tuyển bằng kết quả Kỳ thi đánh giá năng lực của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội có ưu điểm là: Tư duy rành mạch, rõ ràng. Điều này được thể hiện ở quá trình học tập, các em tiếp thu kiến thức chuyên ngành tốt. Ngoài ra, khả năng thích ứng môi trường học tập đại học khá nhanh, thể hiện ở ý thức cao trong lập kế hoạch và trải nghiệm phương pháp học tập khác nhau để tìm ra phương pháp phù hợp bản thân. Các em cũng chủ động trao đổi với giảng viên.

Năm 2023 có 8 trường đại học công nhận và sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực để xét tuyển đại học hệ chính quy, gồm: Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh, Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế), Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng), Trường ĐH Sư phạm (ĐH Thái Nguyên), Trường ĐH Vinh, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2, Trường ĐH Quy Nhơn.

PGS.TS Lưu Trang - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) nhận xét, Kỳ thi đánh giá năng lực của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội không chỉ để tuyển sinh thông thường, mà có tác động đến cách dạy và học ở các trường phổ thông, làm thay đổi cách đào tạo giáo viên trong các trường sư phạm. Kỳ thi này phù hợp với Chương trình GDPT 2018.

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực chuyên biệt của Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh năm 2023. Ảnh: ITN

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực chuyên biệt của Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh năm 2023. Ảnh: ITN

Thay đổi chất và lượng

Tuy nhiên, PGS.TS Lưu Trang hơi tiếc vì có nhiều thí sinh chưa biết hoặc chưa quan tâm đến kỳ thi này. Vì thế, năm 2024, cần thống nhất cách thức tổ chức, quảng bá kỳ thi nhiều hơn. “Nên chăng, tổ chức ở nhiều điểm thi khác nhau và có thể kết nối với Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh để cùng tổ chức chung một kỳ thi, nhằm thống nhất trong cùng hệ thống. Qua đó, tạo sự thay đổi cả về chất và lượng”, PGS.TS Lưu Trang đề xuất.

Tổ chức kỳ thi dành riêng cho hệ thống các trường sư phạm là hợp lý, phù hợp với bối cảnh tự chủ đại học và lộ trình đổi mới tuyển sinh của Bộ GD&ĐT, TS Trịnh Thị Xim - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương (Hà Nội) nhận định.

Nếu tổ chức chung một kỳ thi thì các trường sẽ có đội ngũ chuyên gia, giảng viên giỏi nên không khó xây dựng ngân hàng đề thi. Quan trọng là, các trường sẽ tuyển sinh được những thí sinh phù hợp với yêu cầu và tính chất đặc thù của nghề dạy học. Ngoài hệ thống trường sư phạm, cơ sở giáo dục đại học khác cũng có thể sử dụng kết quả của kỳ thi để xét tuyển.

Là cơ sở đào tạo khối ngành kỹ thuật nên ngoài sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT, Trường ĐH Giao thông Vận tải có sử dụng kết quả từ kỳ thi riêng của các trường. TS Phạm Thanh Hà - Trưởng phòng Đào tạo nhận thấy, Kỳ thi đánh giá năng lực của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội có giá trị tuyển sinh cho trường. Kết quả thi có sự tương đồng với mục tiêu tuyển sinh của Trường ĐH Giao thông Vận tải. “Vì vậy, chúng tôi có thể sử dụng kết quả thi này trong mùa tuyển sinh năm 2024”, TS Phạm Thanh Hà trao đổi.

Từ thành công bước đầu của Kỳ thi đánh giá năng lực do Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tổ chức và Kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt của Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam gợi mở, các trường đại học sư phạm tổ chức thi và xét tuyển theo nhóm hoàn toàn phù hợp. Đây cũng là xu hướng phổ biến trong tương lai khi kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT không còn phù hợp với tuyển sinh đầu vào hệ đại học chính quy, nhất là nhóm trường có đào tạo giáo viên.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ nhắc lại, năm 2023, công tác tuyển sinh có nhiều cải tiến về kỹ thuật. Yêu cầu đặt ra đối với các trường đại học là hoàn thiện đề án tuyển sinh, trong đó đặc biệt lưu ý hoàn chỉnh các phương thức tuyển sinh theo hướng đơn giản hóa, thực hiện đúng Quy chế tuyển sinh hiện hành.

Từ đó, các cơ sở giáo dục đại học cần xây dựng và công bố kịp thời định hướng, phương hướng cho công tác tuyển sinh năm 2025 trở đi, khi có thí sinh bắt đầu tốt nghiệp Chương trình GDPT 2018. Các phương thức tuyển sinh từ năm 2025 cần phù hợp mục tiêu, yêu cầu cần đạt, nội dung, cấu trúc của chương trình mới.

“Do vậy, với khối ngành đào tạo giáo viên – lĩnh vực đặc thù có tính chất ‘máy cái’, các trường sư phạm có thể phối kết hợp với nhau để tổ chức thành một kỳ thi độc lập, sử dụng chung kết quả để tuyển sinh”, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ trao đổi và khẳng định, với hiệu quả của phần mềm hỗ trợ tuyển sinh chung, các trường đại học không thể trở về cách tổ chức thi đại học như trước đây là mỗi trường tự tổ chức thi riêng theo kiểu “mạnh ai nấy làm”, “trăm hoa đua nở”.

TS Trần Bá Trình thông tin: Năm 2024, Kỳ thi đánh giá năng lực Trường ĐH Sư phạm Hà Nội dự kiến diễn ra ngày 11/5. Cấu trúc bài thi, lịch thi các môn được tổ chức gọn trong một ngày và giữ ổn định như các năm trước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ