TNGT, đuối nước gây tử vong cao cho trẻ em

TNGT, đuối nước gây tử vong cao cho trẻ em
vcc
Hội thảo tư vấn cấp cao về xây dựng chương trình quốc gia phòng chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2011-2020. Ảnh: gdtd.vn

Thông tin này được công bố trong Hội nghị tư vấn cấp cao về xây dựng chương trình quốc gia phòng chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2011-2020 do Bộ Lao động – Thương binh &Xã hội, Bộ Y tế, Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ, ngành đoàn thể tổ chức. Hội nghị nhằm lấy ý kiến tư vấn của các chuyên gia về việc xây dựng chương trình quốc gia  phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em Việt Nam trong giai đoạn 10 năm tới.

Những chuyến đò tiềm ẩn tai nạn lớn
Những chuyến đò tiềm ẩn tai nạn lớn

Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH của các tỉnh thành trên cả nước, năm 2009, Việt Nam đã xảy ra trên 75.000 trường hợp tai nạn thương tích trẻ em, trong đó, tỷ lệ trẻ em bị chết do đuối nước chiếm hơn 46%. Còn theo thống kê của Bộ Y tế năm 2008, toàn quốc đã có 3523 trẻ em và người chưa thành niên tuổi từ 0-19 bị tử vong do đuối nước, tăng 5,6% so với năm 2007.

Những tai nạn, thương tích xảy ra đối với trẻ em ngoài khuôn viên trường học chủ yếu là tai nạn giao thông và tai nạn đuối nước cũng là kết quả từ những khảo sát của ngành giáo dục. Những tai nạn này tập trung chủ yếu ở các đô thị, những vùng thường xuyên chịu ngập lụt về mùa mưa bão. Còn trong khuôn viên trường học, tai nạn thương tích xảy đến với các em thường do các hoạt động sinh hoạt như va chạm khi chạy nhảy chơi đùa hoặc tai nạn do thiếu an toàn trường, lớp về cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục.

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Quang Quý, nguyên nhân dẫn đến các tai nạn thương tích nêu trên là do điều kiện, môi trường sinh hoạt và học tập của học sinh còn nhiều bất cập, chưa đảm bảo đầy đủ an toàn phòng chống tai nạn thương tích; công tác truyền thông giáo dục chưa đồng bộ, chưa sâu rộng; do đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi học sinh hiếu động, hiểu biết về phòng chống tai nạn thương tích chưa đầy đủ; việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn, phòng chống tai nạn thương tích của các em chưa triệt để; phát hiện nguy cơ gây tai nạn thương tích và xử lý chưa kịp thời; thiếu sự chăm sóc của gia đình hoặc do người lớn thiếu ý thức bảo vệ an toàn cho trẻ.

Tại Hội nghị, nhiều khuyến nghị được đưa ra nhằm phòng chống tai nạn thương tích ở trẻ em như: Xây dựng kế hoạch hành động toàn diện về phòng chống tai nạn thương tích trẻ em ở Việt Nam; tăng cường công tác điều phối các nỗ lực phòng chống tai nạn thương tích ở trẻ em; hoàn thiện hệ thống giám sát và chất lượng thông tin; tăng cường nghiên cứu về kinh tế và dịch tễ học liên quan tới tai nạn thương tích; cải thiện việc tiếp cận các dịch vụ tư vấn về phòng chống tai nạn thương tích trẻ em bao gồm các dịch vụ y tế đặc biệt là cấp cứu và chăm sóc trước viện; nâng cao nhận thức của cộng đồng và huy động sự ứng phó của cộng đồng để phòng chống tai nạn thương tích...

Dạy bơi
Trẻ em được học bơi đúng cách là biện pháp phòng tránh đuối nước hiệu quả

Về phía ngành giáo dục, nhiều nhiệm vụ trọng tâm nhằm triển khai có hiệu quả công tác phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em giai đoạn 2011-2020 đã được Thứ trưởng Trần Quang Quý đưa ra, trong đó có việc đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi và hình thành kỹ năng, giảm thiểu tai nạn thương tích cho học sinh; phổ cập kiến thức bơi và phòng chống tai nạn sông nước, từng bước đưa nội dung học bơi vào chương trình thể dục nội khóa trong trường phổ thông; củng cố và phát triển mạng lưới các phòng y tế, góc sức khỏe trong các trường phổ thông, mầm non và hoạt động của chi hội chữ thập đỏ trong trường học...

Hiếu Nguyễn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ