Tình yêu Tiếng Việt

GD&TĐ - Lưu Quang Vũ (1948 - 1988) được biết đến là một hiện tượng đặc biệt của văn học Việt Nam đầu thế kỉ XX.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Với một nguồn lực sáng tạo đột khởi mạnh mẽ, trong một thời gian ngắn, ông sáng tác được hơn năm mươi vở kịch gây chấn động dư luận, có giá trị nhân văn cao. Bên cạnh những vở kịch gây được những tiếng vang, thu hút sự quan tâm đặc biệt của công chúng thì sự xuất hiện các tập thơ của Lưu Quang Vũ có một sức quyến rũ lớn. Chúng như những thỏi nam châm cuốn hút người đọc, càng đọc càng say mê. Qua thời gian người đọc càng nhận ra giá trị thơ của Lưu Quang Vũ. Thơ ông vừa mạnh mẽ đến quyết liệt trước những vấn đề của xã hội, vừa sâu sắc và tinh tế trong cảm nhận về thế giới nội tâm của con người.

1.

Trước khi là một nhà viết kịch vùng vẫy trên sân khấu, Lưu Quang Vũ được biết đến là một nhà thơ với tập Hương cây được viết 1968. Ngay từ những bài thơ đầu tay, bạn đọc đã cảm nhận được “...ấy là một nhà thơ thuộc loại bẩm sinh, dễ dàng giãi bày mọi vui buồn của mình trên trang giấy. Những lúc mở lòng ra chan hòa tâm tình với người thân, với bè bạn, với cuộc đời, anh đã có thơ, những lúc buồn bã quay về một mình đơn độc, anh lại cũng chỉ có cách tìm tới thơ để tự an ủi” (Vương Trí Nhàn).

Thơ Lưu Quang Vũ hấp dẫn bởi vẻ đẹp lạ kì của một thứ ngôn ngữ tự nhiên. Dường như đọc thơ ông, dòng chảy cảm xúc tự thân của người cầm bút cứ ào ạt cuốn người đọc từ lớp sóng ngôn từ này đến lớp sóng ngôn từ khác. Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến cho rằng, đó là những câu thơ xuất thần tài hoa và giàu cảm xúc. Những câu thơ vang lên trong tâm tưởng người đọc một nhạc điệu đầy xúc động với thi ảnh được chọn lọc một cách tinh tế và giàu tính hội họa.

Ngoài làm thơ, ông còn vẽ tranh, những mảng màu đường nét trong hội họa đem đến cho thơ Lưu Quang Vũ một vẻ đẹp tinh tế. Thơ ông mang đến phát hiện bất ngờ về vẻ đẹp ngôn ngữ và còn cả trong khám phá có tính chiều sâu về những rung động suy tư của con người ở đời sống hiện đại. Lưu Quang Vũ để lại nhiều bài thơ đặc sắc được bạn đọc yêu thích như  Và anh tồn tại, Vườn trong phố, Bầy ong trong đêm sâu, Phố ta, Lá thu... Những bài thơ được viết ra từ một tài năng thiên bẩm, thiên phú mang một vẻ đẹp tự nhiên, không cần đến một sự đẽo gọt dụng công nào.

Trong bài thơ Liên tưởng tháng Hai, Lưu Quang Vũ từng viết: “Mỗi bài thơ của chúng ta/ Phải như một ô cửa/ Mở tới tình yêu”. Nhà thơ so sánh mỗi bài thơ như một ô cửa. Ô cửa là nơi ngăn cách hai thế giới bên trong và bên ngoài. So sánh mỗi bài thơ như một ô cửa, nhà thơ muốn nói đến chức năng của thơ ca. Thơ ca là nơi kí thác nỗi niềm, gửi gắm tâm tư sâu kín của nhà thơ đến với mọi người. Thơ ca có khả năng kì diệu như một ô cửa sổ nhỏ mở tới tình yêu. Dường như đằng sau cánh cửa thơ ca, bóc tách lớp vỏ ngôn từ của bài thơ chính là tình cảm của nhà thơ với con người, cuộc đời.

2.

Tiếng Việt là một bài thơ hiếm hoi của Lưu Quang Vũ được đăng báo trong những năm người ta từ chối thơ ông. Bài thơ gói được tất cả những nỗi niềm của Lưu Quang Vũ với tình yêu tiếng nói dân tộc. Tình yêu tiếng Việt xét đến cùng là tình yêu tiếng mẹ đẻ, tình yêu dân tộc, yêu cái hồn cốt tạo sinh nên bản sắc dân tộc. Cho đến nay, với độ lùi của thời gian đáng kể, đây vẫn được xem là bài thơ hay nhất, xúc động nhất viết về tiếng Việt. Toàn bộ những cảm xúc tuôn chảy trên 15 khổ thơ với 90 dòng thơ như giãi bày cho người đọc những gì là huyết quản, tâm can của nhà thơ khi nghĩ về tiếng Việt.

Ta đọc được một Lưu Quang Vũ bay bổng và tài hoa, một Lưu Quang Vũ đầy dằn vặt và trăn trở trên những câu thơ về tiếng Việt. Bài thơ được tổ chức với những suy ngẫm của nhà thơ về tiếng Việt: Tiếng Việt gần gũi thân thương, có trong những gì thân thuộc nhất, máu thịt nhất với mỗi người; tiếng Việt mang vẻ đẹp đa cung bậc, sự giàu có; tiếng Việt có giá trị riêng trong mối quan hệ với những ngôn ngữ khác trên thế giới. Đó còn là nỗi niềm nặng nợ với tiếng Việt của người con xa xứ một lòng hướng về nguồn cội, quê hương.

Ở những ý thơ đầu tiên, nhà thơ đã cụ thể hóa tiếng mẹ đẻ trong những gì hiện hữu ở quanh ta. Đó là tiếng mẹ gọi trong khói sẫm của ánh hoàng hôn, là tiếng cha dặn trong những bài học đầu tiên tập tễnh bước vào đời, là tiếng gió thổi những trưa hè, tiếng gọi đò tha thiết mênh mang ở sông vắng bến khuya, là tiếng lụa xé đau lòng những sợi thoi, là tiếng nước lũ dập dồn, là tiếng mưa dội ào ào trên mái cọ nhà tranh...

Tiếng mẹ gọi trong hoàng hôn khói sẫm

Cánh đồng xa cò trắng rủ nhau về

Có con nghé trên lưng bùn ướt đẫm

Nghe xạc xào gió thổi giữa cau tre.

Dường như nhà thơ đang nghe được trong từng thanh âm của cuộc sống, của sự sống đều mang một phần tiếng mẹ đẻ. Những thanh âm gần gũi từ tiếng mẹ, tiếng cha đến nỗi nhọc nhằn của những kiếp người lao động lầm than cơ cực. Tiếng Việt có trong những gì bình dị, gần gũi, đơn sơ, trong sự sống đang cựa quậy trở mình, trong những biến chuyển của đất trời với tiếng mưa, tiếng nước lũ...

Tiếng kéo gỗ nhọc nhằn trên bãi nắng

Tiếng gọi đò sông vắng bến lau khuya

Tiếng lụa xé đau lòng thoi sợi trắng

Tiếng dập dồn nước lũ xoáy chân đê.

Phải rất tinh tế, nhà thơ mới lắng nghe được những vẻ đẹp đó của tiếng Việt. Đi vào trang thơ của Lưu Quang Vũ vẻ đẹp đó được cấp thêm một phần sự sống bởi lối viết bay bổng và tài hoa. Trong cái hữu hình của thanh âm tiếng Việt là cái hữu ảnh của những sự vật rất gợi được hồn quê, hồn non nước. Đó là cánh đồng xa với cò trắng rủ nhau về, là con nghé trên lưng bùn ướt đẫm, là hình ảnh nón ai xa thăm thẳm ở bên trời...

Tiếng cha dặn khi vun cành nhóm lửa

Khi hun thuyền, gieo mạ, lúc đưa nôi

Tiếng mưa dội ào ào trên mái cọ

Nón ai xa thăm thẳm ở bên trời.

Mỗi ý thơ là một nét họa gợi lên bức họa đồng quê mà mỗi ai khi đọc chúng lên đều cảm nhận được sự bồi hồi da diết. Bởi cánh cò, nón mẹ, rặng lúa, bờ tre, sớm nắng, chiều mưa... là một phần tuổi thơ của mỗi người, là chưng cất, gói ghém bao cảm xúc của đất quê, vườn nhà.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

3.

Ở những ý thơ tiếp theo, Lưu Quang Vũ khai thác vẻ đẹp đa sắc, đa cung bậc trong sự tồn tại riêng của tiếng Việt, thấy giá trị riêng của tiếng Việt trong sự đối sánh với vẻ đẹp của những ngôn ngữ khác trên thế giới. Ở ý thơ trước, chất họa được nhà thơ khai thác bằng một thứ ngôn ngữ bay bổng và sự liên tưởng tài hoa thì đến đây vẻ đẹp tiếng Việt được nổi bật trong vốn hiểu biết về văn hóa dân gian của nhà thơ qua cổ tích ca dao, qua tục ngữ, truyền thuyết...

Với những mã nghệ thuật đầy sức gợi này, tiếng Việt mở ra thật nhiều vẻ đẹp đa tầng. Thi nhân tự nhận mình chỉ là con chim nhỏ bay giữa cái mênh mông của đại ngàn tiếng Việt “Ta như chim trong tiếng Việt như rừng”.

“Ðá cheo leo trâu trèo, trâu trượt...”

Ði mòn đàng dứt cỏ đợi người thương

Ðây muối mặn gừng cay lòng khế xót

Ta như chim trong tiếng Việt như rừng.

Nhà thơ tìm về trong vẻ đẹp của ca dao, thành ngữ sự phong phú muôn màu của tiếng Việt. Tiếng Việt hằn in trong những câu nói thường ngày của người Việt, hóa thân thành ca dao tục ngữ mà ta thuộc nằm lòng: “Đá cheo leo trâu trèo, trâu trượt”, là nỗi nhớ thương trong ca dao “Năng mưa thì giếng năng đầy/ Anh năng đi lại mẹ thầy năng thương”, là tình nghĩa thủy chung bền chặt nặng sâu của người Việt với “muối mặn gừng cay”...

Phép so sánh được Lưu Quang Vũ sử dụng làm bật nổi vẻ đẹp, cung bậc của tiếng Việt:

Chưa chữ viết đã vẹn tròn tiếng nói

Vầng trăng cao đêm cá lặn sao mờ

Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa

Óng tre ngà và mềm mại như tơ.

Niềm xúc động về vẻ đẹp và tình yêu tiếng Việt được thể hiện qua hình ảnh so sánh tiếng Việt như bùn và như lụa, mềm mại như tơ. Đó quả thật là những phát hiện đầy tinh tế và giàu ý nghĩa của Lưu Quang Vũ về sự thiết tha, đẹp đẽ của tiếng mẹ đẻ. Tiếng Việt mềm mại như lụa như tơ, tha thiết như tiếng hát, như ríu rít âm thanh, khó nắm bắt như gió nước, mát lịm như tiếng suối, mênh manh như những con đường gợi gió heo may...

Nếu ta quen với tiếng Việt qua câu tục ngữ “Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam” thì đây Lưu Quang Vũ không chỉ gợi cho ta vẻ đẹp muôn màu của tiếng Việt, mà còn gợi ra những diệu kì trong thanh và âm tiếng Việt ngàn đời với dấu huyền trầm, dấu ngã chênh vênh, là dấu hỏi dựng như suốt đời lửa cháy...

Tiếng tha thiết, nói thường nghe như hát

Kể mọi điều bằng ríu rít âm thanh

Như gió nước không thể nào nắm bắt

Dấu huyền trầm, dấu ngã chênh vênh.

Dấu hỏi dựng suốt ngàn đời lửa cháy

Một tiếng vườn rợp bóng lá cành vươn

Nghe mát lịm ở đầu môi tiếng suối

Tiếng heo may gợi nhớ những con đường.

Tiếng Việt thân thương còn là tiếng làng tiếng nước, là hồn thiêng của núi sông. Lưu Quang Vũ gợi ra trong tiếng Việt những hình ảnh đầy xúc động xuất hiện cuối truyền thuyết An Dương Vương. Tiếng Việt thiết tha trong những lời nói cuối cùng ở những nhân vật lịch sử như Mỵ Châu, Trọng Thủy. Tiếng Việt thổn thức trong cuộc đời phiêu bạt lênh đênh của Nguyễn Du mà thành những trang thơ với “hồn non nước vọng lời nghìn thu” (Tố Hữu).

Một đảo nhỏ ngoài khơi nhiều kẻ nhận

Vẫn tiếng làng tiếng nước của riêng ta

Tiếng chẳng mất khi Loa thành đã mất

Nàng Mỵ Châu quỳ xuống lạy cha già.

Tiếng thao thức lòng trai ôm ngọc sáng

Dưới cát vùi sóng dập chẳng hề nguôi

Tiếng tủi cực kẻ ăn cầu ngủ quán

Thành Nguyễn Du vằng vặc nỗi thương đời.

Nhưng có lẽ nếu những cảm nhận trên vẫn chưa đủ sức khái quát về vẻ đẹp của tiếng Việt thì đến khổ thơ tiếp đây, niềm tự hào và xúc động được đẩy lên đến cao trào khi nhà thơ so sánh tiếng Việt với những thứ tiếng khác trên thế giới. Giữa vô vàn những ngôn ngữ với đủ sắc thái, cung bậc, tiếng Việt vẫn mang một dáng vẻ riêng. Cảm xúc được kết tinh qua những ý thơ tài hoa và dồn nén cảm xúc. Tiếng Việt là tiếng thiết tha như tiếng sáo, dây đàn, là tiếng của tự do bay bổng “phá cũi sổ lồng”, là tiếng nghẹn ngào như đời mẹ cơ cực, lam lũ. Và cuối cùng tiếng Việt chở lấy vẻ đẹp trong trẻo của hồn dân tộc Việt. Thật đáng quý, đáng tự hào thay vẻ đẹp thân thương của tiếng nói ấy:

Trái đất rộng giàu sang bao thứ tiếng

Cao quý thâm trầm rực rỡ vui tươi

Tiếng Việt rung rinh nhịp đập trái tim người

Như tiếng sáo như dây đàn máu nhỏ.

Buồm lộng sóng xô, mai về trúc nhớ

Phá cũi lồng vời vợi cánh chim bay

Tiếng nghẹn ngào như đời mẹ đắng cay

Tiếng trong trẻo như hồn dân tộc Việt.

Xuất hiện trở đi trở lại và thành “con mắt thơ” trong suốt cả bài thơ, hình ảnh tiếng Việt trở thành một niềm thổn thức cho những người dân xa xứ, nặng nợ ân tình với quê hương:

Mỗi sớm dậy nghe bốn bề thân thiết

Người qua đường chung tiếng Việt cùng tôi

Như vị muối chung lòng biển mặn

Như dòng sông thương mến chảy muôn đời.

Ai thuở trước nói những lời thứ nhất

Còn thô sơ như mảnh đá thay rìu

Ðiều anh nói hôm nay, chiều sẽ tắt

Ai người sau nói tiếp những lời yêu?

Ai phiêu bạt nơi chân trời góc biển

Có gọi thầm tiếng Việt mỗi đêm khuya?

Ai ở phía bên kia cầm súng khác

Cùng tôi trong tiếng Việt quay về.

Ôi tiếng Việt suốt đời tôi mắc nợ

Quên nỗi mình quên áo mặc cơm ăn

Trời xanh quá môi tôi hồi hộp quá

Tiếng Việt ơi, tiếng Việt ân tình...

Trước Lưu Quang Vũ, nhà thơ lớn Huy Cận đã để lại những vần thơ về tiếng Việt nổi tiếng với nỗi lòng: “Nằm trong tiếng nói yêu thương/ Nằm trong tiếng Việt vấn vương một đời/ Sơ sinh lòng mẹ đưa nôi/ Hồn thiêng đất nước cũng ngồi bên con” (Nằm trong tiếng nói, Huy Cận). Lưu Quang Vũ đã nâng cao ý tưởng ấy, tâm hồn ấy với nhiều phát hiện phong phú và sâu sắc qua bài thơ Tiếng Việt này. Qua đó, ngoài sự tôn vinh tiếng nói dân tộc, còn là tình cảm, ý thức với tiếng Việt, là nhìn thấy hồn dân tộc Việt trong từng tiếng nói.

Qua tiếng Việt, ta thấy rõ cả tiếng nói đời sống và tâm hồn, là tâm tuệ con người, là hồn thiêng đất nước, là nỗi lòng và niềm tự hào của mỗi con dân đất Việt, kể cả người xa xứ: Mười một năm trời đi biệt xứ/ Em còn nhớ tiếng Việt Nam không?/ Lòng còn xôn xao thơ Nguyễn Bính?/ Chuyện “Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông” (Gửi vầng trăng lưu lạc, Hoàng Chính).

4.

Bài thơ Tiếng Việt đem đến một lời nhắn nhủ sâu sắc và cũng là tuyên ngôn về nghệ thuật của Lưu Quang Vũ. Thông điệp đó được gửi gắm qua ý thơ “Ôi tiếng Việt suốt đời tôi mắc nợ”. Với ông, nhà văn, nhà thơ, hơn ai hết, phải thấu hiểu một cách đầy đủ nhất, tường tận và sâu xa nhất về cái đẹp, cái hay của tiếng Việt. Bởi lẽ, trong sáng tạo văn chương, ngôn ngữ chính là chất liệu quan trọng nhất. Không yêu quý, trân trọng ngôn ngữ dân tộc thì anh không thể là một nhà thơ, nhà văn thực thụ.

Qua thời gian, Lưu Quang Vũ vẫn còn vẹn nguyên trong cõi nhớ của người đọc bởi những vở kịch gây chấn động dư luận. Không thể phủ nhận rằng, kịch là địa hạt đã đưa ông đến vinh quang nhưng thơ mới chính là niềm đam mê lớn nhất của đời ông, là tài sản quý nhất mà Lưu Quang Vũ để lại.

Thơ Lưu Quang Vũ là minh chứng cho quan niệm nghệ thuật của ông. Thơ là phần đẹp nhất, bay bổng nhất của cuộc đời. Mỗi nhà thơ cần trân trọng, thấu hiểu vẻ đẹp tiếng nói dân tộc. Thơ là toàn bộ bức chân dung đời sống tinh thần nhiều buồn vui, lo âu trăn trở dằn vặt của vị thi sĩ này. Cho dù đến khi cuối đời, trong một căn phòng chật chội mới có nổi một cái bàn làm việc thì với Lưu Quang Vũ, thơ là một tình yêu lớn: “Trên mái nhà, cao vút những rừng cây/ Trên rừng cây những đám mây xô dạt/ Trên ngày tháng, trên cả niềm cay đắng/ Thơ tôi là mây trắng của đời tôi” (Mây trắng của đời tôi). 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Bình dân học vụ số

GD&TĐ - Sáng 18/11, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm có cuộc gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.