Tình yêu lạ của cặp vợ chồng ‘người rừng’ nơi non thiêng

Trong căn nhà tranh chắp vá từ những tấm phên đan, tài sản có giá trị nhất của họ là chiếc chõng tre đã gắn bó hơn nửa thế kỷ.

Tình yêu lạ của cặp vợ chồng ‘người rừng’ nơi non thiêng

Trong căn nhà tranh chắp vá từ những tấm phên đan, tài sản có giá trị nhất của họ là chiếc chõng tre đã gắn bó hơn nửa thế kỷ. Mùa mưa bão, hai vợ chồng vẫn ôm nhau, bám trụ trong căn nhà nhỏ, quyết không xa rừng...

“Bát cơm sẻ nửa”...

Sau hơn nửa ngày dọc theo con đường ngoằn ngoèo, hai bên là dốc núi, chúng tôi đã đặt chân đến bản Cỏi (xã Xuân Sơn, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ). Mặc dù đã được người dân chỉ dẫn tận tình nhưng phải rất lâu chúng tôi mới tới được ngôi nhà của cụ Đặng Văn Kênh (89 tuổi) và cụ Đặng Thị Tiến (92 tuổi) ở trên đỉnh một quả núi…

Tình yêu lạ của cặp vợ chồng ‘người rừng’ nơi non thiêng - Ảnh 1

Căn lán nhỏ nơi hai cụ đang sinh sống, thỉnh thoảng lại có người dân bản địa đến hỏi thăm.

Cụ Tiến bảo, lần đầu tiên có nhà báo đến thăm nên hơi run, chẳng biết bắt đầu từ đâu. Trầm ngâm hồi lâu trên chiếc chõng tre, cụ mới chậm rãi kể. Hai cụ sinh ra và lớn lên ở xã Minh Đài, huyện Tân Sơn. Dù cụ bà hơn cụ ông ba tuổi nhưng hai người vẫn được gia đình mai mối nên duyên vợ chồng từ rất sớm.

 Đôi vợ chồng trẻ cưới xong không biết làm ăn thế nào nên đành tha phương sang tỉnh Hòa Bình tìm nghề mưu sinh. Họ mượn được một mảnh đất nhỏ ven rừng để dựng lán làm nhà ở.

Cuộc sống nghèo khó, phải làm thuê, làm mướn đủ việc để đong ăn từng bữa nhưng cũng vì thế khiến tình cảm trong họ thêm gắn chặt. Chỉ duy một nỗi buồn luôn thường trực khi nhiều năm chung sống mà hai vợ chồng vẫn chưa có con. 

Túng thiếu, hai cụ cũng chẳng nghĩ đến việc tìm thầy lang hỏi bệnh. Cứ thế, hàng chục năm qua đi, niềm khắc khoải sinh con bám riết lấy đôi vợ chồng.

Sau hơn chục năm khát khao được làm cha, làm mẹ không thành, vợ chồng họ tính đến việc đi xin con về nuôi cho vui cửa vui nhà. Ông bà nhận một cậu bé của gia đình đông con ở xã Minh Đài, huyện Tân Sơn, Phú Thọ về nuôi từ khi họ còn mang thai do vỡ kế hoạch. Còn cô con gái thứ hai thì hai cụ nhận của một người đàn bà chửa hoang có ý định bỏ con cũng ở xã Minh Đài.

Khi hai người con trưởng thành, có gia đình riêng, hai cụ lại dắt nhau về quê cũ ở Phú Thọ. Trở về quê “không mảnh đất cắm dùi” nên hai cụ phải vào rừng dựng căn lán nhỏ sinh sống qua ngày. Ngày trước khi còn khỏe, người ta thuê làm gì là hai cụ nhận lời ngay. Từ hái củi, làm nương, chăn trâu đến bốc vác… chẳng bao giờ hai cụ nề hà, ngại khó khăn.

Tháng 3/2014, trong một lần đi hái củi ở rừng sâu, cụ Tiến không may bị ngã. Vì nhà nghèo, không có tiền đi chữa trị nên cụ Tiến đã bị liệt hai chân, không còn đi lại được. 

Thương vợ, cụ Kênh lại hàng ngày một mình vượt qua quãng đường rừng hàng trăm mét để ra con suối lấy nước về dùng. Ở cái tuổi 89, đối với cụ đó là công việc khá cực nhọc, trong khi, căn bệnh hen suyễn vẫn dày vò khiến cho bước chân cụ thêm nặng nề. 

Tuổi già không ai thuê mướn nên mọi chi phí thuốc thang, sinh hoạt của hai cụ đều trông chờ vào số tiền phụ cấp 180.000 đồng/tháng/người của Nhà nước.

Tình yêu lạ của cặp vợ chồng ‘người rừng’ nơi non thiêng - Ảnh 2

Bữa cơm đạm bạc của hai cụ già chỉ có nước mắm và nước sôi.

Trò chuyện đến quá trưa thì cụ ông lấy nửa bát gạo, bắc bếp nấu cơm. Gọi là bếp nhưng đó là một góc ngay trong nhà. Khi cơm chín, cụ Kênh dọn cơm ra ngay dưới nền nhà, không có mâm cũng chẳng có thức ăn. Chỉ có bát nước mắm đặt cạnh bát cơm trắng cùng với tô nước đã đun sôi dùng để thay canh. 

Cụ Kênh lấy cơm cho vợ ăn trước rồi ngồi bệt dưới nền đất ăn phần cơm còn lại ngon lành. Khi tôi hỏi sao cụ Tiến chỉ ăn có vài thìa cơm thì nhận được trả lời: “Nhà hết gạo, nấu lên chỉ đủ một bát, tôi chỉ ăn qua loa để nhường ông ấy ăn còn có sức ra suối cõng nước”.

Dù đã chứng kiến nhiều hoàn cảnh khó khăn nhưng tình cảm bát cơm sẻ nửa của đôi vợ chồng già khiến chúng tôi không khỏi chạnh lòng. 

Rồi cụ Tiến bảo: “Nghèo khó là vậy nhưng qua nửa cuộc đời chưa bao giờ thấy ông nhà to tiếng với tôi. Cũng chẳng mấy khi ông ấy trách móc, than phiền gì”. Rồi cụ chìa đôi bàn tay đã chai sần như chứng thực một cuộc đời đã trải qua bao nhiêu khó khăn, buồn tủi nhưng không kém phần hạnh phúc.

Quyết sinh tử với rừng

Trò chuyện với chúng tôi về trường hợp của cụ Tiến và cụ Kênh, ông Đặng Vĩnh Phúc (Trưởng khu nơi hai cụ sinh sống) cho biết: “Hoàn cảnh của vợ chồng cụ khó khăn nhưng lúc nào họ cũng vui vẻ khiến người dân cả khu này ngưỡng mộ. 

Cũng từng có một số tổ chức, cá nhân muốn từ thiện xây dựng cho hai cụ căn nhà dưới rừng để tránh mưa, tránh bão. Thế nhưng, hai cụ chỉ muốn dựng nhà ở rừng trong khi đó ở đây địa hình hiểm trở nên không thực hiện được”.

Đưa vấn đề này hỏi cụ Tiến, cụ Kênh thì chúng tôi nhận được câu trả lời đầy ngạc nhiên: “Hơn nửa thế kỷ qua, vợ chồng tôi đã quen với sự yên bình của núi rừng. Chúng tôi muốn tự làm việc, tự làm nương rẫy, trồng cây lúa, củ khoai để mưu sinh. Giờ cũng yếu già rồi nên chẳng muốn xa rừng”.

“Tôi thì sao cũng được, đôi chân giờ chẳng đi lại được nữa, cũng chỉ mong những ngày cuối đời được hạnh phúc bên ông ấy chứ chẳng đòi hỏi gì. Ngày xưa nuôi các con, khó khăn hơn biết bao nhiêu mà hai vợ chồng vẫn hòa thuận, yêu thương nhau. 

Giờ cuối đời vẫn được mặn nồng thế này là mừng lắm rồi. Chúng tôi không sợ cô đơn, vì còn có những chú chó trung thành là bạn tri kỷ. Chúng làm cho cuộc sống của hai chúng tôi thêm niềm vui và an ủi khi tuổi xế chiều”- cụ Tiến tiếp lời rồi lại móm mém nhai trầu.

Đưa mắt nhìn quanh căn nhà rúm ró, chật chội, chúng tôi không thấy lấy bất cứ đồ đạc nào của một cuộc sống hiện đại. Thứ tài sản giá trị nhất của họ có lẽ là hai chiếc chõng tre và vài chiếc nồi nhôm méo mó cùng đôi bát sứt mẻ. 

Ở nơi đây, mọi cái thiếu thốn nhưng hai con người ấy ngày tháng vẫn bám trụ, vượt qua mọi gian khổ. Có dạo mùa mưa lũ cuốn bay ngôi nhà, đôi vợ chồng già lại ôm nhau chống chọi với cái đói, cái rét chờ nước rút để dựng lại nhà.

Rời căn nhà tranh của hai cụ lúc chiều chạng vạng, ánh sáng heo hắt xuyên qua những phên nứa hắt lên gương mặt tươi cười của hai cụ. Sự đối lập giữa hoàn cảnh u ám bên ngoài và những ấm áp, hạnh phúc của hai con người ấy khiến chúng tôi tự hỏi: “Động lực nào đã giúp họ vượt qua những giông bão của cuộc đời để kiếm tìm hạnh phúc?”.

Hạnh phúc giản đơn

Hạnh phúc của đôi vợ chồng già là vậy, không cần nhà cao cửa rộng, không màng tiền bạc phú quý. Họ coi núi rừng là bạn, coi con chó trong nhà là người thân. 

“Ở đây chúng thôi thấy yên bình, vợ chồng đồng lòng thì khó khăn mấy cũng vượt qua. Ông ấy chết thì tôi cũng chẳng thiết sống nữa. Thế nên cả hai tự dặn lòng phải cố gắng, phải tự chăm sóc nhau…”, cụ Đặng Thị Tiến tâm sự .

Theo nguoiduatin

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các đảng viên trẻ Trường THPT Thành Sen tuyên thệ dưới lá cờ Đảng.

Tuổi 18 vào Đảng: Tự hào và khát vọng cống hiến

GD&TĐ - Nhiều học sinh Hà Tĩnh được kết nạp Đảng ở tuổi 18 là minh chứng cho hiệu quả giáo dục lý tưởng sống trong trường học, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ, nhất là ở vùng khó khăn.