Bao đọc để bù đắp và hối cũng đã muộn
Tiến sĩ Xã hội học, Thạc sĩ tâm lý trị liệu – Học viện Hành chính Quốc gia Phạm Thị Thúy kể lại câu chuyện trường hợp một bà mẹ tương đối lớn tuổi tìm đến gặp vì con gái bà chuẩn bị ly hôn. Bà rất buồn vì chuyện này.
“Khi tôi hỏi ra mới biết, cô con gái này được mẹ bao bọc từ bé. Cô không phải làm bất cứ việc gì hết. Vì thế khi lấy chồng, cô gái gặp rất nhiều trục trặc trong hôn nhân.
Tính cô gái ỷ lại, không chịu trách nhiệm nên không được lòng nhà cha mẹ chồng. Cô gái có rất nhiều việc mâu thuẫn với chồng vì không biết làm gì cả.
Hai vợ chồng hục hoặc và hậu quả là phải ly hôn. Lúc tâm sự, chia sẻ với tôi, bà mẹ rơm rớm nước mắt”, Tiến sĩ Thúy cho biết.
Lúc đó, bà mẹ mới nghiệm ra là đã sai lầm trong việc dạy dỗ con gái.
TS Phạm Thị Thúy. Ảnh: NVCC
Theo Tiến sĩ Thúy, hoàn cảnh của bà mẹ này cũng khá đặc biệt. Chính bà đã ly hôn và cô gái là đứa con duy nhất. Chính vì thế, bà nuôi dưỡng, dành tình yêu kiểu bao bọc cho con. Bà làm hết thảy mọi việc cho con gái.
Tiến sĩ Thúy dẫn chứng, những đứa trẻ càng thiệt thòi thì phụ huynh càng bù đắp, càng bao bọc. Như ở trường hợp trên là bố mẹ ly hôn nên mẹ cảm thấy có lỗi với con.
Một trường hợp khác mà Tiến sĩ Thúy từng gặp là đứa trẻ từ bé ốm đau bệnh tật. Vì thế, bố mẹ thương bé, nghĩ bé thiệt thòi hơn các anh chị… Không chỉ bố mẹ bao bọc mà họ còn giao nhiệm vụ cho tất cả anh chị em trong nhà bao bọc cậu bé này. Đứa trẻ này lớn lên bị nghiện. Khi đó, bố mẹ hối thì cũng đã muộn rồi.
“Thương con như thế bằng mười hại con”
Tiến sĩ phân tích, yêu thương con cái không có nghĩa làm làm hết, lo hết, nuôi chiều con thái quá. Các cụ nhà ta đã nói “thương con như thế bằng mười hại con”.
Hình thức dạy con bằng sự nghiêm khắc và dạy con bằng sự bao bọc đều nguy hiểm ngang nhau.
“Thậm chí, dạy con theo kiểu bao bọc còn nguy hiểm hơn kiểu nghiêm khắc. Bởi vì, dạy con kiểu bao bọc khiến đứa trẻ được nuông chiều, luôn được làm thay. Nó trở thành vô ơn cũng điều dễ hiểu vì chúng chưa bao giờ phải chịu trách nhiệm thì sao có tính trách nhiệm được.
Làm sai không phải sửa vì có bố mẹ đỡ đầu, lo, chịu trách nhiệm cho cả.
Từ chuyện ăn ngủ, chuyện học, chuyện chơi, những đứa trẻ được nuôi dạy theo cách này đều sẽ phụ thuộc vào bố mẹ, ích kỷ chỉ biết lo cho bản thân, muốn người khác phục vụ mình”, Tiến sĩ Thúy lý giải.
Hậu quả, một là những đứa trẻ này sẽ có tính ỷ lại vì được làm thay. Thứ hai là trẻ vô trách nhiệm nên nó vô ơn. Nó vô ơn nên sau này nó không biết phải làm gì cho người khác. Tính xấu này được tạo ra là do bố mẹ bởi họ đã bao bọc con quá nhiều.
Phải nhấn mạnh rằng, các bậc cha mẹ mà dạy con bằng kiểu bao bọc là bằng mười hại con.
Đừng làm thay con tất cả mọi việc!
“Nghiêm” và “Từ”, hai từ khóa để dạy con
Trong xã hội hiện nay có nhiều gia đình đơn thân, một người phải đóng hai vai. Chính vì thế, lúc cần nghiêm thì phải rất nghiêm. Lúc nhân từ yêu thương thì cũng phải biết bày tỏ tình yêu thương cho con trẻ hạnh phúc trong sự cảm nhận tình yêu thương đó.
Tiến sĩ Thúy khuyên các bậc cha mẹ cần biết “Nghiêm” và “Từ” song hành. Đó là kinh nghiệm ngàn đời của người phương Đông.
Theo quan điểm khoa học hiện đại, bố mẹ phải có nguyên tắc với con, phải đặt ra luật lệ, khuôn phép, giữ nguyên tắc thống nhất trong gia đình, với mọi người, để con biết đâu là đúng, đâu là sai. Trẻ phải biết đâu là việc được làm, đâu là việc không được làm, đâu là trách nhiệm của con, đâu là quyền tự quyết của con, đâu là việc phải biết hợp tác với người khác, ứng xử hài hòa trong tương quan với người khác.
“Nghiêm” và “Từ” là hai từ khóa mà tôi muốn nhắn gửi đến các bậc cha mẹ trong giáo dục con cái”, Tiến sĩ Thúy nhắn nhủ tới các phụ huynh.