Tình trạng khẩn cấp

GD&TĐ -Chính phủ Hungary ngày 14/7 đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp về năng lượng, trong bối cảnh phải đối mặt với gián đoạn nguồn cung và giá năng lượng tăng vọt, dẫn đến trở thành quốc gia đầu tiên ở châu Âu phải thực hiện biện pháp này.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Chánh Văn phòng Chính phủ Hungary Gergely Gulyas giải thích cho quyết định trên là do nhận định có khả năng cả châu Âu sẽ không đủ khí đốt để sưởi ấm cho mùa thu và mùa đông sắp tới.

Theo quan chức này, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine kéo dài, cùng các lệnh trừng phạt từ Liên minh châu Âu (EU) là nguyên nhân khiến giá năng lượng trên khắp châu Âu tăng đột ngột.

Theo giới chức Hungary, trên thực tế hiện nay không chỉ nước này phải đối mặt với tình trạng khó khăn, mà phần lớn châu Âu đều đã rơi vào khủng hoảng năng lượng.

Để đối phó với thách thức, Hungary sẽ tăng năng lực sản xuất năng lượng trong nước để đảm bảo nguồn cung đang thiếu hụt, trong đó sẽ nâng mức sản xuất khí đốt tự nhiên hàng năm từ 1,5 tỷ m3 lên 2 tỷ m3.

Bên cạnh đó, Hungary cũng ban hành lệnh cấm xuất khẩu sản phẩm củi gỗ, đồng thời tăng cường khai thác than trong nước để bù đắp. Trong đó, nhà máy nhiệt điện than mang tên Matra vốn đã ngừng hoạt động một phần kể từ tháng 1/2021 sẽ được tái khởi động trong thời gian sớm nhất. Nhà máy điện hạt nhân Paks duy nhất của Hungary cũng được yêu cầu tăng cường sản xuất điện.

Ngoài ra, để hạn chế tiêu thụ điện, Hungary ra quy định các khách hàng sử dụng nhiều hơn lượng điện được phân bổ sẽ không được hỗ trợ giá mua điện cố định. Tất cả các biện pháp đối phó với khủng hoảng năng lượng nói trên tại Hungary sẽ có hiệu lực bắt đầu từ tháng 8/2022.

Thủ tướng Hungary Viktor Orban cũng đã phải triệu tập cuộc họp nội các vào hôm 13/7 để thảo luận về nguồn cung năng lượng ở châu Âu, trong đó nước này đang rốt ráo tìm nguồn mua thêm 700 triệu m3 khí đốt dự trữ trước khi mùa thu đến. Trong khi đó, Hungary vốn phụ thuộc vào nguồn khí đốt Nga nên từng nhiều lần lên tiếng phản đối lệnh cấm vận của EU đối với nguồn cung từ Nga.

Thủ tướng Viktor Orban cảnh báo, một lệnh cấm vận năng lượng nhằm vào Nga “sẽ hủy hoại toàn bộ nền kinh tế châu Âu”. Do đó, Hungary vừa phản đối EU ngưng nhập khẩu dầu Nga vừa thực hiện quyền miễn trừ để tiếp tục mua nhiên liệu từ Moscow.

Nước này cũng phản đối các đề xuất của EU về việc chia sẻ khí đốt giữa các thành viên. Theo đó, các cơ sở lưu trữ khí đốt của Hungary sẽ chỉ phục vụ cho các nhu cầu của người dân nước này.

Không chỉ Hungary, một số nước châu Âu như Đức cũng đang gặp khó khăn về nguồn cung năng lượng sau khi EU cấm vận Nga. Giới chức Đức thậm chí còn phải khuyến nghị người dân hạ nhiệt độ sưởi và tắm nhanh hơn để tiết kiệm năng lượng trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm hiện nay.

Từ tháng 5 vừa qua, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã đưa ra cảnh báo một cuộc khủng hoảng nhiên liệu sắp xảy ra trên toàn châu Âu. Tình hình nghiêm trọng hơn khi Sri Lanka vừa trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới rơi vào hỗn loạn do khủng hoảng kinh tế.

Cuộc khủng hoảng dẫn tới bạo loạn lật đổ chính quyền tại quốc gia Nam Á này cũng bắt nguồn từ khan hiếm năng lượng. Các chuyên gia cảnh báo sẽ không chỉ có Sri Lanka rơi vào tình trạng này trong thời gian tới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ