Tính toán chiến lược quan trọng của Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ dịch Covid-19 của ông Tập Cận Bình được nhìn nhận là một tính toán chiến lược quan trọng của Trung Quốc.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ đại dịch Covid-19, và điểm đến của ông là quốc gia Trung Á Kazakhstan. Đây là một tính toán chiến lược quan trọng của nhà lãnh đạo Trung Quốc.

Kazakhstan là điểm dừng đầu tiên, tiếp theo sẽ là Uzbekistan, nơi mà ngày 14/9 ông Tập Cận Bình dự Hội nghị Thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) - khối an ninh và thương mại khu vực bao gồm 8 nước Trung Quốc, Kazakhstan, Ấn Độ, Kyrgyzstan, Pakistan, Nga, Tajikistan và Uzbekistan. Các nhà lãnh đạo SCO sẽ thảo luận về hợp tác chính trị, kinh tế và an ninh khu vực.

Tổng thống chủ nhà Kassym-Jomart Tokayev đã tiếp đón Chủ tịch Tập Cận Bình tận sân bay Nursultan Nazarbayev ở thủ đô Nur-Sultan của Kazakhstan. Hai bên đã ký hàng loạt văn kiện hợp tác, kể cả văn bản kim chỉ nam cho phát triển mối quan hệ trong 3 thập kỷ tới.

Đằng sau những âm hưởng hữu nghị này là các tính toán địa chính trị quan trọng. Đến năm 2019, Trung Quốc có khoảng 14 tỉ USD đầu tư vào lĩnh vực dầu khí của Kazakhstan. Trong bối cảnh chiến sự Ukraine khiến thị trường năng lượng toàn cầu chao đảo, Kazakhstan lại càng quan trọng. Họ là nhà cung cấp năng lượng lớn cho Trung Quốc, là một yếu tố chủ chốt trong chiến lược an ninh năng lượng của Trung Quốc.

Một điểm nhấn cực kỳ quan trọng nữa của chuyến đi: Ông Tập dự kiến sẽ gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin bên lề Hội nghị SCO. Đây là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa lãnh đạo hai cường quốc kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào tháng Hai.

Trong bối cảnh đối đầu giữa phương Tây và Nga, cuộc gặp này là một cử chỉ xích lại gần nhau của hai cường quốc có thể khiến phương Tây phải lo ngại.

Mặt khác, chuyến thăm Afghanistan diễn ra khi Trung Quốc đang chuẩn bị cho Đại hội Đảng toàn quốc vào tháng 10, trước kỳ bầu cử giữa kỳ của Mỹ vào tháng 11 và cuộc bầu cử Tổng thống Nga năm 2024. Giới quan sát cho rằng, hai nhà lãnh đạo sẽ rất quan tâm đến những diễn biến bất thường trong dòng chảy chính trị hiện nay.

Khi đảm bảo được an ninh ở khu vực láng giềng chung của họ là Trung Á và Afghanistan, hai nước mới có thể chú ý đến các vấn đề an ninh và phát triển nổi bật hơn của họ: Đối với Nga, đó là cuộc xung đột Nga - Ukraine, và đối với Trung Quốc, đó là sự leo thang có thể xảy ra đối với tình hình eo biển Đài Loan.

Zhu Yongbiao, Giáo sư tại Trường chính trị và quan hệ quốc tế của Đại học Lan Châu, lưu ý rằng Kazakhstan và Uzbekistan đều ủng hộ Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc. Với cuộc chiến Ukraine và sự bất ổn tiềm tàng ở khu vực phía Tây của Trung Quốc, SCO và các nước Trung Á đã trở nên quan trọng hơn trong mắt Trung Quốc.

Theo Giáo sư Zhu, hầu hết các nước Trung Á đều có chính sách cân bằng quan hệ với Nga, Trung Quốc và Mỹ. Thực tế là đầu tư và cơ sở hạ tầng của Trung Quốc ngày càng thâm nhập vào các quốc gia đó và chính phủ của họ giữ khoảng cách với Nga trong cuộc chiến Ukraine, đồng nghĩa với việc vai trò của Bắc Kinh trong khu vực ngày càng gia tăng.

Bắc Kinh cũng coi SCO là một nền tảng để đảm bảo chủ nghĩa cực đoan tôn giáo và chủ nghĩa khủng bố không xâm nhập vào khu tự trị Tân Cương ở phía Tây xa xôi của họ, đặc biệt là sau khi quân đội Hoa Kỳ rút khỏi Afghanistan một năm trước.

Về đối nội, chuyến đi của ông Tập cũng có những ý nghĩa nhất định. Trong khi Trung Quốc vẫn duy trì chính sách zero Covid, thì chuyến đi có thể là dấu hiệu rằng Trung Quốc đang dần mở cửa. Và quan trọng không kém, ông Tập muốn khẳng định vị thế của mình trước kỳ Đại hội Đảng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ