Việc quy chụp, bình luận thiếu công tâm, suy diễn của không ít người đã ảnh hưởng đến uy tín người làm sách, hiểu nhầm về chất lượng bộ sách giáo khoa.
Nhiều hệ lụy
Hình ảnh trang sách có các ngữ liệu: Giã gạo thổi cơm, Bắn Tung Tóe, Bạn An dũng cảm, Bé xách đỡ mẹ, Vẽ gì khó..., nếu chỉ nhìn hình chụp mà không tìm hiểu dễ nhầm lẫn là thông tin trong sách giáo khoa Tiếng Việt. Chưa kể những lời viết định hướng, cố tình dẫn dắt người đọc hiểu sai cũng khiến nhiều người tin, bị cuốn theo mà không tìm hiểu ngọn ngành.
Hầu hết những ngữ liệu này chưa bảo đảm tính giáo dục, khiến người đọc bức xúc. Ví dụ, bài “Giã gạo thổi cơm” (Giã gạo thổi cơm trưa/ Còn thừa để đến tối/ Ai vay thì nói dối/ Nhà tôi hết gạo rồi/ Chống cối lên!) dạy trẻ nói dối, làm hiểu sai về giá trị sống đích thực, khiến tư duy trẻ méo mó, sai lệch.
Có phụ huynh hiểu nhầm đây là ngữ liệu trong sách giáo khoa và bày tỏ lo lắng: Nhà trường dạy học sinh như vậy là “khuyến khích sự không trung thực và cổ xúy thói vô cảm cho trẻ”. Hay bài “Bé xách đỡ mẹ”, không phải ca ngợi đứa trẻ thông minh, lanh lợi trong cách ứng xử mà dạy cho trẻ láu cá, ma lanh. Hình vẽ minh họa cho bài này là đứa trẻ khiếm khuyết về tay, đang xách túi nặng cùng mẹ đi chợ! Với sức lan tỏa nhanh của mạng Internet, hội chứng đám đông khiến số người hiểu nhầm đây là nội dung có trong sách giáo khoa và bình luận tiêu cực gia tăng.
Nhiều hình ảnh, nội dung ngữ liệu lan truyền trên mạng, được Bộ GD&ĐT khẳng định không có trong sách giáo khoa. Tuy nhiên, do phụ huynh khó kiểm chứng nên không ít người hoang mang, dễ phát ngôn, bình luận tiêu cực. Nguy hại hơn là tạo ra sự bất an, thiếu lành mạnh trong đời sống văn hóa người dân và xã hội. Dư luận sẽ đánh giá, nhìn nhận hết sức tiêu cực về năng lực chuyên môn của các tác giả, Hội đồng Thẩm định sách quốc gia, nhà xuất bản; mất niềm tin vào sách giáo khoa, kéo theo là nhìn nhận thiếu công tâm về Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Có thể nói, vấn nạn đưa tin giả, sai sự thật, ý đồ xuyên tạc diễn ra nhiều theo kiểu gieo rắc tin rác, xấu độc và đang xảy ra không chỉ trong lĩnh vực giáo dục. Điều này cảnh báo tình trạng nhờn luật, xâm phạm an ninh mạng của một số cá nhân, tổ chức, cố tình đưa tin vu khống qua một số bài học trong sách giáo khoa đã được phê duyệt đưa vào sử dụng trong trường học.
Học sinh TPHCM học theo Chương trình GDPT 2018. Ảnh minh họa: INT |
Nguyên nhân và cách xử lý
Rõ ràng một số cá nhân cố tình và có sự chuẩn bị bài bản, hợp lý để xuyên tạc, bôi nhọ sự thật về sách giáo khoa mới, khiến an sinh xã hội bị ảnh hưởng, tạo ra hoang mang trong nhà trường. Chúng ta có thể căn cứ vào Luật An ninh mạng và Luật Báo chí để xử lý những vi phạm này khi đã rõ người, nội dung vu khống. Những thông tin ảnh hưởng tới quyền lợi, danh dự, thiệt hại về mặt kinh tế thì có quyền khởi kiện ra tòa và cần được xử lý theo đúng quy định pháp luật.
Tuy nhiên, trong nội bộ ngành Giáo dục cần thận trọng, chỉn chu trong khâu xây dựng bản thảo và thẩm định sách giáo khoa; tránh tạo ra kẽ hở cho kẻ xấu lợi dụng bịa đặt, ảnh hưởng tới môi trường giáo dục lành mạnh vốn có.
Chúng ta khuyến khích tác giả sách giáo khoa sáng tạo và làm mới, phong phú các ngữ liệu ở sách giáo khoa (đây còn là quyền của tác giả). Nhưng quan điểm hay “gu” của cá nhân, nhóm người cần phù hợp với tính giáo dục đại chúng cho con trẻ, mặc dù sách giáo khoa không còn là pháp lệnh. Chúng ta không thể giáo dục các em kiểu khôn vặt, láu cá hay đưa ra những ngữ liệu nói rõ mặt trái của hành vi, thái độ con người, nhằm ngăn ngừa trước sai phạm có thể xảy ra cho người học. Điều này như con dao hai lưỡi, không nên trong cách giáo dục trẻ nhỏ.
Ngữ liệu, hình vẽ trong bài học cần diễn tả trong sáng, ngây thơ, ngộ nghĩnh và có thẩm mỹ, tính giáo dục cao bao gồm cả kênh chữ và hình. Cần bản lĩnh chính trị vững vàng, năng lực chuyên môn tốt, dựa trên sức nặng khoa học giáo dục của mọi thành viên Hội đồng Thẩm định sách giáo khoa để thuyết phục, cân bằng và hủy bỏ những bản thảo không phù hợp.
Bài thơ “Bắt nạt” của tác giả Nguyễn Thế Hoàng Linh, có nhiều dư luận khen chê, nên chăng chúng ta cố giữ trong bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống”? Các bài “Vẽ gì khó” hay “Bé xách đỡ mẹ” trong sách Tiếng Việt Công nghệ giáo dục cần được giải thích tức khắc, đó là sách thực nghiệm lưu hành trong nội bộ Trung tâm Công nghệ giáo dục và giờ là sách cũ không được sử dụng trong các nhà trường. Còn lại một số bài ở bộ sách “Đồng giao cho bé” như trong cuốn “Nựng nựng nà nà” của Nhà xuất bản Kim Đồng cần được nhà trường phân tích rõ cho học sinh, phụ huynh về mục đích chỉ là tham khảo tài liệu chứ không phải bài học trong sách giáo khoa.
Tất cả vấn đề trên cần có buổi thảo luận hay hội thảo công khai với học sinh, phụ huynh và giáo viên trong trường để làm rõ trắng đen đâu là nội dung sách giáo khoa đâu là sự bịa đặt ác ý ngoài nhà trường hay xã hội nhằm xuyên tạc sách giáo khoa.