Tỉnh táo lựa chọn ngành học

GD&TĐ - Mùa tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2018 đang nóng dần, các trường đua nhau tổ chức các ngày hội tuyển sinh để quảng bá hình ảnh, thu hút thí sinh.

Tỉnh táo lựa chọn ngành học

Với thí sinh, việc được tham khảo nhiều thông tin, tư vấn ngành nghề cũng như có thêm nhiều lựa chọn cho ngành nghề của mình là điều đáng mừng. Tuy nhiên, không phải ai cũng dễ dàng đưa ra quyết định đúng đắn là học trường nào, ngành gì, ở đâu cho phù hợp với mình, với gia đình và năng lực học tập.

Nhiều hấp dẫn, mới lạ

Năm nay, tại nhiều ngày hội tuyển sinh của các trường, những ngành nghề mới đáp ứng cuộc cách mạng 4.0, những ngành nghề được nhiều cơ sở đào tạo cho rằng, thị trường việc làm là rất tốt đã thực sự hấp dẫn người học. Ngoài ra, đã có sự tham gia của các doanh nghiệp vào quá trình đào tạo. Có doanh nghiệp sát cánh cùng nhà trường để tư vấn và hỏi đáp về tuyển dụng sau này.

Bạn Nguyễn Tuấn Anh, học sinh lớp 12 Trường THPT Trần Phú, Hà Nội, khi đến tham dự Ngày hội tư vấn của Trường Đại học Hà Nội đã vui vẻ cho biết: “Em thấy quá nhiều cơ hội học tập phù hợp với năng lực của mình, được các thầy cô tư vấn về chương trình 2+2 học ngành kinh tế tại Việt Nam và nước ngoài, bằng do nước ngoài cấp. Em thấy chương trình này hay, sẽ về bàn và xin ý kiến bố mẹ để quyết định”.

Ngày hội tuyển sinh của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cũng thu hút đông đảo học sinh và phụ huynh tham dự. Năm nay sẽ có thêm nhiều ngành học mới hấp dẫn thí sinh. Theo đó, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân có một số ngành học mới được tách ra từ một số ngành học cũ của trường, hứa hẹn nhiều khởi sắc là: Kinh tế phát triển, khoa học quản lý, Quản lý công, Quản lý tài nguyên và môi trường, Luật Kinh tế, Quản lý đất đai.

Ngoài ra, một số ngành mới khác như logistics và quản lý chuỗi cung ứng, Thương mại điện tử, Quản lý dự án, Định phí bảo hiểm và quản trị rủi ro (học bằng tiếng Anh) và đặc biệt là ngành Khởi nghiệp và phát triển cũng học bằng tiếng Anh. Các ngành học này đều mới lạ và được cho rằng, đáp ứng yêu cầu nhân lực của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Không chỉ đưa ra những ngành học hấp dẫn, nhiều trường còn có những lời hứa vàng là việc làm sau tốt nghiệp để thu hút thí sinh. Đó là Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội với lời hứa sẽ bố trí việc làm đối với sinh viên theo học các ngành nghề trọng điểm tại trường. Nhà trường cam kết bố trí việc làm tại Hà Nội và các tỉnh lân cận đối với sinh viên tham gia khóa học và tốt nghiệp ra trường trình độ cao đẳng một trong 7 nghề chất lượng cao với mức lương khởi điểm từ 7 triệu đồng trở lên đối với những sinh viên có học lực khá và hạnh kiểm tốt...

Chọn lựa ngành học sao cho vừa sức mình

Nhiều hấp dẫn, mới lạ, tuy nhiên vấn đề đặt ra đối với thí sinh là chọn lựa ngành học nào, trường nào sao cho vừa sức mình. Nhiều nhà tuyển dụng lao động cũng đưa ra khuyến cáo, gần đây doanh nghiệp tìm người phụ thuộc vào chuyên môn, năng lực làm việc nhiều hơn là bằng cấp.

Thực tế cho thấy, có bằng cấp, đúng chuyên môn là điều kiện đủ, nhưng không phải là yếu tố quyết định để được chấp nhận tuyển dụng mà điều cần thiết là lao động đó có đáp ứng được yêu cầu công việc không. Một số nghiên cứu độc lập cũng chỉ ra rằng, có một thực tế đang diễn ra trong xã hội là không phải cứ tốt nghiệp đại học với tấm bằng chuyên môn gì thì làm nghề với chuyên môn đó. Có thể học đại học, cao đẳng hay trung cấp nghề, điều quan trọng là năng lực làm việc và tình yêu với nghề mới là nền tảng để có việc làm và thu nhập ổn định.

PGS.TS Phạm Tiết Khánh – Chủ tịch Hiệp hội cao đẳng Cộng đồng Việt Nam - cho rằng: Chọn lựa ngành học nào, trường nào sao cho phù hợp với năng lực và điều kiện của gia đình đối với mỗi thí sinh là vô cùng cần thiết. Không nhất thiết phải lên học ở những thành phố lớn khi điều kiện kinh tế, hoàn cảnh gia đình chưa cho phép. Hệ thống các trường cao đẳng cộng đồng ở khắp cả nước đã và đang đáp ứng nhu cầu đào tạo nghề đa dạng, phong phú và chất lượng, đáp ứng tốt nhu cầu lao động đặc thù cho từng địa phương. Vấn đề là người học có nhận thấy việc học nghề gắn với việc làm là cần thiết không hay là còn những mong ước khác. Các địa phương hiện nay đều có những trường chuyên nghiệp, có những khu công nghiệp luôn cần lao động người địa phương.

Nhiều chuyên gia tuyển sinh cũng cho rằng, không nên lựa chọn những trường, ngành quá sức mình vì suy cho cùng học ở đâu thì vẫn cứ là mục đích để đi làm. Hãy lựa sức mình, nếu sức học vừa phải, thì không nhất thiết phải cố vào một trường đại học. Trong xã hội hiện đại, nhu cầu học tập được đáp ứng liên tục và suốt đời, hơn nữa đại học không phải là con đường duy nhất để các bạn trẻ vào đời.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ