Chúng tôi đã có cuộc trao đổi ngắn với TS Đỗ Hữu Hoàng-Trưởng khoa Công nghệ hoá học, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM về những điều đã tạo nên con con số ấn tượng trên.
PV: Thưa TS, nhóm ngành hoá hiện đang có nhiều tên gọi, có trường đào tạo Công nghệ hóa, trường lại đào tạo hóa dầu hay ngành hóa học. TS có thể giúp phân biệt việc gọi tên khác nhau thì chương trình đào tạo khác nhau như thế nào? Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM nhóm ngành hóa gồm những lĩnh vực gì?
TS Đỗ Hữu Hoàng: Ngành hóa học nói chung đào tạo những chuyên ngành liên quan đến hóa chất và dẫn suất.
Cụ thể, ngành công nghệ hóa đào tạo kỹ sư thiên về hệ thống công nghệ, thiết kế, sản xuất, ứng dụng. Cử nhân hóa học đào tạo thiên về nghiên cứu cơ bản. Hoá dầu là cũng là ngành công nghệ hóa học nhưng trọng tâm là chế biến dầu mỏ.
Tại trường chúng tôi ngành Công nghệ hóa học đào tạo kỹ sư hóa, trong đó có 5 chuyên ngành chính là Kỹ thuật quá trình và Thiết bị trong công nghệ hóa học, Công nghệ hóa hữu cơ, Công nghệ hóa vô cơ, Kỹ thuật phân tích và đảm bảo chất lượng và Công nghệ hóa Mỹ phẩm.
Tiến sĩ Đỗ Hữu Hoàng (trái) trong một buổi bảo vệ luận án Tiến sĩ cấp trường của học viên |
PV: Các chuyên gia tư vấn tuyển sinh khuyên học sinh rằng nên chọn ngành theo đam mê và khả năng của bản thân, còn ông có lời khuyên nào cho các em. Nhóm ngành này có độc hại như nhiều người nghĩ không thưa ông?
TS Đỗ Hữu Hoàng: Việc chọn ngành theo đam mê là đúng nhưng với ngành hóa sẽ phù hợp hơn nếu các em có năng khiếu về khoa học tự nhiên và đam mê nghiên cứu.
Có thể nói nghiên cứu khoa học của ngành hóa rất bận rộn và có nhiều hướng khác nhau. Hiện nay phạm vi công việc của ngành Công nghệ hóa học rất lớn, mặt khác đây là ngành nghề cốt lõi nên xã hội luôn cần cả chất và lượng.
Tôi chỉ khuyên các em chọn ngành nghề nào cũng phải xem xét nhu cầu xã hội và nguyện vọng của bản thân để đưa ra quyết định riêng. Có sự tìm hiểu thấu đáo các em sẽ không còn băn khăn về việc làm sau này.
Về yếu tố độc hại, ngành nào cũng có đặc thù riêng. Với ngành hóa việc hiểu biết về hóa chất sẽ không còn là vấn đề. Điều quan trọng là chúng ta phải tuân thủ quy định, quy trình đối với hóa chất.
PV: Các ngành thuộc nhóm công nghệ cần có sự đầu tư rất lớn, vậy ngành này tại Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM được đầu tư như thế nào?
TS Đỗ Hữu Hoàng: Đặc trưng của ngành này các dụng cụ nghiên cứu, thí nghiệm đều rất đắt tiền. Có những dụng cụ phải đầu tư hàng chục tỷ đồng.
Trường chúng tôi đang sử dụng Trung tâm thí nghiệm thực hành hóa với máy móc dụng cụ được chuẩn hóa theo tiêu chuẩn Châu Âu cho sinh viên theo học để làm thí nghiệm và nghiên cứu.
Sinh viên Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM tham gia các khóa thực tập kỹ năng phỏng vấn, xin việc |
PV: Sinh viên ngành hoá ra trường sẽ đảm nhận vị trí việc làm như thế nào. Nhà trường có cam kết gì về việc làm cho sinh viên hay không thưa ông?
TS Đỗ Hữu Hoàng: Như tôi nói nhu cầu xã hội hiện nay và trong tương lai đối với ngành hóa là rất lớn. Tại trường chúng tôi 92,5% sinh viên tốt nghiệp Khoa Công nghệ hóa học có việc làm đúng ngành trong vòng 6 tháng.
Trong đó phần lớn là các em tự tìm việc, một số nhỏ được giảng viên trong khoa giới thiệu. Các em là những kỹ sư trong các nhà máy sản xuất, kiểm nghiệm viên, kinh doanh hóa chất – thiết bị, làm ở các viện, trường, các phòng thí nghiệm, các công ty thiết kế máy hóa...
Hiện nay chúng tôi phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp để nâng cao chất lượng đào tạo, đặc biệt giúp sinh viên sớm thích ứng, đảm bảo chất lượng đầu ra đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp.
PV: Vậy học ngành này thì cơ hội khởi nghiệp sẽ như thế nào thưa ông?
TS Đỗ Hữu Hoàng: Cơ hội khởi nghiệp đối với ngành Công nghệ hóa học là rất lớn. Chỉ cần một công thức sản phẩm hoàn chỉnh có thể giúp các em khởi nghiệp thành công. Hiện nay lượng sinh viên của khoa ra trường lập doanh nghiệp rất nhiều trong đó có em rất thành công.
PV: Xin cảm ơn ông!