Tỉnh táo khi lựa chọn đăng bài trên tạp chí khoa học quốc tế

GD&TĐ - Dù thường xuyên được cảnh báo nhưng không ít giảng viên vẫn dính quả lừa từ các tạp chí khoa học quốc tế không còn thuộc Scopus.

Nghiên cứu khoa học luôn cần tính chân thực và sự dẫn dắt của tinh thần học thuật. Ảnh minh họa
Nghiên cứu khoa học luôn cần tính chân thực và sự dẫn dắt của tinh thần học thuật. Ảnh minh họa

Sự mập mờ này không chỉ làm ảnh hưởng uy tín của tác giả các bài báo khoa học (công trình nghiên cứu), mà còn tác động đến môi trường hoạt động khoa học nói chung.

Thường xuyên rà soát và đối sánh danh mục xếp hạng

Vụ việc nhiều tác giả có bài báo khoa học tại Trường ĐH Tài chính - Marketing đăng trên tạp chí khoa học quốc tế và được khen thưởng nhưng sau khi rà soát thì các tạp chí này đã văng ra khỏi danh mục cơ sở dữ liệu các bài báo từ các tạp chí uy tín (Scopus) một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về môi trường và không gian học thuật khoa học ngoài biên giới Việt Nam.

Hiện nay, để thúc đẩy lực lượng giảng viên, nhà nghiên cứu tham gia sâu vào hoạt động nghiên cứu khoa học, hầu hết các trường đại học đều có chính sách khen thưởng, hỗ trợ cho hoạt động nghiên cứu và các công bố quốc tế trên các tạp chí khoa học danh tiếng trên thế giới. Mức độ khen thưởng tùy công trình nghiên cứu được công bố trên hệ thống tạp chí thuộc danh mục ISI, SSCI hay Scopus…dao động từ 50 - 120 triệu đồng/bài.

“Thực tế, để tránh trường hợp các tạp chí giả mạo len lỏi, chen chân vào hoạt động trong môi trường khoa học, hàng năm hệ thống khoa học của ISI hay Scopus đều công bố danh sách các tạp chí đạt và thuộc hệ thống. Cộng đồng khoa học trong và ngoài nước vẫn thường xuyên cập nhật và công bố (cảnh báo) các tạp chí khoa học giả mạo hoặc mạo danh để tác giả nghiên cứu, nhà khoa học biết và không đăng bài. Tuy nhiên, nếu không thường xuyên rà soát hay để ý, nhất là chủ quan khi nghĩ tạp chí đó năm trước vẫn được xếp hạng Q2, Q3 mà gửi bài thì có thể rơi vào trường hợp bị hớ”, TS Nguyễn Trung Nhân nói.

Theo TS Nguyễn Trung Nhân - Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, nếu tính cả hệ thống các tạp chí khoa học thuộc danh mục ISI, Scopus, SSCI thì trên thế giới có khoảng 100.000 tạp chí khoa học có tiếng. Đây là con số rất lớn cho không gian học thuật, nghiên cứu và tất nhiên để sàng lọc các tạp chí này có đạt và nằm trong danh mục hàng năm không rất quan trọng.

Theo ông M.H.T, Phó Hiệu trưởng một trường đại học tại TPHCM, có cầu ắt có cung. Khi nhu cầu đăng bài báo khoa học để tính điểm tại các trường đại học, khu vực (Đông Nam Á, châu Á) gia tăng thì lực lượng “cò khoa học” xuất hiện. Hiện theo thống kê, trên thế giới có hàng ngàn tạp chí khoa học tồn tại chủ yếu nhằm bòn rút tiền từ các tác giả.

Những tạp chí “lừa đảo” này có kế hoạch marketing rất bài bản, thực hiện quy trình bình duyệt với những chuyên gia dễ dãi hoặc thậm chí không hề tồn tại; không bảo đảm tính chính xác hoặc minh bạch về mặt khoa học… với mục tiêu cuối cùng là lấy phí đăng bài. Nếu các nghiên cứu sinh, nhà khoa học không tìm hiểu và nghiên cứu kỹ với những tạp chí không có tên tuổi, mới hoạt động 4 - 5 năm thì rất dễ bị ăn quả lừa”, ông T nói.

Ảnh minh họa Internet.

Ảnh minh họa Internet.

Khuyến khích làm nghiên cứu nhưng không đồng nghĩa với dễ dãi

TS Thái Doãn Thanh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM cho biết, các trường, cộng đồng khoa học thường xuyên cập nhật, đánh giá các tạp chí khoa học trên thế giới nằm trong danh mục ISI hoặc Scopus. Bản thân tác giả khi thực hiện việc đăng bài thường chọn những tạp chí danh tiếng, có độ uy tín và tuổi đời hoạt động lâu để nghiên cứu tiêu chí và thực hiện viết bài.

“Vì vậy, tôi nghĩ việc một tác giả hay nhà nghiên cứu năm nay có bài báo được khen thưởng vì đăng trên tạp chí khoa học thuộc danh mục Scopus nhưng năm sau lại không còn nằm trong danh mục cũng là chuyện bình thường. Bởi tạp chí đó năm trước có thể nằm ở mức Q2, Q3 nhưng vì chất lượng đội ngũ biên tập, nội dung tạp chí đi xuống, không còn bảo đảm các tiêu chí chung thì rớt khỏi hệ thống ISI, Scopus cũng dễ hiểu.

Hiện nay, việc xét thưởng cho nhà khoa học, nhà trường dựa trên nhiều nguyên tắc, trong đó có tính thời điểm. Thực tế, việc xét thưởng một bài báo khoa học quốc tế có quy trình xét duyệt và hậu kiểm rất kỹ từ Phòng quản lý khoa học, hội đồng khoa học của từng trường… nên rất khó có chuyện bài báo đăng ở tạp chí khoa học không tên tuổi, lừa đảo mà có thể được khen thưởng”, TS Thái Doãn Thanh khẳng định.

TS Nguyễn Trung Nhân nhìn nhận, để đánh giá chất lượng của một tạp chí không phải là điều đơn giản, nhưng có những nguồn thông tin sẵn có mà chúng ta có thể dựa vào. Trong trường hợp không có “danh sách đen” của Beall, Retraction Watch, người ta vẫn có thể dựa vào các danh sách của JCR và DOAJ. Các nhà nghiên cứu cũng có thể kiểm tra xem một tạp chí được lập chỉ mục trong các cơ sở dữ liệu trích dẫn có uy tín như Scopus hay Web of Science.

“Các tiêu chí để đánh giá chất lượng nhà xuất bản và tạp chí truy cập mở bao gồm những tiêu chí do Beall tập hợp hoặc thông qua sự hợp tác của một số tổ chức cộng đồng, bao gồm Ủy ban về Đạo đức xuất bản, DOAJ, Hiệp hội Nhà xuất bản Học thuật Truy cập Mở… Tất nhiên khi sản phẩm được đăng tải, trước khi thực hiện việc khen thưởng, công tác hậu kiểm, kiểm duyệt nội dung bao giờ cũng được phòng quản lý khoa học làm chặt chẽ, bởi quan điểm của nhà trường là khuyến khích giảng viên nghiên cứu và làm khoa học nhưng không đồng nghĩa việc khuyến khích đó với sự dễ dãi”, TS Nhân nói.

Để hỗ trợ các nhà khoa học, mới đây Retraction Watch (trang thông tin quen thuộc với giới nghiên cứu) đã ra mắt danh mục cảnh báo tạp chí mạo danh. Danh mục cảnh báo tạp chí mạo danh của Retraction Watch được tạo ra từ sự hợp tác giữa trang tin này với TS Anna Abalkina, chuyên gia nghiên cứu về liêm chính khoa học tại Đại học Tự do Berlin (Freie Universität Berlin).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ