Giải pháp để tạp chí khoa học Việt Nam vươn tầm quốc tế

Giải pháp để tạp chí khoa học Việt Nam vươn tầm quốc tế

(GD&TĐ)-“Điều khiến các nhà quản lí hoạt động khoa học và công nghệ, các nhà khoa học Việt Nam trăn trở là cho đến nay, chưa có tạp chí khoa học nào của nước ta được Viện Thông tin Khoa học (ISI) xếp hạng. Điều này cũng chứng tỏ, hoạt động khoa học và công nghệ của nước ta chưa đạt được trình độ của các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới”.

cxcx
Hội thảo "Nâng cao chất lượng tạp chí khoa học trong các cơ sở giáo dục ĐH”. Ảnh:dtd.vn

Ý kiến trên của Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ GD&ĐT) Tạ Đức Thịnh cũng là băn khoăn chung của các nhà khoa học, lãnh đạo các trường đại học, trung tâm nghiên cứu tại Hội thảo "Nâng cao chất lượng tạp chí khoa học trong các cơ sở giáo dục đại học” do Bộ GD&ĐT phối hợp với Nhà xuất bản Elsevier tổ chức sáng nay (8/12) tại trường ĐHSP Hà Nội.

Theo ông Tạ Đức Thịnh, hiện nay, hầu hết các trường đại học trực thuộc Bộ GD&ĐT đều có tạp chí khoa học, có tạp chí xuất bản 1 tháng 1 số, có tạp chí xuất bản 3 tháng 1 số. Một số trường đại học có tạp chí xuất bản bằng tiếng anh. Tuy nhiên, số lượng các bài báo công bố trên các tạp chí thuộc danh mục ISI không nhiều. So với các nước trong khu vực Đông Nam Á như Singapo, Thái Lan hoặc Malaisia thì các công bố quốc tế của các trường đại học nước ta còn khá khiêm tốn và chưa tương xứng với tiềm lực khoa học và công nghệ của các trường.

Nói về nguyên nhân của yếu kém này, ông Tạ Đức Thịnh cho rằng, do chất lượng các đề tài nghiên cứu chưa cao, kết quả nghiên cứu ít có điểm mới, chưa đạt được các quy chuẩn quốc tế. Công tác đánh giá, nghiệm thu đề tài nghiên cứu không theo chuẩn quốc tế. Nhiều đề tài nghiệm thu đạt loại xuất sắc nhưng không thể công bố kết quả nghiên cứu trên các tạp chí khoa học quốc tế uy tín. Chưa có cơ chế bắt buộc và khuyến khích đăng tải kết quả nghiên cứu trên các tạp chí khoa học quốc tế uy tín và trình độ ngoại ngữ của nhà khoa học còn hạn chế.

Khắc phục những hạn chế nêu trên, trong thời gian vừa qua, Bộ GD&ĐT đã thí điểm đầu tư kinh phí nâng cao chất lượng 4 tạp chí khoa học của Trường: ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Kinh tế quốc dân và ĐH Huế. Đổi mới quy trình xét chọn, tuyển chọn, thẩm định, đánh giá các đề tài nghiên cứu khoa học để nâng cao chất lượng các đề tài nghiên cứu. Khuyến khích công bố kết quả nghiên cứu bằng tiếng Anh. Mở rộng hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ, tăng cường triển khai các đề tài nghiên cứu theo hình thức Nghị định thư hoặc hợp tác song phương. Tuy nhiên, một thực tế là Vịệt Nam mới chỉ có một vài tạp chí khoa học tạm được gọi là có tính quốc tế với chất lượng thấp.

Để tăng vị thế của tạp chí khoa học trong các cơ sở giáo dục đại học trên trường quốc tế, theo GS.TSKH.Nguyễn Tự Cường – Viện Toán học, Viện KH&CN Việt Nam cần có một chiến lược phát triển tạp chí khoa học Việt Nam. Chiến lược này cần dựa trên sự phân tích sâu sắc về đặc thù cũng như những mặt mạnh, yếu của từng chuyên ngành khoa học của Việt Nam, qua đó có được quy hoạch tổng thể, định hướng cho quy mô phát triển tạp chí khoa học từng ngành. Bên cạnh đó, cũng cần khuyến khích các tạp chí khoa học mang tính quốc tế, đồng thời có sự đầu tư thích đáng cả về vật chất cũng như con người.

GS.TSKH.Nguyễn Tự Cường cũng cho rằng, cần có chủ trương đúng để phát triển tạp chí khoa học của Việt Nam. Không nên cho rằng, chỉ những công trình đăng trên các tạp chí thuộc danh sách của ISI mới có ý nghĩa khoa học, còn những công trình được đăng trên các tạp chí khoa học của Việt Nam đều không có ý nghĩa hoặc có ý nghĩa khoa học thấp. Điều này chỉ càng làm cho tạp chí khoa học trong nước không phát triển được vì sẽ thiếu nguồn cung cấp bài quan trọng nhất từ các nhà khoa học nghiên túc trong nước.

Tuy nhiên, để Việt Nam có những tạp chí khoa học có chất lượng sánh vai với các tạp chí trong khu vực và trên thế giới là một việc làm mang tầm quốc gia, đòi hỏi thời gian và những nỗ lực lớn lao không chỉ của những nhà khoa học trong nước mà của cả các cấp quản lý khoa học và giáo dục cả nước.

Hiếu Nguyễn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ