Hai người đàn bà khốn khổ
Đó là câu chuyện cổ tích giữa đời thường và hết sức cảm động, đầy ắp tình người của bà Trần Thị Anh (86 tuổi, quê quán xã Quế Lộc, huyện Nông Sơn, Quảng Nam) và bà Nguyễn Thị Quế (76 tuổi, quê xã Đại Thạnh, huyện Đại Lộc, Quảng Nam). Hiện, hai bà tạm trú tại nhà trọ hẻm 250/36 đường Nguyễn Công Trứ, tổ 25 phường An Hải Đông, quận Sơn Trà (TP Đà Nẵng).
Ký ức bà Anh ùa về, chập chờn. Ngày đó cách đây hơn 5 năm, vào một ngày đầu tháng 5/2012, bà Anh một thân một mình lặn lội từ quê ra Đà Nẵng bán vé số và lượm chai bao, mong sao đổi lấy miếng cơm, manh áo, chỗ ngủ qua ngày.
Thế nhưng số phận của bà lại không may: Cuối tháng 7/2015 trong lúc bán vé số trên vỉa hè đường Nguyễn Công Trứ, bà bị 2 thanh niên đi xe máy tông mạnh làm gãy chân trái. Khi vào Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng, bà được bác sĩ chỉ định phẫu thuật song do tuổi cao, sức yếu lại có vấn đề về tim mạch ảnh hưởng đến tính mạng, nên bà chỉ có thể bó bột, rồi nằm một chỗ.
Sau vụ tai nạn giao thông và được điều trị, song do khớp xương chân không liền với nhau, mỗi ngày càng teo tóp dần bà cũng chỉ nằm tại chỗ, mọi sinh hoạt cá nhân đều phải có người trợ giúp.
Bà Quế gặp bà Anh trong một lần đi bán vé số và lượm chai bao ở chợ An Cư 2 (phường An Hải Đông). Lúc ấy, bà Anh bị chủ trọ lấy lại nhà để cho người khác thuê nhưng sự thật không phải thế. Lý do chính là bà tuổi đã già, sống chết lúc nào chẳng ai biết.
Thấy bà Anh ban đêm nằm co ro nơi góc chợ tối tăm, bà Quế chạnh lòng, thương người cùng cảnh ngộ, nên đưa bà Anh về ở chung nhà trọ với mình. Được một thời gian ngắn thì cả hai bị chủ nhà trọ không cho ở, cũng vì lý do sức khỏe, tuổi tác. Cũng may mắn sao, hai bà tìm được căn nhà ở trong hẻm trên đường Nguyễn Công Trứ, của một người chủ nhà tốt bụng và hai bà trọ, sinh sống cho đến hôm nay.
Sự sẻ chia của mọi người
Trao đổi với chúng tôi, bà Quế cho biết: “Tôi quê ở Đại Thạnh; nhà đông con cuộc sống nghèo khó, lay lắt bữa đói, bữa no không nương tựa được ai nên tôi phải một mình ra Đà Nẵng để tự kiếm sống, bằng nghề bán vé số và lượm chai bao. Tôi với bà Anh ở hai quê khác nhau xa lắc.
Trước đó, hai người không hề quen biết, không bà con, không họ hàng thân thuộc nhưng cùng chung cảnh ngộ, rồi đến với nhau thương yêu, đùm bọc như hai chị em ruột thịt vậy. Hiện tại, bà Anh và tôi cần lắm những tấm lòng thơm thảo, sẻ chia, nhân ái của mọi người ngoài xã hội…”.
Theo lời bà Quế, khi bà Anh bị tai nạn giao thông được chuyển đến bệnh viện chạy chữa chỉ được một thời gian ngắn, do chi phí điều trị cao, lại không có thẻ bảo hiểm y tế nên bà Quế đành phải ngậm ngùi đưa bà Anh về nhà trọ chăm sóc, được ngày nào hay ngày ấy. Được biết, mỗi tháng giá thuê căn trọ là 2 triệu đồng (kể cả tiền điện, nước) song cũng đỡ phần nào, là nhờ ở chung với một nam thanh niên đang làm nghề thợ sơn, người này trả 800.000 đồng, còn lại hai bà phải trả 1,2 triệu đồng.
Bên cạnh đó, chính quyền sở tại, bà con chòm xóm, tổ dân phố cũng thường xuyên đến hỏi thăm, động viên, giúp đỡ tinh thần lẫn vật chất, nhiều khi trong nhà hết gạo, hết thức ăn, hết tiền thì bà con mang qua cho, hoặc trong lúc bà Quế đi bán vé số và lượm chai bao ở chợ, cũng được mọi người thấy thương hỗ trợ tiền… qua đó mang ý nghĩa nhân văn và ấm áp tình người sâu sắc.