Lượng lương thực, thực phẩm từ đất liền gửi ra cho cán bộ, chiến sỹ đảo Mắt (Nghệ An) khá nhiều khiến cho con tàu nhỏ càng chật vật khó khăn khi vượt làn sóng dữ. Chẳng lấy gì làm lạ, những cơn giông bất chợt giữa biển như thế thường xuyên xuất hiện trong khoảng thời gian tháng 6, tháng 7 hàng năm …
Ngư dân nguy kịch giữa biển khơi
Khi tàu cách đảo Mắt chừng 3km, từ trên boong tàu, chiến sĩ làm nhiệm vụ quan sát phát hiện một tàu đánh cá của ngư dân đang quay tít lá cờ Tổ quốc vốn thường được cắm trên cabin lái. Một tín hiệu cấp cứu hay thông báo sự việc bất thường gì chăng? Thông tin lập tức được chuyển tới buồng chỉ huy tàu. Đại úy Nguyễn Văn Dũng - Trưởng tàu - suy nghĩ nhanh: Tình huống khẩn cấp đây!
Dù biết bộ đội trên đảo đang mỏi mắt trông chờ tiếp tế từ đất liền gửi ra, sau nhiều ngày phải chịu cảnh ăn cơm với thịt hộp do mưa bão liên tiếp, nhưng với quan điểm “cứu dân là trên hết”, nên gần như ngay lập tức, Trưởng tàu Nguyễn Văn Dũng lệnh cho thủy thủ rẽ sóng thẳng tiến về hướng tàu bị nạn.
Khoảng nửa giờ sau, con tàu tiếp tế quân sự đã áp sát tàu cá đang ra tín hiệu khẩn cấp. Số hiệu tàu QNG-5217 cho biết con tàu thuộc về các ngư dân đến từ tỉnh Quảng Ngãi. Rất nhanh chóng, một số thủy thủ và cán bộ quân y đã chuyển sang boong con tàu gỗ trong tiếng reo mừng đầy hoan hỷ của các ngư dân.
Thì ra con tàu đang trở về sau nhiều ngày đánh bắt xa bờ thì chết máy - một điều hết sức nguy hiểm giữa đại dương, nhất là trong mưa giông, khi thuyền bè không còn lực chuyển động sẽ có nguy cơ rất cao bị sóng đánh chìm. Nhưng sự việc còn nghiêm trọng hơn thế, khi ngư dân đưa các chiến sĩ vào trong khoang. Ở đó, một thanh niên trạc chừng 20 tuổi đang ôm bụng lăn lộn, mặt mũi bơ phờ, tái mét.
Với kinh nghiệm lâu năm, sau khi thăm khám sơ lược, sĩ quan trẻ Phan Doãn Tuấn (cán bộ quân y của đảo Mắt, đang trở lại đơn vị sau chuyến nghỉ phép ngắn ngày) đã xác định ngày: Bệnh nhân này bị viêm ruột thừa cấp tính, nếu không kịp thời mổ sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Đáng kể hơn, bệnh tình của ngư dân này phát tác được hơn một ngày, nghĩa là đã vào giai đoạn nguy kịch, mà nếu người không có sức khỏe thì khó có thể trụ nổi…
Nghĩa tình quân dân
Cứu người hơn cứu hỏa, do vậy sau cuộc hội ý chớp nhoáng, các cán bộ chiến sĩ trên con tàu đã gần ra đến đảo Mắt đã quyết định chuyển ngay bệnh nhân sang tàu và cấp tốc quay vào đất liền để đưa đến bệnh viện. Một nhóm thợ kỹ thuật cũng được điều từ bên chiếc tàu quân sự sang, ở lại để giúp ngư dân sửa động cơ tàu cá, sau đó sẽ được đưa vào đảo Mắt.
Con tàu đưa bệnh nhân đang nguy kịch vào đến đất liền thì trời đã nhá nhem tối, mưa bắt đầu nặng hạt. Dù đói và mệt, nhưng y tá Phan Doãn Tuấn quyết định vẫn đi theo xe đưa bệnh nhân đến khoa B2 - Bệnh viện Quân y 4 ở thành phố Vinh để cấp cứu.
Anh Phan Doãn Tuấn kể: “Hôm đó trời nổi sấm sét đùng đoàng nên cả thành phố mất điện, trời tối đen như mực nhưng nhờ có ánh sáng của máy phát điện và sự tận tâm, tận lực của đội ngũ y bác sỹ nên ca mổ đã thành công ngoài mong đợi. Mất một tuần, Sang (tên của bệnh nhân) phải nằm điều trị tại bệnh viện. Trong khoảng thời gian ấy, ngày nào chỉ huy đơn vị cũng cử chúng tôi đến chăm sóc cho cậu”.
Khi bệnh tình của Sang đã thuyên giảm, các cán bộ chiến sĩ hỏi chuyện, được biết quê Sang ở huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nên mới 16 tuổi, em đã phải bỏ học để theo chân người bác ruột ra khơi đánh cá kiếm tiền về phụ giúp bố mẹ đau yếu quanh năm. Biết hoàn cảnh đáng thương ấy, khi Sang đã bình phục hoàn toàn và chuẩn bị lên đường về quê, các cán bộ chiến sĩ đã bảo nhau ủng hộ, người ít người nhiều, giúp em lộ phí hồi hương. “Hôm chia tay, có cả một số ngư dân trên chiếc tàu cá gặp nạn hôm trước cũng ra đón Sang. Ai cũng cảm động nắm tay nhau mãi, cứ như thân tình từ lâu lắm”, anh Phan Doãn Tuấn bồi hồi nhớ lại.
Bẵng đi một thời gian khá dài, vào một buổi chiều trời đầy gió, sĩ quan quân y Phan Doãn Tuấn (giờ đã mang quân hàm Thiếu tá) đang ngồi trong phòng làm việc ở đơn vị, đóng trên đảo Mắt, thì nghe chiến sỹ Thông tin đơn vị báo có một chiếc tàu cá đang cập vào bến của đảo, xin gặp “bác sĩ Tuấn”. Gấp vội cuốn sổ, anh lật đật đi ra phía chân cầu cảng. Thật lạ, một nhóm ngư dân ăn mặc rất chỉnh tề đang tiến lại, dẫn đầu là một người chạc 30, bước vội lên phía trước với nụ cười tươi tắn. Anh lập tức nhận ra: Sang, cậu ngư dân trẻ năm xưa đây mà, nhưng sao đi biển lại ăn mặc thế này…
“Giây phút tái ngộ, chúng tôi ai nấy đều vui mừng khôn tả. Tôi còn vui hơn khi biết Sang giờ đã trở thành một ông chủ của một doanh nghiệp chuyên thu mua, chế biến hải sản. Chuyến đi này là anh tổ chức để đưa những ngư dân trên con tàu cá năm xưa quay lại đảo Mắt cảm ơn các cán bộ chiến sĩ. Chúng tôi ôm nhau thật chặt như người thân lâu ngày mới có dịp gặp lại nhau. Gió biển hun hút lạnh nhưng sao tôi vẫn thấy lòng mình ấm lạ”, Thiếu tá Phan Doãn Tuấn không nén được xúc động khi kể câu chuyện…