Xung quanh thông tin người dân Cà Mau phát hiện cây dầu nghi 200 tuổi ở bãi biển, chiều ngày 17/4, chia sẻ với báo Đất Việt, ông Nguyễn Phương Nam - Chủ tịch UBND xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển (Cà Mau) xác nhận sự việc và cho rằng:
"Một người dân làm trên biển phát hiện thấy khúc gỗ nhô lên thì kêu gọi anh em trong dòng họ xuống đào mất khoảng 8-10 ngày mới xong. Sau khi đào được lên thì phía Hạt kiểm lâm huyện có xuống lập biên bản và cho biết đây là cây dầu có tuổi thọ khoảng 200 năm tuổi. Cây dầu này được đào lên từ dưới đất sâu dưới biển khoảng 1-2 mét, không phải đang trôi dạt trên biển".
Cũng theo ông Nam, người dân cũng như chính quyền địa phương không biết cây dầu này trôi dạt đến đó từ hồi nào. Khi người dân đào lên, cây dầu vẫn còn tốt, nguyên rễ cây, thân và nhánh cây.
"Theo phía ngành chức năng cho biết, giá trị cây dầu này khoảng 100-120 triệu đồng, đến giờ chưa có ai hỏi mua. Nếu chúng ta nhìn bằng mắt thường thì thấy cây dầu này vẫn như cây bình thường, chỉ có vỏ cây hơi bị mòn vì có khi nằm đất lâu năm rồi", ông Nam nói thêm.
Cho biết về hướng giải quyết cây dầu này, vị Chủ tịch xã Tân Ân nói: "Cây dầu này do người dân lượm được, mặc dù vậy đây cũng là tài sản quốc gia. Bởi vậy, nếu có bán được cây dầu này thì sẽ trả tiền công người đào, còn đâu chia đôi: một nửa cho người phát hiện, còn một nửa trả về ngân sách nhà nước. Hiện cây dầu này đã được người dân đem lên 1 cái bãi để chờ hướng xử lý, và có được che phủ kỹ càng".
Nói về gỗ cây dầu, cùng ngày, trao đổi với báo Đất Việt, anh Nguyễn Văn Dũng - Chủ xưởng gỗ lớn ở huyện Thanh Oai, Hà Nội cho biết: "Cây dầu này ngoài miền Bắc dường như là không thấy, chủ yếu chỉ có ở trong Nam.
Tuy nhiên, làm trong nghề tôi cũng biết chút về loài cây này. Cây dầu rất có ích, ngoài việc lá cây dầu có thể dùng làm thuốc cho bệnh nhân hít để làm sạch đường hô hấp, thân cây dầu còn để lấy gỗ làm cột nhà, đồng thời cũng là vật liệu quý dùng để đóng tàu thuyền và dùng vào nhiều việc khác. Tóm lại dùng gỗ dầu để trang trí nội thất là 1 nhu cầu lớn trong xây dựng".
Như báo chí đưa tin, cây dầu dài 17 m, đường kính 1,1 m vừa được người dân phát hiện bị vùi lấp trong bùn đất cửa biển Nhà Diệu, xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển.
"Địa phương từ trước đến nay không có loại gỗ quý hiếm này", một kiểm lâm nói và cho biết có thể cây gỗ từ nơi khác trôi dạt đến cửa biển Nhà Diệu rồi bị vùi lấp.
Tuy ngâm dưới bùn mặn lâu nhưng cây dầu còn nguyên vẹn, phần gốc hướng vào đất liền, ngọn hướng ra biển.