Tinh hoa Việt trong đấu xảo hơn trăm năm trước

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Theo Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, đấu xảo là từ Hán - Việt, có nghĩa là 'hội thi đấu về sự tinh xảo'.

Tòa nhà Nam Kỳ được thợ Việt Nam sang Pháp hoàn thiện để sử dụng tại triển lãm thế giới Paris năm 1889.
Tòa nhà Nam Kỳ được thợ Việt Nam sang Pháp hoàn thiện để sử dụng tại triển lãm thế giới Paris năm 1889.

Hơn 300 tài liệu lưu trữ và hình ảnh quý về các hội đấu xảo có sự tham gia của Việt Nam, trong đó rất nhiều tài liệu lần đầu tiên được công bố trong triển lãm “Đấu xảo - Nơi tinh hoa hội tụ”.

Tái hiện thời vàng son

Triển lãm do Trung tâm Lưu trữ quốc gia I thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước tổ chức vào ngày 26/1 tới, nhằm phác họa không gian các hội đấu xảo quan trọng trong nước và quốc tế - nơi hội tụ tinh hoa Việt từ cuối thế kỉ 19 đến giữa thế kỉ 20. Không chỉ vang bóng trong quá khứ, ngày nay tinh hoa Việt vẫn luôn được các thế hệ duy trì và phát huy trong thời kì hội nhập.

Theo Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, đấu xảo là từ Hán - Việt, có nghĩa là “hội thi đấu về sự tinh xảo”. Đây là cách gọi cũ của hoạt động hội chợ, triển lãm, được tổ chức để giới thiệu và quảng bá các tác phẩm, sản phẩm… tạo cơ hội cho thị trường, thúc đẩy thương mại, phát triển kinh tế.

Ở Việt Nam, hội đấu xảo trong nước được tổ chức chủ yếu để giới thiệu, trao đổi hàng hóa, quảng bá tay nghề mỹ nghệ của thợ giỏi. Đặc biệt, hoạt động này được tổ chức thường xuyên hơn tại Hà Nội, Sài Gòn thời kì Pháp thuộc.

Sự góp mặt của những hình ảnh mang tính biểu trưng và các loại hàng hóa đặc sắc tại các hội đấu xảo là dịp để thế giới biết đến bản sắc và tinh hoa Việt trong nhiều lĩnh vực.

Đến nay đã 159 năm kể từ khi hội đấu xảo đầu tiên diễn ra tại Gia Định vào năm Tự Đức 19 (1865), và 137 năm kể từ khi hội đấu xảo đầu tiên diễn ra tại Hà Nội (1887), nhưng nhiều người thời nay chưa biết tới những tinh hoa trong quá khứ. Bởi vậy, hơn 300 tài liệu lưu trữ và hình ảnh trong triển lãm lần này sẽ kể câu chuyện của một thời vàng son.

Ở Hà Nội, năm 1887 dưới thời Tổng trú sứ Paul Bert, hội đấu xảo lớn đầu tiên được tổ chức tại Trường Thi có diện tích 40.000m2. Trong đó có sẵn các ngôi nhà ngói chiếm diện tích 1.450m2, khu nhà mái lá rộng 5.450m2, Nha Kinh lược rộng 850m2… để giới thiệu các sản phẩm kĩ nghệ.

Tại đây, bên cạnh sản phẩm của Pháp, cũng có các gian hàng dành cho thợ thủ công Việt. Trong dịp này, bức tượng “Nữ thần tự do” thu nhỏ (1/16) được đưa từ Pháp sang trưng bày tại khu vườn trong khuôn viên trường đấu xảo, sau đó được đặt trên đỉnh Tháp Rùa giữa hồ Hoàn Kiếm.

Các sản phẩm kĩ nghệ An Nam được bố trí một cách thông minh thành 2 dãy lán để khách tham quan có thể dễ dàng xem công việc của những người thợ: Làm quạt, trống tam - tam, làm nhạc cụ, làm lọng, sơn mài và đồ vật bằng giấy. Lán ở bên dành cho thợ làm mành, làm giấy, dệt lụa… người xem có thể quan sát thao tác sản xuất của người thợ.

Các sản phẩm trưng bày đều được chấm điểm và đề nghị tặng thưởng. Nhiều huy chương được đề nghị trao cho các sản phẩm thủ công của Việt Nam. Thợ khắc Nguyễn Văn Ngân được đề nghị trao Huy chương Bạc, thợ dệt lụa Nguyễn Văn Du cũng được đề nghị trao Huy chương Bạc.

Huy chương Bạc được đề nghị trao cho sản phẩm quạt lông, được đánh giá là “làm rất khéo” của Pham Quin Bi từ Hưng Yên. Bộ sưu tập trang sức bản xứ của Đỗ Hữu Phương từ Chợ Lớn được đề nghị tặng Huy chương Vàng với đánh giá là “đẹp và rất thu hút”.

Tượng 'Nữ thần tự do' đặt trên Tháp Rùa sau hội đấu xảo đầu tiên tại Hà Nội diễn ra năm 1887.

Tượng 'Nữ thần tự do' đặt trên Tháp Rùa sau hội đấu xảo đầu tiên tại Hà Nội diễn ra năm 1887.

Đem chuông đi đánh xứ người

Các sản phẩm tinh xảo của Việt Nam không chỉ góp mặt ở các hội đấu xảo trong nước, mà còn được phô diễn tại nhiều cuộc đấu xảo thuộc địa, đấu xảo thế giới ở các thành phố lớn của Pháp, Mỹ và nhiều quốc gia. Không chỉ tham dự đấu xảo với các sản phẩm hàng hóa, hình ảnh mang bản sắc Việt cũng đặc biệt được giới thiệu dưới nhiều hình thức.

Năm 1866, triều đình nhà Nguyễn cử một phái đoàn “đem chuông đi đánh xứ người” khi sang Pháp để tham gia hội đấu xảo thế giới lần 2 tại Paris vào năm 1867. Đây là lần đầu tiên các tác phẩm điêu khắc Chăm-pa được giới thiệu ra thế giới.

Tại đấu xảo thế giới năm 1878 tổ chức lần 3 tại Paris, lần đầu tiên một số sản phẩm của Nam Kỳ tham dự hội đấu và mang về khá nhiều huy chương. Các sản phẩm của người Việt thu hút sự quan tâm của người phương Tây và được Tổng thống Pháp, các bộ trưởng và Khâm phái các nước khen ngợi. Các sản phẩm Việt cũng được đánh giá cao tại các hội đấu xảo tại Paris, Marseille, Lyon, San Francisco, New York, Bruxelles sau đó.

Các tác phẩm tham dự đấu xảo của Việt Nam thu hút người phương Tây bởi vẻ tao nhã, độ tinh xảo và sự độc đáo. Một số sản phẩm, hình ảnh và đồ trưng bày thực sự mới lạ đối với khách tham quan.

Cảnh thi công tòa nhà trung tâm năm 1901 (nay là Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội trên phố Trần Hưng Đạo).

Cảnh thi công tòa nhà trung tâm năm 1901 (nay là Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội trên phố Trần Hưng Đạo).

Tác phẩm điêu khắc mỹ nghệ của Việt Nam đem dự đấu xảo Marseille năm 1922.

Tác phẩm điêu khắc mỹ nghệ của Việt Nam đem dự đấu xảo Marseille năm 1922.

Tại triển lãm thế giới Paris năm 1889, các chi tiết gỗ của tòa nhà Nam Kỳ được thợ khắc, thợ vẽ ở Sài Gòn sang Paris để sơn trang trí, hoàn thiện cho tòa nhà. Trong tòa nhà này, đồ thờ cúng gồm các bức tượng Phật điêu khắc gỗ mạ vàng, bàn thờ Phật cũng bằng gỗ điêu khắc và mạ vàng, các bình trang trí, hạc gỗ, lư hương, lọng, trướng… chạm khảm thực sự là các kiệt tác.

Ở tòa Trung Bắc Kỳ là một công trình có vẻ ngoài tươi sáng, mái cong nhiều lớp. Bên trong có 2 phòng lớn kết nối với nhau bằng 2 phòng trưng bày. Điều đáng chú ý là những chiếc rương khảm xà cừ tuyệt đẹp, phác họa phong cảnh đời sống An Nam. Phía trên những chiếc rương, bàn, hộp khảm và sơn mài có đèn lồng, quạt, lọng màu sắc sinh động xanh, đỏ vàng sắp đặt cân đối.

Gần tòa Trung Kỳ và Nam Kỳ là một ngôi làng An Nam - phiên bản của khu phố Hà Nội với các ngôi nhà tranh tre. Ở đó người dân làm nghề chạm khảm, kim hoàn, sơn mài và vẽ quạt… Cách làm chậm rãi, chắc chắn và tĩnh lặng của người thợ đã làm cho người châu Âu kinh ngạc.

Trong số các hội đấu xảo có sự tham gia của Việt Nam thời kì đó, hội đấu xảo thuộc địa năm 1931 đã giới thiệu hình ảnh, tiềm năng và các sản phẩm hàng hóa của Đông Dương một cách phong phú và đa dạng nhất.

Năm 1902, Cung Đấu xảo Hà Nội được khánh thành, mở ra bước tiến mới trong hoạt động triển lãm nghệ thuật, mỹ nghệ và hàng hóa Việt Nam. Cung Đấu xảo nằm phía bên trái của đại lộ Gambetta (phố Trần Hưng Đạo ngày nay) dẫn đến nhà ga trung tâm.

Theo tư liệu của Trung tâm Lưu trữ quốc gia I: Công ty Blazeix là nhà thầu thi công Cung Đấu xảo Hà Nội. Thành công của công trình này có sự góp sức đáng kể của kĩ sư Poirson. Mái vòm trung tâm được chế tạo tại xưởng Đáp Cầu, sau đó lắp ráp tại nhà máy gạch Blazeix, vận chuyển đến Hà Nội và lắp đặt chỉ trong vài ngày. Khung tháp chuông trên đỉnh tòa nhà hoàn thành và được lắp đặt vào ngày 10/12/1902.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) được đầu tư xây dựng khang trang. (Ảnh: Thế Lượng)

Hai 'bông hoa' ở trường vùng biên xứ Thanh

GD&TĐ - Hai nữ sinh Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) đã vượt khó, nỗ lực phấn đấu khi đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử và Ngữ văn.