Theo nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn nghề khảm xà cừ tại Việt Nam ra đời cả ngàn năm trước trong đó Đồng bằng Bắc Bộ là cái nôi của khảm xà cừ.
Dưới các triều Lý, Trần, Lê, Mạc sản phẩm mỹ nghệ xà cừ giành riêng cho vua quan sử dụng, làm tặng phẩm ngoại giao hay xuất khẩu.
Từ đời này truyền sang đời khác sản phẩm thủ công của nước Đại Việt hình thành bản sắc riêng so với sản phẩm thủ công của các nước trong khu vực.
Đến đầu thế kỷ XX khi vua Gia Long thống nhất giang sơn, xây dựng kinh đô Việt Nam tại Huế nghề khảm xà cừ phát triển rực rỡ tại chốn kinh kỳ.
Tiêu biểu có tác phẩm chân dung vua Bảo Đại và hoàng hậu Nam Phương khảm bằng xà cừ trên gỗ trắc, mặt sau khảm khảm hình khắc chữ nho: “Ngọ thôn xích tử Trần Bá Ôn xa cừ khảm truyền thần bái tiến, thiên tử vạn tuế” (nghĩa Dân thường ở thôn Ngọ, Chương Mỹ, Hà Đông lạy dâng bức truyền thần khảm xà cừ, kính chúc Đức vua muôn năm”. Hay chân dung khảm bằng xà cừ trên gỗ trắc ghi “Diên lộc quận công Thạch Trì Nguyễn tướng công chi tượng”….
Ngoài khảm xà cừ các chân dung còn có các vật phẩm khảm xà cừ do các quan địa phương đặt nghệ nhân làm riêng dành tặng hoàng gia vào dịp lễ vui mừng cũng rất xứng đáng liệt vào hạng tinh hoa của nghề khảm xà cừ mang dấu ấn mỹ thuật Huế - Nguyễn.
Huế có may mắn từng là kinh đô Việt Nam nên những thợ khảm xà cừ giỏi dưới thời các chúa Nguyễn, vua Nguyễn được tập trung hoặc tự chuyển đến kinh đô sinh sống để hành nghề, nhờ đó người Huế có cơ hội tiếp xúc học hỏi và được truyền dạy nghề khảm xà cừ rất lâu đời.
Hiện nay ở Huế vẫn còn truyền nhân về nghề này. Tại thôn Địa Linh, Bao Vinh, Nam Phổ vẫn còn lưu giữ nhiều vật phẩm, tác phẩm thủ công mỹ nghệ tuyệt tác, đó chính là những tiêu bản quý hiếm để nghiên cứu, làm kiểu mẫu cho đời sau.
Nhân dịp Festival nghề truyền thống Huế 2015 nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn đã cho người xem thưởng lãm một phần bộ sưu tập về khảm xà cừ với mong muốn công chúng đón nhận đây là một nghề thủ công từng một thời làm rạng danh đất Việt.