Tình hình tiêu cực ở Iran sau các cuộc biểu tình

GD&TĐ -  Theo Tổng thống Ebrahim Raisi, tình trạng bất ổn xảy ra ở Iran vào năm ngoái có tác động tiêu cực đến tình hình kinh tế của nước này.

Tổng thống Iran Ebrahim Raisi.
Tổng thống Iran Ebrahim Raisi.

Trong cuộc phỏng vấn với truyền hình Iran nhân dịp kỷ niệm Cách mạng Hồi giáo, ông Raisi nói rằng tình trạng bất ổn gây ra vấn đề cho các doanh nghiệp và tạo thêm biến động cho thị trường, đẩy đồng USD lên giá. Tất nhiên đó là một trong những yếu tố khiến tỷ giá đồng USD tăng cao, nhưng không phải là lý do duy nhất.

Tổng thống Iran cho biết chính phủ nước này đang rất chú ý đến vấn đề lạm phát trong nước.

"Tôi theo dõi giá cả hàng ngày. Nhu cầu ổn định giá cả của người dân là hoàn toàn hợp lý. Tất cả chúng ta đều bị ảnh hưởng bởi giá cả hàng hóa ngày càng tăng. Những thứ khiến người dân chịu thiệt thì chính phủ cũng chịu thiệt" - Tổng thống Iran nói thêm.

Các cuộc biểu tình đã nổ ra ở Iran sau đám tang của cô Mahsa Amini, 22 tuổi vào ngày 16/9/2022. Theo thông tin chính thức, cô gái người Kurd này bị cảnh sát giam giữ vì không đội khăn trùm đầu đúng cách. Trong một cuộc thẩm vấn diễn ra sau đó, cô bị đau tim và qua đời. Tuy nhiên, mạng xã hội đã lan truyền thông tin rằng Amini đã bị cảnh sát đánh đập. Ngày 7/10, Cơ quan Pháp y Iran công bố một báo cáo chính thức về nguyên nhân cái chết của cô Amini, lưu ý rằng cô ấy không bị bất kỳ chấn thương nào.

Theo báo Asharq Al-Awsat, trong hơn 3 tháng, các cuộc tụ tập và diễu hành đã mở rộng tới 157 thành phố và địa phương đông dân cư. Những người biểu tình đòi thay đổi dân chủ, lên án sự đàn áp của nhà nước và kêu gọi trả tự do cho những người bị bắt.

Chính phủ Cộng hòa Hồi giáo Iran cáo buộc các cơ quan đặc biệt của Anh, Israel, Ả Rập Saudi và Hoa Kỳ đã góp phần gây ra tình trạng bất ổn.

Theo TASS

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ